Top 3 toàn cầu và ‘cuộc chiến’ của cao su Việt Nam
Nếu không chuyển đổi sang phát triển cao su bền vững thì Việt Nam sẽ khó mà ở lại Top 3 thị phần thế giới - vị trí vốn đã có sự cách biệt lớn với 2 nhà sản xuất hàng đầu là Thái Lan, Indonesia và đang bị “bám đuổi” quyết liệt bởi Malaysia.
- 17-06-2018Ba Lan thu hồi hàng triệu quả trứng gà chứa dư lượng kháng sinh
- 17-06-2018VinGroup nên nhắm smartphone VSmart vào phân khúc giá nào?
- 17-06-2018Hàng loạt nhà máy điều Việt Nam đóng cửa
Top 3 các nhà sản xuất cao su thiên nhiên
Với hàng trăm công ty cao su và rất nhiều cải tiến kỹ thuật của các nhà nghiên cứu trong nước được ứng dụng rộng rãi, Việt Nam gần như đang dẫn đầu toàn cầu về năng suất mủ cao su những năm gần đây khi đạt bình quân 1,6 – 1,7 tấn/ha. Năng suất cao đồng thời cũng là lợi thế sống còn giúp ngành cao su Việt Nam có thể “bình tĩnh” vượt qua đợt khủng hoảng giảm giá dài đằng đẵng suốt gần 6 năm nay.
Sau khi vươn lên vị trí thứ 3 toàn cầu về sản lượng cao su thiên nhiên từ năm 2013, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế này với sản lượng gần 1,1 triệu tấn trên diện tích gần 1 triệu ha. Cao su thiên nhiên Việt Nam cũng đồng thời được xuất khẩu tới hơn 80 thị trường, chiếm gần 12% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu (chỉ sau Thái Lan - gần 40% và Indonesia - khoảng 25-26%).
Nhiều DN ngành cao su đã cố gắng vươn lên, không chỉ về chất lượng, uy tín thương mại mà còn cả về các đảm bảo liên quan tới môi trường và công tác xã hội.
Tuy vậy, những năm gần đây, ngành cao su Việt Nam liên tục đối mặt với các chỉ trích khắc nhiệt của nhiều tổ chức quốc tế quanh các dự án rừng cao su do DN Việt Nam đầu tư tại Lào hay Campuchia. Tất nhiên, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã nhanh chóng có tài liệu hướng dẫn để DN giảm thiểu rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài với các dự án này.
Tuy vậy, dường như đây mới chỉ là giải pháp “chữa cháy”. Bởi thực tế cho thấy các nhà sản xuất cao su toàn cầu đã chính thức bước vào cuộc “chạy đua” phát triển sản phẩm theo hướng bền vững. Tại Hội nghị thượng đỉnh ngành cao su toàn cầu hôm 07/5 vừa qua, ba người mua (công ty tiêu thụ) cao su lớn nhất thế giới là Bridgestones, Goodyear và Michelin đã cùng nhau tuyên bố sẽ hướng tới sản xuất sản phẩm bền vững 100% trong nay mai.
Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cung cấp thêm thông tin cho thấy 11 nhà sản xuất vỏ xe lớn nhất thế giới tiêu thụ đến 85% lượng cao su thiên nhiên toàn cầu đã cùng thống nhất chủ trương sẽ đi theo hướng phát triển bền vững. “Người mua hiện tại và tiềm năng nay bắt đầu hỏi tới chứng chỉ phát triển rừng bền vững FSC. Khi trả lời chưa có, chúng tôi đã bị mất một số khách hàng”, bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn Phát triển Ngành cao su nói thêm.
Sẽ sớm có hướng dẫn trồng cao su bền vững “hợp túi tiền”
Thực ra tại Việt Nam, xu hướng phát triển bền vững đã được chính thức hóa bằng hệ thống pháp lý từ cách đây nhiều năm.
Năm 2012, Chính phủ đã có Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định 432/QĐ-TTg). Tiếp sau đó là nhiều quyết định, thông tư khác cụ thể hơn như Quyết định 889/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hay Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT về hướng dẫn Phương án quản lý rừng bền vững, trong đó có cả rừng trồng. Sắp tới thông tư này sẽ còn cập nhật các yêu cầu quy định phát triển rừng bền vững để Việt Nam có thể lấy được các chứng chỉ phát triển rừng bền vững của nhiều tổ chức thế giới uy tín.
Tháng 4 năm 2017, Thủ tướng cũng đã ra quyết định 419/QĐ-TTg về Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng. Trong đó cao su là 1 trong 4 nông sản được đưa vào thí điểm mô hình phát triển bền vững. Luật Lâm nghiệp sẽ có hiệu từ đầu năm 2019 cũng là căn cứ quan trọng để phát triển và quản lý bền vững cây cao su.
Pháp lý đã có nhưng câu hỏi là làm sao để chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng trồng cao su cả triệu hecta hiện nay sang mô hình phát triển cao su bền vững khi mà “đại kế hoạch” này cần rất nhiều vốn đầu tư, đòi hỏi kỹ thuật và lại diễn ra trong bối cảnh cao su tiểu điền (diện tích nhỏ, phân tán, do nông dân tự trồng) vẫn đang là thực tế phổ biến, thậm chí chiếm tỷ trọng khá lớn ở các vùng nguyên liệu quan trọng như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh?
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện tổ chức này đã hợp tác với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) để làm Sổ tay hướng dẫn quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế.
VRA cũng đang cố gắng tìm nguồn kinh phí hỗ trợ nhằm tập hợp các chuyên gia tham vấn, soạn thảo và công bố rộng rãi cho toàn ngành bộ 3 quy trình phát triển cao su bền vững gồm: Chính sách quản lý, Môi trường & Xã hội và Biện pháp kỹ thuật để ngành cao su có được hướng dẫn cụ thể, đỡ tốn kém và khả thi nhất.
“Chúng ta đang được nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ phát triển cao su bền vững. Vấn đề là các DN có kịp nhận thức để thay đổi không. Không ai bắt DN phải làm ngay, sản phẩm cao su thiên nhiên bền vững cũng chưa chiếm tỷ lệ lớn trên thế giới nhưng đây là xu hướng phát triển tất yếu”, bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn Phát triển ngành cao su (VRA) tái khẳng định.