Tổng thống Trump: Thành vì kinh tế, bại cũng vì kinh tế
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos năm 2020, Tổng thống Trump tự tin giành chiến thắng cho nhiệm kỳ 2 khi kinh tế Mỹ rực rỡ chưa từng có, còn ông Biden lúc đó chỉ là ứng viên ít người quan tâm. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.
- 20-01-2021Ông Trump ra thông điệp chúc mừng chính quyền kế nhiệm nhưng tuyệt không nhắc tên ông Biden
- 19-01-2021Hé lộ sự ủng hộ cho Trump và hậu quả đáng sợ với đảng Cộng hòa nếu luận tội Tổng thống
- 19-01-2021Tổng thống Donald Trump đang làm gì trong những ngày tại vị cuối cùng?
"Không có thời gian để chần chờ" là những gì mà Tổng thống đắc cử Joe Biden muốn nhắn nhủ đến mọi người khi tuyên bố kế hoạch cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD ngay trước khi lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 20/1/2021.
Lo lắng của ông Biden là có cơ sở khi số người xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước đã tăng thêm 181.000 để đạt 965.000 người, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại và những gì Tổng thống đắc cử Biden đối mặt hiện nay chẳng khác mấy khi ông cùng Cựu tổng thống Barack Obama bước vào Nhà Trắng năm 2009 để giải quyết cuộc khủng hoảng 2008.
Tuy nhiên, thực tế là Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có thành tựu khá lớn về kinh tế trước khi dịch Covid-19 tàn phá mọi thứ. Thậm chí chính Tổng thống Trump cũng đã kỳ vọng những thành tựu kinh tế là động lực chính giúp ông giành chiến thắng cho nhiệm kỳ 2.
Trong Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos vào năm 2020, Tổng thống Trump đã tự hào nói rằng: "Nước Mỹ đang phát triển thịnh vượng và chính xác là nước Mỹ lại đang chiến thắng một lần nữa như chưa bao giờ được như vậy".
Sự tự tin của Tổng thống Trump là có cơ sở khi trong lịch sử các đời ông chủ Nhà Trắng, một nhiệm kỳ thành công với kinh tế thường đem đến chiến thắng cho cuộc bầu cử sau đó. Vào thời điểm Tổng thống Trump tự tin tại Davos, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức thấp nhất kể từ cuối thập niên 1960 và dường như không có đối thủ chính trị nào có thể so găng được với nhà lãnh đạo này. Thậm chí ngay bản thân ông Biden tại thời điểm đó cũng chưa thu hút được nhiều nguồn tiền ủng hộ tranh cử.
Thế nhưng sự tập trung về kinh tế khiến Tổng thống Trump phản ứng với việc cách ly hay những biện pháp ảnh hưởng đến kinh doanh khi đại dịch Covid-19 diễn ra, dẫn đến những động thái chống dịch chậm chạp trái ngược hẳn với Trung Quốc. Hậu quả là chỉ không lâu sau Hội nghị ở Davos, nền kinh tế Mỹ bước vào một cuộc khủng hoảng toàn diện khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong tháng 3/2020.
Hàng quán và kinh doanh bị đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao chưa từng có kể từ Đại khủng hoảng 1930 và mọi thành quả trên thị trường chứng khoán lẫn kinh tế trước đó của Tổng thống Trump đều đổ vỡ.
Thành vì kinh tế
Có thể nói thành quả kinh tế dưới thời Tổng thống Trump có thể chia làm 2 bộ phận: trước và sau đại dịch. Nền kinh tế Mỹ có thể nói là tăng trưởng rực rỡ dưới thời Tổng thống Trump. Thậm chí khi ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 thì nền kinh tế số 1 thế giới cũng đã dần hồi phục phần nào sau đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch.
Quay trở lại 3 năm đầu tiên tại nhiệm của Tổng thống Trump, tăng trưởng bình quân của Mỹ đạt 2,5%/năm, một con số vững chắc nếu không muốn nói là hiếm có trong vài năm gần đây của nền kinh tế số 1 thế giới.
Thế nhưng theo một số chuyên gia, kinh tế Mỹ trên thực tế đã trên đà tăng trưởng từ thời Cựu tổng thống Obama từ giữa năm 2009 với mức tăng bình quân 2,25%/năm. Nếu trừ đi các khoản chi quốc phòng kích thích kinh tế của Tổng thống Trump, mức tăng trưởng dưới thời 2 nhà lãnh đạo là khá tương đương cho đến năm 2019.
Bức tranh về thị trường lao động cũng vậy. Dưới thời Cựu tổng thống Obama, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm một nửa và Bộ tài chính cũng như Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đều tin rằng con số này chẳng thể xuống thêm nữa nếu không tăng lạm phát. Thế nhưng Tổng thống Trump không tin điều đó nên đã có một loạt chính sách khiến tỷ lệ thất nghiệp xuống tiếp, ở mức 3,5% vào cuối năm 2019. Rõ ràng Tổng thống Trump đã đúng.
Số việc làm mới dưới thời Tổng thống Trump tạo ra mỗi năm ít hơn dưới thời ông Obama nhưng tỷ lệ thất nghiệp thấp khiến các doanh nghiệp phải trả lương cao hơn cho nhân viên vì khan hiếm lao động. Những người trước đây khó kiếm được việc làm thì giờ đây cũng có nguồn thu nhập ổn định, nhất là những lao động có kỹ năng thấp hay khuyết tật.
Điều đáng mừng là tỷ lệ thất nghiệp của người da đen, vốn là cộng đồng hay bị bỏ lại trong nên kinh tế Mỹ đã giảm xuống dưới 6% lần đầu tiên kể từ đầu thập niên 1970.
Thu nhập bình quân hộ gia đình thực tế, một chỉ số đánh giá tiêu chuẩn sống của người dân Mỹ đã tăng thêm 6.000 USD trong 3 năm đầu Tổng thống Trump đương nhiệm. Xin được nhắc là trong 10 năm trước đó, chỉ số này chỉ tăng hơn 250 USD.
Tỷ lệ thất nghiệp dưới thời Tổng thống Trump và người tiền nhiệm Obama
Bại vì kinh tế
Thế rồi đại dịch ập đến và mọi thứ đảo lộn. Tổng GDP của Mỹ giảm tới 31,4% trong quý II và được dự báo suy giảm 4,5% cho cả năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7% trước khi giảm xuống còn 6,7%. Hiện số lao động thất nghiệp tại Mỹ nhiều hơn 5 triệu người so với thời điểm Tổng thống Trump nhậm chức.
Đến lúc này, những lời chỉ trích bắt đầu nhiều lên và ngày càng nhiều chính trị gia thách thức vị thế của Tổng thống Trump so với thời ở WEF tại Davos.
Thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ là do chính sách cắt giảm thuế mạnh tay, nhưng điều này lại khiến thâm hụt ngân sách đi lên. Đà tăng của kinh tế dựa chủ yếu vào chi tiêu công thay vì thị trường tiêu dùng và doanh nghiệp. Nợ công của Mỹ cũng tăng mạnh lên mức 27.000 tỷ USD dưới thời Tổng thống Trump.
Về thị trường chứng khoán, dù đã phá vỡ nhiều mốc kỷ lục nhưng các chuyên gia cho rằng mức lãi suất thấp của FED khiến kênh chứng khoán có lời hơn. Thậm chí lợi nhuận của thị trường này chủ yếu cũng dành cho giới người giàu hơn là tầng lớp bình dân. Bằng chứng là những tỷ phú công nghệ liên tục giàu lên trên bảng xếp hạng khi giá cổ phiếu của họ tăng mạnh mùa dịch.
Chính sách nhập cư của Tổng thống Trump gia tăng cơ hội việc làm cho lao động trong nước nhưng cũng làm giảm số người tiêu dùng ở Mỹ cũng như hạn chế nguồn thu từ thuế. Về chiến tranh thương mại, thâm hụt với Trung Quốc giảm đi nhưng nhập khẩu từ các thị trường khác lại đi lên.
Rõ ràng đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu nếu cuộc tranh cử lùi lại 1 năm khi kinh tế đã hồi phục có khiến mọi chuyện khác đi.
Việc kết quả tranh cử chênh lệch quá sát khiến mọi chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Tổng thống Trump đã đảm bảo được gần 47% số phiếu bầu và sẽ có được nhiệm kỳ 2 nếu các bang trung lập ủng hộ ông.
Thế nhưng Mỹ đã không chống được đại dịch Covid-19 hiệu quả khiến nền kinh tế chịu tổn thương còn cuộc bầu cử thì chẳng hoãn lại.
Nguồn: The Guardian
Doanh nghiệp & Tiếp thị