Top ngành đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 8 tăng đều liên quan đến khoáng sản
SSI Research cho biết, trong tháng 8/2021, ngành sản xuất chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của 3 ngành liên quan đến hoạt động khai thác, sản xuất khoáng sản đã chứng kiến mức tăng trưởng cao hơn hẳn các ngành khác.
- 09-09-2021Nhìn lại tỷ lệ sở hữu xe 4 bánh ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia: Liệu GDP bình quân đầu người Việt Nam còn quá thấp để mỗi gia đình có 1 chiếc ô tô?
- 08-09-2021Khác biệt lương CFO tại doanh nghiệp Việt Nam ra sao?
- 08-09-2021Người lao động không may bị nhiễm Covid-19 ở công ty có được hưởng chế độ tai nạn lao động?
Báo cáo công bố gần đây của SSI Research cho biết, trong tháng 8/2021, ngành sản xuất chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 7,4%, trong đó ngành chế biến chế tạo giảm 9,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Nguyên nhân do sự đứt gãy chuỗi sản xuất chủ yếu được ghi nhận ở các tỉnh thành phía Nam với IIP giảm tới -23,4%. Các phương án duy trì sản xuất như "3 tại chỗ" hoặc "Một cung đường, hai điểm đến" chỉ mang tính tạm thời và thể hiện nhiều bất cập. Điều này đã khiến công suất sản xuất của nhà máy, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố phía Nam ở mức thấp, chỉ vào khoảng 10%-50%.
Trong đó, các ngành có mức suy giảm mạnh trong tháng 8 đều có sản lượng tập trung chủ yếu ở phía Nam như đồ gỗ nội thất, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2020, sản xuất thực phẩm (-15,2%), giày dép (-28,3%)
Thế nhưng, không phải chỉ số sản xuất nào cũng có xu hướng giảm như một số ngành nghề đã nêu ở trên. Cụ thể, chỉ số IIP tháng 8/2021 của 3 ngành liên quan đến hoạt động khai thác, sản xuất khoáng sản đã chứng kiến mức tăng trưởng cao hơn hẳn các ngành khác.
Chỉ số IIP của một số ngành tháng 8/2021. Nguồn: SSI Research
Cụ thể, theo dữ liệu của SSI Research, trong tháng 8/2021, chỉ số IIP của hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020, được ghi nhận mức tăng cao nhất trong tất cả các ngành.
Theo sau là ngành khai thác than cứng và than non, với mức tăng đạt 19% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là các ngành như sản xuất kim loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế với mức tăng lần lượt đạt 12,1% và 9,9%.
Nhìn chung, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Các chuyên gia phân tích của Mirae Asset nhận định, hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trong tháng 9/2021 do việc thực hiện giãn cách nghiêm ngặt đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất công nghiệp tại các địa phương tiêu điểm của dịch bệnh.
Tuy nhiên, với kế hoạch TP HCM kiểm soát dịch Covid-19 trước 15/9 và những địa phương khác vào đầu tháng 9 của Chính phủ Việt Nam, cùng với việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp kì vọng sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng trong quý 4/2021.