MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Biden công du châu Âu: Giải bài toán Trung Quốc, phép thử từ đồng minh và tính toán với nước Nga

12-06-2021 - 19:53 PM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Biden công du châu Âu: Giải bài toán Trung Quốc, phép thử từ đồng minh và tính toán với nước Nga

Cuộc gặp này có lẽ rất quan trọng bởi sẽ dàn xếp quan hệ ở tầm thế giới Mỹ - Trung - Nga và giữa châu Âu - Mỹ - Nga.

Tổng thống Biden có chuyến công du châu Âu 8 ngày, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden với tư cách Tổng thống Mỹ.

Đây là chuyến đi khá dài ngày, với một loạt các hoạt động quan trọng ở châu Âu bắt đầu từ 10/6, lịch trình dày đặc gồm các cuộc gặp với Thủ tướng Anh, Nữ hoàng Anh, các cuộc họp với nhóm G7, NATO, EU, EC và cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Putin.

Chuyến công du đầu tiên diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ sau thời kỳ của Trump đứng trước một loạt thách thức, cả trong nước và trên thế giới. Đây cũng là chuyến đi trong bối cảnh sau 5 tháng Biden cầm quyền và triển khai một loạt chính sách về mặt đối nội và đối ngoại.

Vì vậy, có lẽ đây là một chuyến thăm quan trọng nhất, trực tiếp đầu tiên đến một khu vực đồng minh truyền thống và quan trọng nhất của nước Mỹ để triển khai thông điệp Nước Mỹ trở lại, nước Mỹ lãnh đạo và Mỹ phối hợp với các đồng minh để xử lý các thách thức, mối đe dọa của thế giới, trong đó có biến đổi khí hậu, xây dựng và bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, ứng phó với Trung Quốc mà Mỹ gọi là thách thức lớn nhất thế kỷ 21…, các vấn đề thương mại, công nghệ và câu chuyện với nước Nga.

Đây là thời điểm cả nước Mỹ và châu Âu trải qua thời kỳ khó khăn, có cả khách quan và nội bộ như dịch bệnh, suy thoái kinh tế, Brexit và nội bộ phân hóa ở nước Mỹ... Mỹ cũng muốn củng cố lại quan hệ với đồng minh sau 4 năm rạn nứt dưới thời Trump.

Tổng thống Biden công du châu Âu: Giải bài toán Trung Quốc, phép thử từ đồng minh và tính toán với nước Nga - Ảnh 1.

Chuyến thăm đầu tiên sau 5 tháng định hình chính sách không chỉ của Biden mà sau thời kỳ Trump, không chỉ có giá trị với châu Âu, mà còn có giá trị với nước Mỹ, trong việc định hình chính sách đối ngoại cũng như khả năng hợp với đồng minh như thế nào.

Trước khi bắt đầu chuyến công du, ông Biden có bài bình luận đăng trên Wall Street Journal tuyên bố tái cam kết và làm sống lại các quan hệ đồng minh, chuyến đi này là để khẳng định thông điệp đó.

Bên cạnh đó, một nước Mỹ và châu Âu sau năm 2020 chìm đắm trong khủng hoảng dịch bệnh, tình trạng lockdown liên miên, số ca tử vong đạt "đỉnh", cuộc gặp trực tiếp là nhằm chứng tỏ với thế giới rằng họ đã quản trị tốt hơn dịch bệnh bằng vaccine, cơ sở để mở sớm hơn các hoạt động kinh tế, du lịch và để thấy tự tin bước ra khỏi đại dịch, tạo lập mối quan hệ, chính sách sau đại dịch.

Tổng thống Biden công du châu Âu: Giải bài toán Trung Quốc, phép thử từ đồng minh và tính toán với nước Nga - Ảnh 2.

Sau nhiệm kỳ của Trump, châu Âu vẫn còn nghi ngại về việc liệu nước Mỹ có thay đổi chiến lược một lần nữa hay không. Vì vậy, chuyến đi này phải tạo được lòng tin cho châu Âu, hai bên phải gắn kết được các lòng tin về thể chế dân chủ mà còn các thể chế ở châu ÂU vốn là xương sống như G7, NATO, EU.

Câu chuyện này không chỉ là thông điệp mang tính chính trị mà còn gắn kết được lợi ích với nhau, vì vậy, Mỹ và EU sẽ phải giải quyết cả vấn đề thương mại như rạn nứt về thuế trước đây, va chạm thương mại số hay của những gã khổng lồ như Airbus và Boeing. Để có lòng tin lâu dài, Mỹ phải hóa giải các yếu tố đó.

Nước Mỹ, kể từ khi ông Biden lên nắm quyền không chỉ tiếp tục quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của Trump mà còn coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.

Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, từng nói, thời kỳ can dự với Trung Quốc đã qua, và cạnh tranh là hướng nổi trội của thời kỳ tới. Mỹ coi Trung Quốc không chỉ là thách thức về mặt lợi ích mà còn là thách thức về địa chính trị của cả nước Mỹ và phương Tây, cả về hệ giá trị, kinh tế và an ninh.

Trong suốt quá trình 5 tháng cầm quyền vừa qua, để ứng phó với Trung Quốc, Biden đi theo 2 hướng. Một là, vừa tìm cách nâng cao năng lực của Mỹ, thông qua các gói phục hồi kinh tế, tìm cách thông qua Đạo luật cạnh tranh lớn hơn với Trung Quốc, rà soát lại quốc phòng, chuỗi công nghệ…

Nhưng chân kiềng thứ 2, cũng là thử thách của lần này là, liệu Mỹ có tập hợp được đồng minh, đặc biệt là đồng minh truyền thống và các nền kinh tế lớn trong việc ứng phó với Trung Quốc hay không.

Nếu nhìn lại nghị sự dự kiến, gồm các cuộc họp với G7 – nhóm 7 nền kinh tế dân chủ lớn nhất, với NATO - khối an ninh của các nước phương Tây với Mỹ, cuộc gặp với EU, EC hay với Anh, các đối tác đều là các nền dân chủ trên thế giới, thì có thể thấy điểm chung nổi lên là câu chuyện duy trì trật tự dựa trên giá trị dân chủ kinh tế thị trường, là điểm rất chung giữa Mỹ với châu Âu.

Thông điệp của Biden lần này rất lớn: Nước Mỹ kỳ vọng về 1 liên minh mới dựa trên hệ giá trị dân chủ, kinh tế thị trường, luật lệ, bao gồm chính trị, an ninh, dân chủ nhân quyền đang đứng trước các thách thức rất lớn từ Nga, Iran, nhưng đặc biệt nhất là thách thức từ Trung Quốc.

Có 2 câu chuyện mà Biden muốn thuyết phục châu Âu: trật tự dựa trên các giá trị dân chủ, đồng thời kinh tế thị trường phải tiếp tục là nền tảng của thế giới hiện nay và Mỹ muốn kéo các nước châu Âu vào trong đó.

Tổng thống Biden công du châu Âu: Giải bài toán Trung Quốc, phép thử từ đồng minh và tính toán với nước Nga - Ảnh 3.

Thứ hai, câu chuyện thương mại, dựa trên chuẩn mực quốc tế và công nghệ chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh đồng thời duy trì luật lệ, không để Trung Quốc là người đặt ra luật lệ.

Nếu nhìn lại hệ giá trị, châu Âu và Mỹ vốn là đồng minh truyền thống, với thông điệp tái cam kết, chắc chắn châu Âu hoan nghênh và sẽ đi với Mỹ trong câu chuyện này và châu Âu cũng dần nhận ra thách thức cả từ Trung Quốc và từ Nga.

Và thời gian qua, việc Trung Quốc có các hành vi hung hăng hơn đã tạo ra phản ứng ngược của châu Âu. Có thể nói, dù có lợi ích kinh tế với Trung Quốc nhưng những giá trị dân chủ như liên quan đến vấn đề Tân Cương, Hồng Kông thái độ ứng xử của châu Âu với Trung Quốc đều vẫn rất cứng rắn. Minh chứng rõ nhất là Hiệp định đầu tư giữa châu Âu và Trung Quốc bị đình lại, và đà quan hệ kém đi.

Đây chính là cơ hội cho Biden tập hợp các nền dân chủ.

Về nguyên tắc, kinh tế thị trường và chuỗi cung ứng chất lượng cao, bảo đảm công nghệ chắc chắn Châu Âu có lợi ích song trùng vơi Mỹ và chia sẻ phần nào với Mỹ.

Nhưng quan điểm coi Trung Quốc là đối thủ số 1 và chuyển từ can dự sang cạnh tranh là chính, thì có khác biệt với châu Âu. Nếu Mỹ coi Trung Quốc là thách thức số 1 và dường như chiến lược đối ngoại của Mỹ vẫn coi việc ứng phó với thách thức Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu thì châu Âu linh hoạt hơn trong chuyện này, vừa quan ngại nhưng cũng vừa cần tranh thủ Trung Quốc. Vậy châu Âu có đi với Mỹ hoàn toàn hay không vẫn là dấu hỏi.

Tổng thống Biden công du châu Âu: Giải bài toán Trung Quốc, phép thử từ đồng minh và tính toán với nước Nga - Ảnh 4.

Ngoài ra trong chuyến công du lần này, Tổng thống Biden cũng có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin. Trước đó mới chỉ là cuộc điện đàm. Đây là cuộc gặp đầu tiên sau một loạt thăng trầm phức tạp, từ Ukraine, đến nhà đối lập Alexei Navalny hay cáo cuộc Nga can thiệp vào tấn công mạng…

Cuộc gặp này có lẽ rất quan trọng bởi sẽ dàn xếp quan hệ ở tầm thế giới Mỹ - Trung - Nga và giữa châu Âu - Mỹ - Nga.

Tổng thống Biden tuyên bố sẽ nói một cách rất thẳng thắn và rõ ràng về cả những vấn đề có thể hợp tác và quan ngại, không muốn gây ra xung đột với Nga mà muốn có quan hệ ổn định và nếu có lĩnh vực nào có thể hợp tác được thì sẵn sàng hợp tác, trong đó có kiểm soát vũ khí. Gần đây 2 nước đồng ý gia hạn Hiệp ước START. Thông điệp này cũng tương tự như với Trung Quốc dù rằng nước Mỹ vẫn coi thách thức với Trung Quốc cao hơn.

Tổng thống Biden công du châu Âu: Giải bài toán Trung Quốc, phép thử từ đồng minh và tính toán với nước Nga - Ảnh 5.

Trong thời gian vừa qua, quan hệ giữa Mỹ với Nga, cũng như giữa châu Âu với Nga, đang xuống rất thấp nhưng có cuộc gặp này dù muốn dù không sẽ tốt hơn rất nhiều. Quan hệ giữa Nga - Mỹ sẽ được khai thông dù không nhiều nhưng ổn định quan hệ để không cho quan hệ xấu đi và có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác. Vì vậy, bước đi này của Biden tạo ra cân bằng hơn.

Đặc biệt, cuộc gặp với Tổng thống Nga xếp sau cuộc họp với G7, NATO và lãnh đạo EU. Thứ tự các cuộc họp tương tự với cuộc gặp cấp cao với Trung Quốc. Trước khi có cuộc gặp ở Alaska, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã sang Hàn Quốc, Nhật Bản rồi mới về Alaska gặp quan chức Trung Quốc, thì lần này Mỹ gặp G7, NATO, EU rồi mới gặp Nga, tức là thể hiện nước Mỹ muốn phối hợp trước câu chuyện này ứng phó với Nga không để tạo cớ tách biệt, giúp cho cam kết đồng minh Mỹ - châu Âu sẽ cao hơn, phối hợp ứng phó với thách thức Nga, Trung Quốc sẽ cao lên.

Tuy nhiên, với Nga, Biden đối diện với khả năng có thể làm sống lại liên minh nhưng sẽ khó buộc châu Âu đi với Mỹ trên tất cả các vấn đề. Khả năng đi vào các vấn đề cụ thể và khi có cạnh tranh gay gắt sẽ phân hóa thành những nhóm nhỏ: nhóm trung dung, nhóm ủng hộ va nhóm muốn lảng tránh. Đây sẽ là bài toán với Biden.

Nhìn trong quan hệ với Nga là mối quan hệ đan xen nhiều chiều: Nga va chạm rất lớn về dân chủ, an ninh với châu Âu nhưng có một số nước muốn can dự câu chuyện về kinh tế như Đức.

Một chiều nữa là Nga cũng có đan xen lợi ích với Trung Quốc. Vậy Biden xử lý bài toàn không chỉ bình ổn với Nga mà xử lý vừa mâu thuẫn, vừa tính toán làm sao tách một phần Nga ra khỏi Trung Quốc.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.

Theo Đại sứ Phạm Quang Minh

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên