Tổng mức bán lẻ tăng cao, vì sao hàng ngàn doanh nghiệp vẫn rời thị trường?
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Vậy vì sao hàng loạt các chuỗi cửa hàng bán lẻ vẫn phải đóng cửa?
- 01-10-2020Báo Singapore: Ngành dịch vụ ngoài du lịch của Việt Nam dần bắt kịp xu hướng hồi phục
- 01-10-2020Cận cảnh Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM vừa khởi công: Quy mô, tiện ích, khởi nguồn bứt phá!
- 01-10-2020Đích đến 2016-2020: Điểm sáng tăng trưởng
- 01-10-2020Hết tháng 9, Đà Nẵng thu hút hơn 800 triệu USD vốn FDI từ Nhật Bản
Doanh thu bán lẻ duy trì ổn định...
Theo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.022,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
...nhưng doanh nghiệp bất định
Mặc dù những con số trên cho thấy dấu hiệu tích cực của ngành bán lẻ, nhưng cũng trong giai đoạn vừa qua, hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa.
Cụ thể, trong quý II/2020, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm 2020 đến nay, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chờ giải thể là nhiều nhất, với hơn 8.100 doanh nghiệp chờ giải thể - cao hơn tổng số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng chờ giải thể.
Đồng thời, số doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm đáng kể. Trong 9 tháng năm 2020, số doanh nghiệp mới thành lập ở các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Lý giải về việc hàng nghìn doanh nghiệp bán lẻ ngừng hoạt động, khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến đà phát triển sôi nổi của thị trường này.
Kết quả điều tra của Vietnam Report cho biết, có đến 44,4% doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn vì thiếu hụt vốn kinh doanh khi doanh số sụt giảm nhưng vẫn phải chi trả các khoản như lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, lãi vay, thuê mặt bằng...
Khảo sát cũng chỉ ra, 41,7% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải, chỉ có 8,3% doanh nghiệp bị tác động không đáng kể.
Theo báo cáo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng phần lớn nhờ vào thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng. Do vậy, nhìn chung doanh thu mua sắm trực tiếp vẫn giảm.
Điển hình, theo báo cáo tài chính của Masan, doanh thu quý II/2020 của chuỗi siêu thị VinMart đã giảm 15%. Hay thậm chí thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Co.opmart cũng giảm đến 50% doanh thu trong thời điểm dịch và hiện tiếp tục giảm.
Tuy vậy, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn luôn được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao nhờ kinh tế phát triển ổn định, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, cùng xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường nữa đó là hiệp định thương mại tự do, điển hình như EVFTA vừa qua. EVFTA có hiệu lực từ 1/8 được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ EU thuận lợi hơn.