MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Donald Trump liệu có thay đổi được “vận mệnh” kinh tế Mỹ?

26-12-2017 - 10:24 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Donald Trump không phải người kiến tạo ra sự thành công của kinh tế Mỹ hiện tại nhưng ông sẽ nắm vai trò quyết định trong triển vọng phát triển của nó.

Trong mỗi dòng trạng thái trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người ta thường hoài nghi nhiều hơn tin tưởng. Thế nhưng có một điều ông nói đúng: Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt. Niềm tin doanh nghiệp ở mức cao, việc làm thừa mứa. Trong tháng trước, các công ty ngoài lĩnh vực nông nghiệp tuyển dụng 228 nghìn việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ hiện ở mức 4,1%, mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Việc làm ngày một nhiều đã giúp thu hút thêm nhiều người trở lại thị trường lao động. Mức lương người lao động có cải thiện, đặc biệt nhóm lao động có mức lương thấp.

Tổng thống Donald Trump tất nhiên rất vui. Ông tuyên bố rằng các báo cáo việc làm tích cực và những mức đỉnh mới trên thị trường chứng khoán Mỹ là thành quả của ông. Thế nhưng đúng hơn có lẽ nên gọi ông là người thừa kế may mắn.

Từ khi ông lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, thị trường tăng điểm được 25%, tuy nhiên thực ra từ năm 2009 đến nay đã tăng được đến 195%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức đỉnh gần 10% xuống 4,7% trong thời kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và sau đó xuống mức 4,1% dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chính quyền của ông tuyên bố rằng hàng loạt các biện pháp nới lỏng điều tiết và giảm thuế doanh nghiệp sẽ giúp kinh tế Mỹ đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng 3%, cao hơn con số 2% trung bình trong những năm gần đây. Khi mà nền kinh tế gần đạt được trạng thái việc làm tuyệt đối, để kinh tế tăng trưởng được cao hơn, sẽ cần đến sự cải thiện mạnh về năng suất lao động.

Tuy nhiên những người phản đối Trump có lẽ cũng đang nói quá lời. Họ đã không chịu thừa nhận rằng từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp đều cải thiện.

Họ cảnh báo rằng thị trường chứng khoán đang tăng điểm quá mức và rằng khoảng thời gian tăng trưởng ổn định của kinh tế Mỹ sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên ngay cả như vậy, kinh tế Mỹ cũng sẽ không sớm gặp khó khăn dù kể cả Tổng thống Trump có không phải người tạo nên rất nhiều thành công của kinh tế Mỹ hiện nay. Thời gian tới, nền kinh tế sẽ đón nhận thêm nhiều bất ngờ tích cực.

Thực ra ở hiện tại, Mỹ không phải nền kinh tế duy nhất đang tăng trưởng tốt. Khoảng hơn một năm qua kinh tế toàn cầu đồng loạt tăng trưởng mạnh, từ châu Âu đến châu Á hay châu Mỹ.

Tăng trưởng GDP tại khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện ở mức khoảng 2,5% dù tăng trưởng dân số châu Âu thấp hơn Mỹ. Và sang năm 2018, kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Tất nhiên không phải kinh tế Mỹ không đối diện với bất kỳ rủi ro nào. Khi mà chu trình kinh doanh biến động, không loại bỏ khả năng nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, Ngân hàng Trung ương sẽ buộc phải thắt chặt chính sách mạnh tay để giảm thiểu khả năng này.

Kinh tế tăng trưởng kéo dài, rủi ro mất cân bằng tài chính cũng sẽ tăng cao hơn, ví như bong bóng tài sản hình thành hoặc nợ người dân tăng cao. Chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn tăng lên, hiện tượng này thường xảy ra trước khi suy thoái kinh tế bắt đầu.

Trong bối cảnh bình thường, không dễ để nhận ra những dấu hiệu kinh tế tăng trưởng quá nóng. Trong năm nay, lạm phát đã diễn biến theo xu thế giảm đi. Tăng trưởng mức lương chỉ nhích lên một chút, thế nhưng không có nhiều dấu hiệu cho thấy nó sẽ tăng nhanh.

Chính phủ Mỹ mới thông qua kế hoạch giảm thuế, tuy nhiên xét đến tình trạng hiện tại của nền kinh tế, chính sách giảm thuế cũng không thể phát huy được nhiều bởi kế hoạch giảm thuế đó chủ yếu làm lợi cho doanh nghiệp và những người giàu.

Năng suất lao động tại Mỹ đang tăng với tốc độ quá chậm. Việc doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sẽ giúp giải quyết cho việc này. Trong trường hợp của nước Mỹ hiện nay, các công ty chịu nhiều áp lực trong việc tổ chức lại các hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng lên.

Nước Mỹ sẽ không có lại được tốc độ tăng trưởng của năm 2005 như Tổng thống Trump kỳ vọng nhưng có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ có được tốc độ tăng trưởng gần đạt mức trước thời kỳ khủng hoảng.

Tất cả các chu kỳ tăng trưởng rồi cũng sẽ kết thúc. Ngay cả nếu kinh tế Mỹ không suy thoái thì chu trình suy thoái của kinh tế toàn cầu cũng sẽ kéo kinh tế Mỹ vào khó khăn. Nếu điều đó xảy ra, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải hối hận khi mà họ đã mất đi quá nhiều tiền cho các chương trình giảm thuế không cần thiết.

Khi đó chính phủ Mỹ sẽ gặp khó khi muốn đưa ra gói kích thích tài khóa nhằm ngăn chặn đợt suy thoái kinh tế tiếp theo. Thế nhưng trước khi điều đó xảy ra, có thể lạc quan rằng triển vọng kinh tế trong ngắn hạn sẽ vẫn lạc quan. Kinh tế Mỹ rồi sẽ có một năm 2018 tốt đẹp.

Theo Trung Mến

BizLIVE

Trở lên trên