MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng nhu cầu vốn cho phát triển hệ thống đường sắt xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng

Sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhu cầu vốn phát triển giao thông của Việt Nam rất lớn và đa dạng trên cả 5 lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là thách thức đối với Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam, nhưng là cơ hội của doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ GTVT sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với đối tác là doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác đầu tư, xây dựng , chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ.

Tổng nhu cầu vốn cho phát triển hệ thống đường sắt xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh dẫn câu ngạn ngữ Trung Quốc "muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường". Ông cho biết, những năm qua, Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông thông suốt, an toàn, bền vững, hiệu quả cao với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển hàng đầu thế giới.

Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng, ông Trương Quốc Thanh hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp hai nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển giao thông, kết nối giao thông giữa hai nước; cho rằng, cùng với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước, cần huy động các doanh nghiệp tư nhân hai bên vào nhiệm vụ quan trọng này.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chuyến công tác lần này, ông và các lãnh đạo Trung Quốc đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng thúc đẩy tăng cường hợp tác, trong đó có lĩnh vực quan trọng là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển và kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa tạo điều kiện thuận lợi để hai nước giao thương hàng hóa, giao lưu đi lại của người dân, vừa là cơ sở kết nối hai nước với khu vực và thế giới.

Thủ tướng đánh giá, những năm qua, với tư duy và tầm nhìn vượt trội, Trung Quốc đã tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, hoàn chỉnh có quy mô lớn, với công nghệ tiên tiến, chiều dài đứng đầu thế giới.

Theo Thủ tướng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, tiềm năng hợp tác giao thông rất lớn trong cả 5 phương thức vận tải (đường sắt, hàng không, đường biển, đường bộ, đường sông).

Hai nước có những tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này. Trung Quốc có công nghệ, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, nhiều doanh nghiệp lớn; Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển trong khi nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực còn hạn chế.

Tổng nhu cầu vốn cho phát triển hệ thống đường sắt xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh. Ảnh Nhật Bắc

Thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp hai bên

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện mong muốn và quyết tâm hợp tác cao của các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.

Với mục tiêu kết nối thông suốt các loại hình giao thông gắn với chuyển đổi số, phát triển xanh theo xu thế thế giới, Thủ tướng cho rằng, cần cùng nhau hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm. Trong đó, phải có các chính sách khuyến khích về thuế, phí, lệ phí…

Đồng thời, huy động các nguồn lực đa dạng, gồm nguồn lực Nhà nước, nguồn lực nhân dân, doanh nghiệp, vốn vay… Thủ tướng cho biết, cùng với ưu tiên từ ngân sách Nhà nước, đầu tư nhà nước, Việt Nam chú trọng thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp hai bên cho các dự án kết nối hạ tầng giao thông 2 nước, thúc đẩy hình thức đối tác công tư PPP.

Tổng nhu cầu vốn cho phát triển hệ thống đường sắt xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng- Ảnh 3.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh Nhật Bắc

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, quản trị thông minh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông chiến lược.

Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (cả nhà nước và tư nhân) của Trung Quốc tham gia đầu tư, đấu thầu, xây dựng các công trình, dự án lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực đột phá như giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.


Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, nhu cầu vốn cho phát triển giao thông của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn. Về đường bộ, mạng lưới đường bộ cao tốc của Việt Nam được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài 9.014km với tổng vốn đầu tư khoảng 600.000 tỷ đồng, tương đương 471 tỷ nhân dân tệ. Nhu cầu huy động vốn từ doanh nghiệp tối thiểu đạt 360.000 tỷ đồng.

Về đường sắt, mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ, bao gồm nâng cấp cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600 km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.545km, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ dài trên 175km…


Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên