MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tốt nghiệp đại học danh giá, thử làm bồi bàn trong một nhà hàng lẩu, và suýt bị sa thải: Không thể ‘tự cháy’ ở nơi làm việc, sớm muộn cũng lụi tàn

11-05-2023 - 13:09 PM | Sống

Thái độ hơn trình độ - điều này chưa bao giờ sai!


Đối mặt với những quy tắc và thử thách ở nơi làm việc, chúng ta luôn phàn nàn rất nhiều, cảm thấy mọi thứ đều không vừa ý, nhưng cũng không muốn tạo ra thay đổi. Không quen với công việc là một chuyện, nhưng phần nhiều thực ra nằm ở thái độ không tích cực.

Cách đây không lâu, video Lý Tuyết Cầm, một người nổi tiếng trên mạng, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, đến một nhà hàng lẩu để trải nghiệm làm phục vụ trong một ngày đã thu hút được rất nhiều lượt xem và bàn luận sôi nổi của cư dân mạng.

Nói về lý do tham gia thử thách này, Lý Tuyết Cầm nói rằng vì gần đây có rất nhiều người nói mình không thích đi làm, vì vậy mà một người chưa từng đi làm như cô muốn trải nghiệm cảm giác đi làm là như thế nào.

Cô tới một nhà hàng lẩu tại Bắc Kinh để trải nghiệm làm nhân viên phục vụ trong một ngày.

Tốt nghiệp đại học danh giá, thử làm bồi bàn trong một nhà hàng lẩu, và suýt bị sa thải: Không thể ‘tự cháy’ ở nơi làm việc, sớm muộn cũng lụi tàn  - Ảnh 2.

Lý Tuyết Cầm, một người nổi tiếng trên mạng, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, đến một nhà hàng lẩu để trải nghiệm làm phục vụ trong một ngày

"Bê nồi lẩu, đưa khăn ướt, tạp dề cho khách hàng… mấy công việc này khá thú vị." Đó là những suy nghĩ ban đầu của cô về công việc phục vụ.

Nhưng khi thực sự bắt tay vào làm, mọi việc lại không như cô nghĩ.

Lúc cần chào đón khách, cô bỗng trở nên sợ giao tiếp, cả người cứng nhắc, không biết nên nói chuyện với khách hàng ra sao.

Lúc cô chạy tới tiếp một vị khách là fan của mình, cô bị quản lý mắng vì tự ý rời khỏi vị trí công việc đang làm, cô tủi thân khóc nức nở.

Thậm chí còn suýt bị trừ lương vì mắc lỗi trong lúc làm việc…

Một ngày làm việc và cả những cảm xúc lên xuống của Lý Tuyết Cầm trong video phản ánh sinh động một phần cuộc sống của những người trẻ đương đại. Đối mặt với những quy tắc và thử thách ở nơi làm việc, chúng ta luôn phàn nàn rất nhiều, cảm thấy mọi thứ đều không vừa ý, nhưng cũng không muốn tạo ra thay đổi.

Không quen với công việc là một chuyện, nhưng phần nhiều thực ra nằm ở thái độ không tích cực.

Ngược lại hoàn toàn với Lý Tuyết Cầm là người chỉ việc của cô tại nhà hàng, Tần Triều Hà, cô gái sinh năm 96, là nhân viên được khen thưởng nhiều nhất tại cửa hàng.

Cô còn được mọi người đặt cho biệt danh là "thiên sứ nụ cười".

Trong suốt một ngày làm việc, Tần Triều Hà luôn giữ trạng thái vui vẻ, lịch sự, tỉ mỉ và chu đáo với khách hàng.

Đối với một nhân viên phục vụ, việc mỉm cười với khách hàng là yêu cầu cơ bản nhất, nhưng ở Tần Triều Hà, ai cũng có thể cảm nhận được rằng nụ cười đó xuất phát từ trái tim, vô cùng chân thành và dễ lan tỏa.

Tốt nghiệp đại học Bắc Kinh, sở hữu 4 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, nhưng Lý Tuyết Cầm lại nói mình không vui vẻ bằng một nhân viên phục vụ tốt nghiệp một trường đại học bình thường, và có mức lương chỉ 15 triệu đồng.

Trên thực tế, điều kiện của Lý Tuyết Cầm hơn hẳn Tần Triều Hà về mọi mặt, nhưng ở nơi làm việc, Tần Triều Hà lại thể hiện tốt hơn, vui vẻ, lạc quan hơn, vì sao vậy?

Tốt nghiệp đại học danh giá, thử làm bồi bàn trong một nhà hàng lẩu, và suýt bị sa thải: Không thể ‘tự cháy’ ở nơi làm việc, sớm muộn cũng lụi tàn  - Ảnh 3.

Tin tưởng vào giá trị công việc, là bước đầu tiên để yêu mến công việc của mình

Trong video, Tần Triều Hà có nói một câu như này:

"Nhiều khi, khi làm việc cho người khác, đừng yêu cầu sự hồi đáp, bởi vì có tôi, nên họ cảm thấy vui vẻ, vậy là tôi đã hài lòng rồi."

Có lẽ đây chính là lý do vì sao cô ấy yêu thích công việc của mình.

Cô không chỉ coi công việc là một công cụ để mưu sinh, mà còn tự hào vì mình có thể mang lại dịch vụ và trải nghiệm chuyên nghiệp và chất lượng cao cho những người khác.

Tin tưởng và công nhận giá trị công việc của bản thân là bước đầu tiên để yêu mến công việc mình đang làm, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng giúp duy trì nhiệt huyết trong công việc.

Trong xã hội hiện đại, rất nhiều người trẻ không muốn làm việc, đó là bởi vì họ đang hoàn toàn không "làm việc", mà chỉ đơn giản là đang "đi làm".

Trần Đan Thanh, một họa sỹ nổi tiếng của Trung Quốc, từng nói rằng "đi làm" và "làm việc" là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Khác nhau như nào?

Đơn giản mà nói thì "đi làm" là dùng thời gian để đổi lấy tiền bạc, bản chất của nó là kiếm tiền mưu sinh, phần lớn chúng ta đi làm chỉ là vì muốn giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền.

Mọi niềm vui của cuộc sống đều tới từ những hoạt động sau khi tan làm: xem phim, đi bar, tụ tập…

Với tư duy "vì sinh tồn, không thể không đi làm", chúng ta dần cảm thấy mệt mỏi và chán ghét công việc, và đây là tâm lý vô cùng bình thường.

Nhưng những người đang "làm việc" thì lại hoàn toàn khác.

Họ có thể tìm thấy niềm vui từ công việc mình đang làm, bởi lẽ họ tin tưởng vào giá trị công việc của bản thân, đồng thời cảm nhận được cảm giác thành tựu cũng như mãn nguyện thông qua công việc của mình.

Trần Đan Thanh nói rằng mình vốn không phải người thích đi làm, nhưng anh hoàn toàn có thể làm việc từ sáng tới tối, thậm chí là tới cả khi đi ngủ.

Từ nhỏ đã thích vẽ, muốn trở thành một họa sĩ, sau cùng, anh đã hiện thực hóa được ước mơ của mình, đây là điều mà nhiều người ngưỡng mộ ở anh. 

Cũng có thể có nhiều người sẽ nói rằng: "Vì anh ấy được làm việc mình thích nên anh ấy mới nhiệt huyết như vậy."

Nhưng có rất nhiều người không hề biết rằng, khi còn trẻ, Trần Đan Thành từng có một khoảng thời gian một năm liền ở trong nhà máy sản xuất hộp tro cốt trong làng để vẽ các hộp tro cốt, vẽ hơn một ngàn chiếc.

Anh ấy liệu có thích vẽ hộp tro cốt không? Tất nhiều là không, nhưng anh ấy có thể tìm thấy niềm vui trong công việc mình đang làm, và bỏ ra 100% nhiệt tình cho nó.

"Không muốn đi làm", dường như đang trở thành câu nói cửa miệng chứa đầy những sự bất lực bên trong đó.

Nhưng thực ra, bất kể là khi nào, chúng ta cũng đều có cho mình những lựa chọn: chúng ta có thể biến việc "đi làm" thụ động thành "làm việc" chủ động, tin tưởng vào giá trị công việc của bản thân, nhiệt huyết với công việc của bản thân.

Tốt nghiệp đại học danh giá, thử làm bồi bàn trong một nhà hàng lẩu, và suýt bị sa thải: Không thể ‘tự cháy’ ở nơi làm việc, sớm muộn cũng lụi tàn  - Ảnh 4.

Người làm việc trong vui vẻ, đều là những người "tự cháy"

Nhiều bạn trẻ luôn có một suy nghĩ trong đầu đó là nên thay đổi công việc liên tục, cứ thử đi rồi cuối cùng sẽ tìm được công việc mình yêu thích, hay cố gắng yêu thích công việc mình đang làm.

Đáp án chính là vế sau, bởi lẽ không phải lúc nào bạn cũng có thể gặp được cái mà mình "thích", nhưng mong muốn làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn có thể giúp chúng ta nghiêm túc nỗ lực và nhiệt tình với công việc của mình.

Và sự nhiệt tình này cho phép chúng ta tích cực tìm kiếm và hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của công việc, thay vì phàn nàn một cách mù quáng.

Đây là một vòng tuần hoàn rất tích cực và là "bí mật" của những người có thể làm việc một cách vui vẻ.

Cũng giống như đánh giá của một CEO về Tần Triều Hà:

"Có thể không phải nhân viên nào cũng có tham vọng thay đổi thế giới như người sáng lập, nhưng chính ước mơ muốn cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn rất bình thường, chân thực và đơn thuần đó của họ khiến họ vô cùng trân trọng, nâng niu và yêu mến công việc của mình, và đồng thời cũng khiến công ty ngày càng phát triển hơn."

Tác giả của một cuốn sách có tên "Những khả năng cuộc sống của bạn là gì" có viết:

"Sự giàu có, thành tựu và hào quang của một người có thể mang trong đó yếu tố may mắn, nhưng hạnh phúc, tình yêu và sự chăm chỉ mà người đó thể hiện không phải là điều có thể 'gặp được', mà là 'được vun đắp' mà ra."

Với những người như Tần Triều Hạ, những người có thể tìm thấy niềm vui trong công việc, doanh nhân nổi tiếng người Nhật Bản, Kazuo Inamori gọi họ là những người "tự cháy":

Vì có một mong muốn đơn giản là làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn nên họ đầu tư vào công việc bằng tình yêu và tâm huyết của mình, trong quá trình đầu tư đó, họ dần tìm ra ý nghĩa của công việc, "rèn luyện" tình yêu với công việc và cuối cùng là cảm nhận cảm giác thành tựu và sự hài lòng.

Bản thân Kazuo Inamori cũng là một người như vậy.

Tốt nghiệp đại học danh giá, thử làm bồi bàn trong một nhà hàng lẩu, và suýt bị sa thải: Không thể ‘tự cháy’ ở nơi làm việc, sớm muộn cũng lụi tàn  - Ảnh 5.

'Thần kinh doanh' Nhật Bản Kazuo Inamori

Ở tuổi 27, ông thành lập Công ty TNHH Gốm sứ Kyoto (nay là Kyocera), từng xếp thứ 77 trong danh sách 100 nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu của Forbes. Nhưng có lẽ bạn không biết rằng Kazuo Inamori vốn không thích học về gốm sứ.

Nhưng ông đã làm việc với tình yêu, dần dần khám phá ra cảm giác thành tựu từ công việc của mình, dần dần bắt đầu say mê nghiên cứu gốm sứ, và cuối cùng đạt được thành công như hiện tại.

Đối với những bạn trẻ cho rằng đi làm là lãng phí thời gian, tuổi trẻ và ghét đi làm, Kazuo Inamori chỉ có một lời khuyên duy nhất: hãy làm việc bằng tình yêu và nhiệt huyết.

Hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể trở thành những người "tự cháy" tại nơi làm việc thay vì là những người "dễ bắt lửa" hoặc thậm chí là "không bắt lửa".

Theo Như Nguyễn

Thể thao & văn hóa

Trở lên trên