MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng bí thư, Chủ tịch nước sẽ dự phiên họp Chính phủ cuối năm

Đây là năm thứ hai, cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào dịp cuối năm có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước sẽ dự phiên họp Chính phủ cuối năm - Ảnh 1.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng


Theo thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ, ngày mai (28/12), Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương sẽ khai mạc và dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng này.

Như vậy, đây sẽ là lần thứ hai Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương có sự tham dự của người giữ cương vị cao nhất của Đảng.

Hội nghị lần này diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 27/12 và ngay trước thềm năm mới, nhằm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Năm 2018,  tăng trưởng GDP của nước ta đạt mức kỷ lục, ước đạt 7% - là mức cao nhất trong 10 năm qua và cũng cao hơn dự báo.

Đáng lưu ý, dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định.

Quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Dự báo chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Triển khai nhiệm vụ năm 2019, Chính phủ đã xác định tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động, phục vụ nhân dân, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ và tạo sức lan tỏa về khát vọng Việt Nam hùng cường tới cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân; đồng thời đề xuất, xác định giải pháp trọng tâm trong năm 2019 gắn với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, cao hơn năm 2018.

Chính phủ cũng đã xác định các nhóm giải pháp lớn cho năm 2019 là tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cùng với đó, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.


Theo Hoài Vũ

Báo Giao thông

Trở lên trên