MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc VPBank: Dịch bệnh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, mục tiêu kinh doanh năm 2020 thực sự là thách thức không nhỏ với VPBank

08-04-2020 - 17:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu dịch bệnh ở Việt Nam và các nước ổn định vào cuối quý 2 thì sau đó sẽ là cơ hội để sản xuất kinh doanh phục hồi và từ đó ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng. Trong tình huống bệnh dịch kéo dài sang quý 3 hoặc muộn hơn, và kinh tế tiếp tục đình trệ, mục tiêu của VPBank là đảm bảo an toàn vốn, tài sản và ổn định nguồn thu...

Tổng giám đốc VPBank ông Nguyễn Đức Vinh vừa có thư gửi tới cổ đông và các đối tác chia sẻ những tác động của dịch bệnh Covid-19 lên hoạt động ngân hàng.

Ông Vinh nhận định, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của nhiều chính phủ và đội ngũ y tế. Trong hoàn cảnh đầy cấp bách đó, Việt Nam đã ứng phó rất nghiêm túc với Covid-19 trên tinh thần thận trọng, không chủ quan với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống khống chế dịch vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Là một ngành thiết yếu của xã hội, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các văn bản, chính sách như Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Chỉ thị 02/CT-NHNN, Công điện 03/CĐ-NHNN...là cơ sở pháp lý giúp các tổ chức tín dụng và công ty tài chính kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch tễ. Các giải pháp cụ thể bao gồm: điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn, giảm phí thanh toán.

Trong bối cảnh trên, VPBank đã nhanh chóng triển khai một loạt các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với tình hình diễn biến ngày một phức tạp của dịch bệnh như Thành lập Ban chỉ đạo ứng phó dịch bệnh và kích hoạt Kế hoạch kinh doanh liên tục (BCP) ngay từ tháng đầu tháng 2, vừa ưu tiên bảo vệ an toàn sức khỏe nhân viên, vừa đáp ứng nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh;  
Rà soát và đánh giá ảnh hưởng đối với các cá nhân, khách hàng và khu vực kinh tế để từ đó có các 
chính sách và phương án kinh doanh phù hợp; 
Thúc đẩy các chương trình củng cố và tăng cường thanh khoản đảm bảo an toàn hoạt động; 
Tiến hành kiểm tra sức chịu đựng (stress testing) trong các tình huống căng thẳng (stressed scenarios).

Ngân hàng cũng đã rà soát các giải pháp tối ưu hóa chi phí, giảm và hoãn các dự án, công việc chưa thiết yếu... nhằm 
tập trung giảm chi phí vận hành; 
Thắt chặt các chính sách kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng; 
Tăng cường các hoạt động thu hồi nợ và cấu trúc nợ...

Riêng về hoạt động, CEO của VPBank cho biết, ngay từ đầu mùa dịch đã triển khai chương trình giảm lãi suất tới 1,5%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; đồng thời, cẩn trọng đánh giá tác động tới doanh nghiệp nhằm đưa ra giải pháp giãn nợ, tái cấu trúc nợ kịp thời. Đến cuối tháng 3 vừa qua, VPBank công bố tiếp gói hỗ trợ thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp có lịch sử trả nợ và xếp hạng tín dụng tốt.

Đối với khách hàng cá nhân, VPBank áp dụng mức giảm tối đa 3% với thời gian hõ trợ ban đầu từ 3- 6 tháng tùy theo các gói vay. Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit cũng triển khai gói hỗ trợ khách hàng, miễn trừ tới 10% tổng lãi trả góp hàng tháng hay miễn giảm một phần lãi cho khách hàng thuộc nhóm nợ từ 2 đến 5. 
Ngoài ra thời gian qua ngân hàng đã đẩy mạnh khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt. Kết thúc quý 1/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa của ngân hàng này đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ.

Ông cũng cập nhật thông tin, tính đến đầu tháng 4 năm 2020, VPBank có nhiều khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin cấu trúc lại khoản vay do ảnh hưởng của Covid-19 tuy nhiên về tổng số lượng khách hàng và dư nợ xin được cơ cấu chỉ chiếm một phần nhỏ trong danh mục của ngân hàng. Do vậy, tác động thực tế của Covid-19 vẫn còn khá nhỏ. 

Thừa nhận mặc dù có bị ảnh hưởng ban đầu bởi Covid-19 nhưng CEO của VPBank cho biết ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2020 về tăng trưởng tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. 

Trong bối cảnh dịch bệnh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, ông Vinh nhận định các mục tiêu kinh doanh cả năm 2020 thực sự là thách thức không nhỏ với VPBank. 
Hiện nay các kịch bản ứng phó cho các tình huống khống chế dịch bệnh ở VPBank đã được xây dựng để có phương án ứng xử kinh doanh, vận hành hiệu quả nhất. 

"VPBank hy vọng kịch bản lạc quan với sự ổn định của tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và các nước vào cuối Quý 2/2020 và các hoạt động phục hồi cuộc sống và kinh tế sẽ diễn ra sau đó. Đây sẽ là cơ hội để sản xuất kinh doanh phục hồi và từ đó ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng. Trong tình huống bệnh dịch kéo dài sang Quý 3 hoặc muộn hơn, và kinh tế tiếp tục đình trệ, mục tiêu của VPBank là đảm bảo an toàn vốn, tài sản và ổn định nguồn thu cùng với việc triệt để tiết kiệm chi phí đảm bảo ngân hàng có đủ thanh khoản và sẵn sàng ứng phó với các rủi ro phát sinh. Song song với đó, ngân hàng chủ động đánh giá và lên các kế hoạch thúc đẩy kinh doanh chuẩn bị cho hậu Covid-19".

Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Vinh bày tỏ niềm tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, sự đồng lòng và quyết tâm vượt qua khó khăn của tất cả doanh nghiệp và người dân, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có triển vọng tích cực để thu hút đầu tư. 

Tổng giám đốc VPBank: Dịch bệnh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, mục tiêu kinh doanh năm 2020 thực sự là thách thức không nhỏ với VPBank - Ảnh 1.

Thanh Bình

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên