MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng bí thư nêu hàng loạt câu hỏi lớn với Ban Kinh tế Trung ương

Kinh tế xã hội đã phát triển nhanh và bền vững chưa? Nhanh và bền vững ở mức nào? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu?...

Vì sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá 9 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra? Vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn, với những công trình hàng nghìn tỉ đồng bị “đắp chiếu”?...

Đây là một trong nhiều vấn đề được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương tập trung làm rõ, trong phát biểu tại cuộc làm việc với cơ quan này hôm 11/2.

Cần câu trả lời

Tại buổi làm việc, Tổng bí thư nhấn mạnh một số vấn đề để Ban Kinh tế Trung ương thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương phải tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Lưu ý của Tổng bí thư là ngoài những đề án, báo cáo được giao chủ trì nghiên cứu, chuẩn bị, Ban Kinh tế Trung ương còn cần phải tích cực tham gia cùng các ban, bộ, ngành Trung ương thẩm định, phản biện một cách khách quan, sắc sảo, thuyết phục đối với các đề án, báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội do các cơ quan khác chủ trì chuẩn bị.

Tập trung ưu tiên triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án: “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập”, “Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách đối với người có công”…

Trong quá trình chủ trì nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trình hội nghị Trung ương 5 sắp tới, Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung làm rõ những vấn đề quan trọng.

Như, Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối phát triển kinh tế nhanh, bền vững và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp, chương trình, kế hoạch để thực hiện, thực tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa? Nhanh và bền vững ở mức nào? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu? Từ đó đề xuất các chính sách, biện pháp tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện bằng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Tổng bí thư tiếp tục nêu hàng loạt câu hỏi: phải chăng nguyên nhân bao trùm là do việc huy động, đặc biệt là phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường?

Nhiều câu hỏi nữa Ban Kinh tế Trung ương cũng được yêu cầu có câu trả lời.

Đó là vì sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá 9 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra? Vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn, với những công trình hàng nghìn tỉ đồng bị “đắp chiếu”?

Yêu cầu tiếp theo từ lãnh đạo cao nhất của Đảng là Ban Kinh tế Trung ương phải đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 9 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để tiếp tục định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển một cách đúng đắn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Chưa chú trọng”

Nội dung tiếp theo được Tổng bí thư nhấn mạnh là Ban Kinh tế Trung ương cần chú ý sớm phát hiện những vướng mắc, sai phạm trong việc cụ thể hoá, thể chế hoá, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để kịp thời trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, tìm biện pháp điều chỉnh, tháo gỡ hoặc xử lý.

Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xã hội hoá các dịch vụ công, khi phát hiện một số cảng biển, sân bay được công bố sẽ bán cho nước ngoài hoặc một số trường học, bệnh viện công lập được cổ phần hoá thì phải kịp thời nắm bắt, phân tích, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kịp thời có điều chỉnh cần thiết.

“Tôi có cảm giác là vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chưa chú trọng đúng mức việc này”, Tổng bí thư nhận xét.

Ông tiếp tục đặt vấn đề: vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình “đắp chiếu”, nhưng không thấy Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến gì.

Theo Tổng bí thư, Ban Kinh tế Trung ương có điều kiện để nắm bắt, phân tích các thông đến các vụ việc tham nhũng, lãng phí. Vì thế phải nhanh nhạy, sắc bén và kiên quyết hơn trong việc này, kịp thời báo cáo Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và đề xuất các giải pháp thanh tra, điều tra, ngăn ngừa và khắc phục, bảo đảm an ninh kinh tế.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên