MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng hợp thông tin tiền lương của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Tổng hợp thông tin tiền lương của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải cho người lao động làm việc tại nhà hoặc tạm nghỉ việc. Trong các trường hợp này, người lao động được tính lương như thế nào?

Doanh nghiệp cho nghỉ để phòng dịch

Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định:

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, doanh nghiệp cho ngừng việc để phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là trường hợp ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy, tiền lương ngừng việc sẽ do người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận nhưng phải đảm bảo:

- Ngừng việc từ 14 ngày trở xuống: Tiền lương không thấp hơn mức lương tối thiểu

- Ngừng việc trên 14 ngày: Đảm bảo lương ít nhất bằng lương tối thiểu trong 14 ngày đầu tiên, sau đó sẽ do các bên tự thỏa thuận.

Trong đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2021 đang được áp dụng theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

Mức lương tối thiểu vùng
Áp dụng với doanh nghiệp thuộc:
4.420.000 đồng/tháng
Vùng I
3.920.000 đồng/tháng
Vùng II
3.430.000 đồng/tháng
Vùng III
3.070.000 đồng/tháng
Vùng IV


Doanh nghiệp cho người lao động làm việc tại nhà

Theo nguyên tắc trả lương tại khoản 1 Điều 94 BLLĐ năm 2019, doanh nghiệp phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trong đó, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (khoản 1 Điều 90 BLLĐ năm 2019).

Vì vậy, nếu làm việc ở nhà nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc được giao thì người lao động phải được nhận đủ tiền lương theo thỏa thuận. Song, để giảm bớt áp lực kinh tế trong giai đoạn Covid-19, pháp luật cho phép doanh nghiệp có thể giảm tiền lương của người lao động trong 2 trường hợp sau:

1 - Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng lao động.

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên. Do đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận với nhau về việc sửa đổi các nội dung liên quan đến hợp đồng lao động, trong đó có vấn đề về tiền lương.

Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giảm tiền lương nếu được người lao động đồng ý. Mức giảm sẽ do các bên tự thỏa thuận, nhưng mức lương người lao động được nhận sau khi giảm vẫn phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu.

2 - Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Khi gặp khó khăn do dịch bệnh nguy hiểm, doanh nghiệp được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Nội dung này được ghi nhận cụ thể tại khoản 1 Điều 29 BLLĐ năm 2019 như sau:

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Theo khoản 3 Điều 29 BLLĐ 2019, người lao động sẽ được trả lương như sau:

3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Do vậy, khi chuyển người lao động làm công việc mới, người sử dụng lao động có thể trả lương ít hơn trước đó nhưng phải đảm bảo giữ nguyên mức lương cũ trong 30 ngày làm việc và tiền lương công việc mới phải bằng ít nhất 85% lương cũ và không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tổng hợp thông tin tiền lương của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 - Ảnh 5.

Người lao động phải đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà

Để hạn chế sự lây lan của Covid-19, những trường hợp F1 của bệnh nhân Covid-19 đều bị đưa đi cách ly tập trung, còn người tiếp xúc với người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 (còn gọi là F2, F3, F4…) được yêu cầu cách ly y tế tại nhà. Khi ấy, những người này bắt buộc phải ngừng công việc đang làm để thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Vậy trường hợp này có được tính là ngừng việc có hưởng lương?

Theo hướng dẫn tại Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020, người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 BLLĐ năm 2012.

Tuy nhiên BLLĐ năm 2012 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng BLLĐ năm 2019 từ ngày 1/1/2021. Cụ thể, người lao động trong thời gian cách ly sẽ được đảm bảo tiền lương ngừng việc theo quy định về ngừng việc tại khoản 3 Điều 99 BLLĐ năm 2019 như sau:

- Trong 14 ngày ngừng việc đầu tiên: Trả lương theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Sau 14 ngày: Tiền lương ngừng việc do các bên tự thỏa thuận.

Khu vực sinh sống của người lao động bị phong tỏa, giãn cách xã hội

Trường hợp khu vực người lao động sinh sống bị phong tỏa, giãn cách xã hội, khiến họ không thể đi làm để tạo ra sản phẩm lao động, doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm trả lương cho người lao động. Vì đây cũng được coi là trường hợp ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm nêu trong khoản 3 Điều 99 BLLĐ năm 2019.

Do vậy, người lao động trong trường hợp này, dù không đi làm nhưng vẫn được hưởng lương theo thỏa thuận như sau:

- Trong 14 ngày đầu tiên: Mức lương ít nhất bằng mức lương tối thiểu.

- Sau 14 ngày: Mức lương do các bên thỏa thuận, không giới hạn mức tối thiểu và tối đa.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên