Tổng cục Hải quan: Nhiều mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chỉ để đối phó
Trong khi nhân lực, tài chính, máy móc để kiểm tra chuyên ngành với các mặt hàng xuất nhập khẩu còn hạn chế thì danh mục các mặt hàng phải kiểm tra lại quá lớn.
- 24-06-2016Giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp lợi hàng tỷ USD
- 11-06-2016Kiểm tra chuyên ngành “hành” doanh nghiệp
- 08-06-2016Xem xét hàng miễn thuế không phải kiểm tra chuyên ngành
Danh mục này phình ra theo đánh giá một phần bởi phải "ôm" cả những mặt hàng kiểm tra trong nhiều năm nhưng chẳng mấy khi phát hiện sai phạm.
Kiểm tra ở cửa khẩu chỉ để... lấy mẫu
Đánh giá trong buổi họp báo về hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tổ chức chiều 16/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan nêu lên thực tế, tại hầu hết cửa khẩu quốc tế, đường bộ, biển hay hàng không đều chưa có đại diện các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa.
Việc kiểm tra hàng hóa theo ông được được các đơn vị kiểm tra theo mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về nội địa dẫn tới kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Theo ông Sơn, từ năm 2015 tới nay, phía hải quan cùng các đơn vị chức năng thuộc các bộ có tổ chức 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại một số cửa khẩu tại Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn,... nhưng chính những điểm này cũng không đủ trang thiết bị máy móc.
Những điểm mới được khai trương này theo ông chủ yếu vẫn chỉ để lấy mẫu kiểm tra mà chưa giải quyết được vấn đề căn bản là phân tích và trả kết quả ngay cho doanh nghiệp.
Với ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục hải quan, ông thậm chí còn thẳng thắn: "Nhiều chi cục phản ánh việc kiểm tra chuyên ngành nhiều mặt hàng liên quan tới an toàn thực phẩm mang tính chất đối phó."
Theo ông, điều này một phần vì quá trình kiểm tra với một số mặt hàng vẫn chủ yếu được làm thủ công trong điều kiện thiếu thốn máy móc, trang thiết bị. Qua đó, ông Hải kiến nghị việc ủy quyền để các đơn vị xã hội hóa tham gia vào quá trình kiểm tra chuyên ngành.
Kiểm tra nhiều, kết quả chẳng bao nhiêu
Ở hướng khác, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho hay, theo nghị quyết của Chính phủ, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sẽ phải giảm từ mức 30-35% hiện tại xuống còn 15% cuối năm nay.
Chưa đánh giá có thể đạt được mục tiêu này hay không nhưng theo ông, nhiều mặt hàng nên đưa ra khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.
Ông chỉ ra, nhiều mặt hàng kiểm tra nhiều lần trong nhiều năm nhưng phát hiện sai phạm rất ít.
"Năm 2014 và năm 2015, khi làm việc với Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có mặt hàng hàng năm có khoảng 8.000 lô hàng thuộc diện kiểm tra an toàn khi qua sân bay nhưng số phát hiện chỉ 6 trường hợp. Tỷ lệ như vậy là quá ít," ông Hải nói.
Từ đó, ông đặt ra câu hỏi, có cần thiết tốn nhiều thời gian, chi phí với những mặt hàng như vậy?
Ông cũng kiến nghị với các bộ, ngành, những danh mục hàng hóa không rõ ràng phải đưa ra khỏi diện kiểm tra chuyên ngành. Ông Hải chỉ ra thực tế, phạm vi kiểm tra được cơ quan chức năng nêu rất rộng nhưng cụ thể là mặt hàng nào phải kiểm tra thì lại không rõ ràng.
Theo ông, phía hải quan đã tham mưu lập lập tổ công tác liên ngành để triển khai các nhiệm vụ liên quan trong đó có đề xuất sự tham gia của 14 đầu mối các bộ, ngành. Dự thảo quy chế làm việc của tổ này theo ông là đã có nhưng một số bộ, ngành vẫn chưa cử người tham gia.
"Nếu không có chuyển biến căn bản về quy định pháp luật, trước hết không có đột phá cải cách thể chế thì kiểm tra chuyên ngành khó thực hiện được theo đúng mục tiêu đề ra," đại diện ngành hải quan lên tiếng./.
Nghị quyết 19-2016/NQ-CP đặt mục tiêu thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa trong năm nay từ 13-14 ngày còn 10-12 ngày. Nghị quyết cũng yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016.
Vietnam+