Tổng giám đốc nhà máy giấy nói gì về nỗi lo gây ô nhiễm?
“Không bảo vệ được môi trường thì không có nhà máy giấy, bởi chúng tôi luôn đặt mục tiêu hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường phải đồng hành với nhau”.
- 25-10-2016Giải pháp kiểm soát môi trường dự án nhà máy giấy Lee&Man
- 25-07-2016Đề nghị xem xét dừng dự án nhà máy bột giấy Lee & Man
- 05-07-2016Nhà máy giấy 2.000 tỉ ‘trùm mền’, người dân ôm nợ
Ông Chiang Ming Jui, tổng giám đốc Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương VN, đã khẳng định như vậy sau khi có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nhà máy giấy này sẽ gây ô nhiễm sông Tiền (Tuổi Trẻ ngày 15-11).
Ông Chiang Ming Jui cho biết: “Tôi được biết thông tin này trên báo Tuổi Trẻ khi đang ở Đài Loan và rất chia sẻ với sự quan ngại của cơ quan chức năng, nhà khoa học và người dân VN về vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó tôi phải bay sang VN ngay lập tức để làm việc với các cơ quan chức năng, giải thích rõ hơn về công nghệ mà nhà máy sử dụng để xử lý nước thải.
* Ông lo ngại UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thu hồi dự án?
- Chúng tôi đến VN đầu tư, mang theo lập trường của chủ tịch hội đồng quản trị là: “Không bảo vệ được môi trường thì không có nhà máy giấy”. Do đó ngay từ khi bắt tay vào thực hiện dự án, chúng tôi đã chọn công nghệ xử lý nước thải hiện đại nhất, dù có đắt thế nào cũng chấp nhận.
Tuân thủ nghiêm túc tất cả các quy định của pháp luật VN cũng là tiền đề giúp công ty hoạt động có hiệu quả. Chúng tôi cũng hiểu chính quyền băn khoăn khi các nhà khoa học nêu ý kiến lo ngại. Trách nhiệm của chúng tôi từ nay trở đi là chứng minh dự án này không làm tổn hại đến môi trường và sông Tiền.
* Nhưng nhiều nhà khoa học kêu gọi Tiền Giang thu hồi dự án này do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm sông Tiền, thưa ông?
- Công nghiệp sản xuất giấy từ gỗ dùng nhiều hóa chất nên rất ô nhiễm. Các nhà khoa học lo ngại là đúng. Tuy nhiên Nhà máy giấy Đại Dương không dùng gỗ để sản xuất bột giấy, chỉ sử dụng giấy phế liệu để tái chế nên không sử dụng NaCl2.
Lĩnh vực tái chế để tạo ra sản phẩm mới được Nhà nước VN khuyến khích đầu tư và có những ưu đãi nhất định. Nhà máy sẽ sử dụng công nghệ hiện đại nhất từ châu Âu để xử lý nước thải.
Chúng tôi làm rất nghiêm túc để đáp ứng tất cả các quy định của Chính phủ VN và cam kết không để xảy ra ô nhiễm môi trường trong quá trình nhà máy hoạt động.
Nếu giấy phế liệu ở VN không được thu hồi tái sử dụng mà lựa chọn cách xử lý khác như chôn lấp, mực in trong giấy phế liệu rất độc hại cho môi trường sẽ thấm vào trong đất, e rằng sẽ tổn hại nhiều hơn đối với môi trường.
Nhưng nếu được thu hồi tái sử dụng sẽ tách riêng phần mực in để xử lý hữu hiệu. Sử dụng giấy phế liệu để tái chế ra sản phẩm mới cũng là cách sử dụng có hiệu quả tài nguyên.
Ông Chiang Ming Jui - Ảnh: V.TR.
* Cơ sở nào để khẳng định nhà máy sẽ không gây ô nhiễm?
- Công nghệ xử lý nước thải của chúng tôi dự toán trị giá khoảng 4 triệu USD (giai đoạn 1), quy trình xử lý nước thải được thiết kế nhằm chủ yếu xử lý các thành phần ô nhiễm chính trong sản xuất giấy (như các chất: SS, COD, BOD...).
Ngoài ra có thêm công đoạn xử lý FENTON để đảm bảo nguồn nước sau xử lý đạt chuẩn cao nhất, hiện đang được áp dụng tại các nhà máy giấy lớn trên thế giới.
Chúng tôi rất tự tin sẽ xử lý nước thải tốt hơn một số nhà máy giấy khác đang hoạt động tại VN và không làm tổn hại môi trường.
Đặc biệt, nước thải sau khi xử lý sẽ cho ra hồ sinh thái lưu giữ một thời gian trước khi xả ra sông. Ở đó có thả cá nuôi và có hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu về Bộ TN-MT và Sở TN-MT 24/24 giờ. Trong trường hợp nước thải tại hồ này vì lý do nào đó chưa đạt cột A theo quy định, thiết bị sẽ tự động kích hoạt dừng toàn bộ hoạt động để xử lý đến khi đạt tiêu chuẩn.
Do đó nguy cơ xảy ra sự cố tràn nước thải chưa đạt chuẩn ra sông gần như không có. Xin nói thêm là đường ống xả thải sẽ được thi công nổi trên mặt đất để cơ quan chức năng và người dân giám sát.
* Nhưng nhà máy giấy sử dụng nhiều nước trong khi đặt tại Khu công nghiệp Long Giang ở huyện Tân Phước, như vậy sẽ bị thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô?
- Chúng tôi đã tính tới việc đầu tư xử lý nước nhiễm mặn thành nước ngọt để sản xuất. Khi đó nước thải sau khi xử lý rồi xả ra môi trường cũng góp phần làm giảm độ mặn trên sông.
* Nhà máy có tái sử dụng nước thải để sản xuất không?
- Ông phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa hỏi tôi câu này. Mỗi ngày nhà máy sử dụng khoảng 6.000m3 nước mặt lấy từ sông để xử lý cấp cho hoạt động sản xuất, trong đó lượng xả thải vào khoảng 5.000m3. Khoảng 1.000m3 còn lại chủ yếu được tuần hoàn tái sử dụng tại khâu đánh tơi giấy vụn, một phần bị bốc hơi và trong bùn thải ở hệ thống xử lý.
Dù nước thải đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định của Bộ TN-MT, nhưng do nước này có hàm lượng COD và BOD cao hơn nước tự nhiên nên không thể bơm ngay vào tái sử dụng. Nhưng khi hòa vào nước sông, nó sẽ được làm sạch tự nhiên, sau đó lại được bơm vào nhà máy. Chúng tôi lấy nước sông để sản xuất tại vị trí chỉ cách nơi xả thải vài trăm mét, nên chắc chắn một phần nước thải của nhà máy được bơm vào tái sử dụng.
* Còn bùn thải trong quy trình xử lý nước thải là chất ô nhiễm, nhà máy sẽ xử lý bùn thải này như thế nào?
- Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có nêu rất rõ phương án xử lý bùn thải. Trước hết chúng tôi sẽ thu gom bùn thải và ép khô thành khối, sau đó chuyển đến lò đốt đạt tiêu chuẩn để xử lý.
* ĐTM của dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt chưa, thưa ông?
- ĐTM đang được một đơn vị tư vấn tại TP.HCM hoàn thành, chúng tôi dự kiến trình Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt vào cuối năm. Sau vụ Formosa, Chính phủ VN rất cẩn trọng xem xét vấn đề môi trường là điều dễ hiểu và cần thiết, chúng tôi ủng hộ và chấp hành tất cả các quy định của VN. Hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường luôn được chúng tôi xem quan trọng như nhau, nên đầu tư rất lớn cho xử lý nước thải.
* Ông Phạm Anh Tuấn (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang):
Sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học
Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương chưa được Bộ TN-MT phê duyệt ĐTM, nên chúng tôi chưa xem xét cấp giấy phép xây dựng nhà máy và các vấn đề có liên quan. Đối với dự án này, Bộ TN-MT và tỉnh sẽ xem xét cẩn trọng trên tinh thần lắng nghe góp ý của các nhà khoa học và thẩm định thiết bị, công nghệ của nhà đầu tư một cách khách quan, khoa học.
* TS DƯƠNG VĂN NI (chuyên gia sinh thái Trường ĐH Cần Thơ):
Phải chặt chẽ trong quá trình thẩm định
Doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài đến đầu tư tại VN đều buộc phải chấp hành các quy định của pháp luật, không có ngoại lệ. Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương đầu tư nhà máy sản xuất giấy, ngành có nguy cơ ô nhiễm cao, càng phải chấp hành nghiêm Luật bảo vệ môi trường.
Vấn đề quan trọng là quy trình thẩm định, cấp phép, giám sát của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần phải chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan. Chúng ta đã có nhiều bài học “đúng quy trình” nhưng lại có chuyện này chuyện kia. Do đó cũng cần chú ý “quy trình” cấp phép đầu tư, cấp phép xả thải... chứ không chỉ là dự án nhà máy giấy.
Tuổi trẻ