MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng cục Thống kê: Vốn, doanh thu, đóng góp ngân sách... của khối DNNN giảm là phù hợp với chủ trương

Sáng nay (19/1), Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017. Trong đó, các chỉ tiêu cơ bản của DNNN đều đang trong xu hướng giảm dần.

Đại diện Tổng cục, ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại và Dịch vụ đã công bố một số chỉ tiêu kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp đang hoạt động.

Về huy động vốn, tại thời điểm 1/1/2017 tổng nguồn vốn được huy động vào sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp là 30,2 triệu tỷ đồng, gấp 2,03 lần năm 2012. Như vậy, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 15,2% nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong số đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nguồn vốn nhiều nhất với 16,8 triệu tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2012. Bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 17,1% nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Tổng cục Thống kê: Vốn, doanh thu, đóng góp ngân sách... của khối DNNN giảm là phù hợp với chủ trương  - Ảnh 1.

(đơn vị: triệu tỷ đồng)

Đối với DNNN, ông Tiến cho biết dù số doanh nghiệp liên tục giảm do cổ phần hóa nhưng các doanh nghiệp này vẫn thu hút nhiều nguồn vốn. Theo đó, khối DNNN thu hút 8,4 triệu tỷ đồng, gấp 1,72 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm các doanh nghiệp nhà nước thu hút thêm 11,5% vốn.

Các doanh nghiệp FDI thu hút 5,07 triệu tỷ đồng vốn, gấp 2,12 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm các doanh nghiệp FDI thu hút thêm 16,3% vốn.

Nếu xét theo nhóm ngành, các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ thu hút nhiều vốn cho sản xuất kinh doanh nhất nhất với 18,5 triệu tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm 2012.

Tuy có khối lượng vốn thu hút thấp hơn khu vực dịch vụ nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực công nghiệp và xây dựng đang là khu vực có tốc độ thu hút vốn nhanh nhất khối doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp này thu hút 11,6 triệu tỷ đồng vốn, gấp 2,3 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 18,4% vốn.

Về doanh thu năm 2016, khu vực doanh nghiệp tạo ra 17,45 triệu tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 1,7 lần năm 2011, bình quân 5 năm qua mỗi năm toàn bộ khu vực doanh nghiệp tạo ra thêm 11,9% doanh thu (thấp hơn mức tăng thêm 15,2% của vốn).

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có doanh thu đạt cao nhất với 9,76 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2016 khu vực này tạo ra thêm 11,9% doanh thu.

Tiếp đến là khu vực các doanh nghiệp FDI năm 2016 tạo ra 4,81 triệu tỷ đồng, gấp 2,37 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2016 mỗi năm khu vực này tạo ra thêm 18,8% doanh thu.

Thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, năm 2016 chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 6,7% so với năm 2011.

Theo ngành kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực doanh nghiệp lớn nhất, có mức doanh thu năm 2016 khá tương đồng.

Doanh thu của các doanh nghiệp dịch vụ năm 2016 đạt 8,75 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2011. Các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra 9,02 triệu tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2011.

Tổng cục Thống kê: Vốn, doanh thu, đóng góp ngân sách... của khối DNNN giảm là phù hợp với chủ trương  - Ảnh 2.

Về mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất với 46%, tiếp đến là các doanh nghiệp nhà nước 29% và doanh nghiệp FDI là 25%.

Các doanh nghiệp dịch vụ đóng góp 51,7% tổng các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng đóng góp 48% cho ngân sách của khối doanh nghiệp.

Bình luận thêm về vấn đề này, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho biết xu hướng chung là DNNN sẽ giảm dần quy mô, kết quả kinh doanh, đóng góp ngân sách..., trong khi đó dần tăng ở doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI. 

"Các chỉ tiêu cơ bản của DNNN đều giảm phù hợp với chủ trương. Tức là Nhà nước chỉ tham gia kinh doanh ở các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế không tham gia", ông Thuý nói. 

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đã ghi nhận sự phát triển rất nhanh của doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó, đáng chú ý đến doanh thu và đóng góp vào ngân sách của khu vực này. Điều này đúng với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực của đất nước. 

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên