Toyota, Honda, Ford,... chịu tác động ra sao trước đại dịch COVID-19?
Các vấn đề về chuỗi cung ứng đang được giải quyết nhanh chóng, tuy nhiên vấn đề nghiêm trọng là nhu cầu mua xe giảm và chưa rõ sẽ kéo dài trong bao lâu.
- 23-03-2020Loạt xe sang ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt, nhiều phiên bản giá rẻ
- 22-03-2020Trước nguy cơ 'sập tiệm' vì COVID-19, các đại lý đua nhau bán ô tô online, đưa xe đến tận nhà cho khách chạy thử
- 20-03-2020Loạt mẫu ô tô giảm giá "khủng" trong tháng 3/2020, cao nhất lên tới 400 triệu đồng
HSC cho biết sự bùng phát của dịch Covid-19 đã gây ra 2 tác động đối với ngành ô tô Việt Nam. Thứ nhất dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Vấn đề thứ hai tỏ ra quan trọng hơn. Đó là việc nhu cầu của người tiêu dùng giảm. "Nghiêm trọng là nhu cầu mua xe giảm và chưa rõ sẽ kéo dài trong bao lâu", HSC nhận xét.
Trong cả 2 trường hợp, HSC tin rằng tác động đối với ngành sẽ chỉ trong ngắn hạn.
Đối với các vấn đề về chuỗi cung ứng, HSC cho biết vấn đề này đang được giải quyết nhanh chóng. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy Trung Quốc đã mở cửa trở lại với công suất hoạt động đang cải thiện từng ngày. Do vậy, những trở ngại trong quy trình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn.
Vấn đề nghiêm trọng là nhu cầu mua xe giảm và chưa rõ sẽ kéo dài trong bao lâu. Tại thị trường Việt Nam, HSC cho biết đã chứng kiến doanh số bán xe ô tô suy giảm trong 2 tháng do đại dịch.
Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết doanh số bán ô tô trong 2 tháng đầu năm giảm 26,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 31.907 xe.
Trong đó doanh số xe du lịch giảm 29,9% xuống 24.457 xe. Nguyên nhân chủ yếu là trì hoãn mua xe trong giai đoạn dịch bệnh. Xe thương mại giảm 12,2% xuống còn 7.075 xe, chủ yếu do xe bus giảm 46,6%; xe tải giảm 7%. Trong khi đó, xe chuyên dụng tăng trưởng 24,3% so với cùng kỳ, đạt 377 xe.
Xét theo nơi sản xuất, doanh số bán xe lắp ráp giảm 19,6% so với cùng kỳ, còn 21.296 xe; trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm mạnh 40% xuống 12.107 xe.
Theo số liệu của các hãng thì Toyota bán được 8.605 xe, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giảm ít hơn các đối thủ nên thị phần tăng từ 22,9% lên 27%.
Doanh số bán xe của Honda giảm mạnh 44,4% xuống 3.322 xe và thị phần theo đó giảm xuống còn 10,4% từ mức 13,8% cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự như Honda, Ford cũng ghi nhận doanh số giảm 49,5% so với cùng kỳ xuống 2.527 xe trong 2 tháng đầu năm.
Thực trạng này khiến doanh số bán hàng của nhiều thương hiệu chuyên kinh doanh ô tô du lịch sụt giảm trong tháng 2/2020. Ngoại trừ Toyota và các thương hiệu vừa kinh doanh xe thương mại, xe du lịch như Suzuki, Trường Hải (THACO) - với thương hiệu THACO Truck… vẫn duy trì đà tăng trưởng, các thương hiệu còn lại thuộc VAMA đều sụt giảm doanh số.
Trước sự sụt giảm doanh số, các nhà sản xuất xe đã triển khai một số chiến dịch quảng cáo, nhưng điều này, theo HSC, nhiều khả năng sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận giảm và theo đó tác động tiêu cực đến lợi nhuận trong năm nay.
"Giảm giá bán sẽ khuyến khích nhu cầu mua xe và một khi bệnh được giải quyết, nhu cầu sẽ nhanh chóng tăng trở lại; nhưng vấn đề lo ngại là chưa thể biết đại dịch sẽ kéo dài trong bao lâu. Vì vậy để tập trung duy trì doanh số bán xe, việc tỷ suất lợi nhuận bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi trong năm nay", chuyên gia của HSC nhìn nhận.
Dù vậy, HSC vẫn có quan điểm tích cực trong dài hạn. Tầng lớp trung lưu gia tăng, thu nhập bình quân đầu người cao hơn, tỷ lệ sở hữu ô tô hiện còn thấp và cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ là những động lực chủ chốt giúp ngành ô tô tăng trưởng trong tương lai. Trong năm 2020, HSC dự báo doanh số bán xe ô tô toàn thị trường sẽ đạt 336.680 xe, tăng 10%.
Diễn đàn doanh nghiệp