Sức mạnh của Trung Quốc: Nhập máy đào hầm hơn 100 triệu USD quá đắt, tự sản xuất 'mẫu copy' giá rẻ hơn 12 lần, dần thay thế Đức trong ngành thiết bị công nghiệp
“Trung Quốc không phải là nước đang phát triển, không hề tý nào. Đây là một quốc gia sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới mất rồi”, Chủ tịch Karl Haeusgen của hãng HAWE Hydraulik than thở.
- 20-12-2022Lý do Toyota không 'all in' vào xe điện: Chưa có gì chắc chắn, nhìn thấy Tesla chớm thành công rồi học theo là sai lầm
- 14-09-2022Tại sao Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, từ chối chuyển hoàn toàn sang xe điện?
- 06-08-2022Nhìn vào Toyota để thấy sản xuất 1 chiếc ô tô đang khó khăn như thế nào
Vào tháng 7/2022, Trung Quốc khởi động dự án đường hầm Yinjiangbuhan, đưa nước từ đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới về Bắc Kinh với tổng chiều dài 1.400km và kinh phí tới 8,9 tỷ USD.
Điều đặc biệt là thiết bị đào hầm hoàn toàn được sản xuất tại Trung Quốc với những chiếc máy TBM (Tunnel Boring Machine) có giá trung bình khoảng 8 triệu USD.
Xin được nhắc là cách đây 12 năm, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu máy TBM từ nước ngoài mà chủ yếu là Đức với giá lên đến 101 triệu USD/chiếc. Vậy nhưng tình hình đã đổi khác khi Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất TBM hàng đầu thế giới với chất lượng không kém nước Đức mà giá thành rẻ hơn gấp 12 lần.
Thế nhưng, câu chuyện không đơn thuần chỉ là máy TBM mà còn là cả một ngành thiết bị công nghiệp, khi Trung Quốc và Đức từ những bạn hàng thân thiết dần trở thành đối thủ trên thị trường.
Từ bạn hóa thù
Theo tờ Nikkei Asian Review, mối quan hệ đối tác thương mại giữa Trung Quốc và Đức đã kéo dài nồng ấm suốt 20 năm. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cung cấp nhân công giá rẻ và nguyên liệu dồi dào, còn các công ty Đức thì có công nghệ. Người Trung Quốc có việc làm còn nhà đầu tư Đức thì có lợi nhuận.
Vậy nhưng khi sức mạnh công nghệ của Trung Quốc dần trỗi dậy và làm xói mòn thị phần của người Đức, mối quan hệ này dần trở nên thay đổi. Nếu cách đây 10 năm, ngành sản xuất kính năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã từng quét sạch các doanh nghiệp Đức thì hiện nay, tờ Nikkei đánh giá tình hình tương tự sẽ diễn ra ở tất cả các mảng máy móc công nghiệp và công nghệ.
Đồng quan điểm, tờ Wall Street Journal (WSJ) đánh giá nhờ thị trường nhập khẩu máy móc của Trung Quốc mà nền kinh tế Đức đã có sự hồi sinh nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Thế nhưng chính các nhà lãnh đạo Berlin cũng nhận ra rằng nền kinh tế số 2 thế giới đang trỗi dậy quá nhanh chóng và không cần họ nữa.
Tháng 5/2022, chính quyền Bắc Kinh đã khiến giới chuyên gia bất ngờ khi từ chối gia hạn khoản bảo hiểm đầu tư của Volkswagen-Đức tại nhà máy lắp ráp của họ ở Xinjiang, cho thấy rõ việc Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn với các khoản đầu tư quốc tế chứ không cần phải đi mời nguồn vốn, công nghệ từ nước ngoài như trước đây nữa.
Năm 2020, khi cả thế giới chìm trong đại dịch, nền kinh tế Đức suy giảm 3,7% GDP thì Trung Quốc lại tăng trưởng đến 2,2%. Trong năm 2022, Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 3% GDP còn Đức chỉ là 1,8%.
“Chúng tôi xuất khẩu 600 triệu Euro mỗi ngày sang Trung Quốc nhưng họ lại xuất khẩu đến 1,3 tỷ Euro ngược lại mỗi ngày sang Châu Âu. Nhìn vào các khoản đầu tư cũng thấy sự khác biệt khi các tập đoàn lớn của Châu Âu trong sản xuất xe hơi, hóa học và thiết bị công nghiệp đầu tư khổng lồ, rộng khắp ở Trung Quốc chỉ để sản xuất phục vụ cho chính thị trường này”, Chủ tịch Jorg Wuttke của Hội đồng thương mại Châu Âu tại Trung Quốc (EUCC) ngậm ngùi.
Tờ WSJ cho biết xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc suy giảm qua hàng năm nhưng hướng ngược lại thì lại tăng dần. Nguyên nhân chính là việc Trung Quốc học hỏi quá nhanh để sản xuất ra những thiết bị có chất lượng cao chẳng kém gì Đức mà giá thành lại rẻ hơn.
Câu chuyện ở đây không phải là các công ty Đức sẽ khó làm ăn hơn ở Trung Quốc mà là họ đang gặp phải một đối thủ xứng tầm trên thị trường thế giới, và không ai khác hiểu rõ hơn điều này ngoài Herrenknecht.
Cuộc lật đổ
Trong khoảng 2000-2015, Herrenknecht là ông trùm mảng sản xuất thiết bị khoan cỡ lớn chất lượng cao trên thế giới cũng như tại Châu Á. Doanh thu của hãng đã tăng 7 lần trong giai đoạn này lên 1,3 tỷ Euro, tương đương 1,5 tỷ USD và 1/5 trong số đó đến từ thị trường Trung Quốc với hàng nghìn lao động và nhà máy có việc làm.
Thế nhưng trong 4 năm đến năm 2020, doanh số của Herrenknecht lại giảm 5% khi Trung Quốc tự phát triển được thiết bị đào hầm TBM của mình mà không cần nhập khẩu nữa. Thậm chí, đối thủ lớn nhất của họ trên thị trường quốc tế là Robbins Co từ Mỹ cũng đã bị tập đoàn NHIG của Trung Quốc mua lại.
“Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghiệp từ Trung Quốc có mức giá rất cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà chất lượng chẳng kém Phương Tây chút nào. Điều này hoàn toàn khiến Châu Âu phải ngạc nhiên khi họ có thể tiến xa được đến vậy”, người phát ngôn Achim Kuehn của Herrenknecht thừa nhận.
Đối tượng khách hàng chính khi mua máy TBM của Herrenknecht là Tập đoàn quốc doanh đường sắt Trung Quốc (CTE). Thế nhưng vào năm 2008, CTE không chỉ đơn thuần nhập khẩu thiết bị từ Đức nữa mà bắt đầu sử dụng những chiếc máy TBM cho chính công ty con CREG của họ sản xuất.
Máy TBM của CREG
Ban đầu CREG đã mua thiết kế và số liệu sản xuất TBM từ các công ty Đức, sau đó thuê đội ngũ 200 kỹ sư của nước này về làm việc. Họ bắt đầu thử nghiệm xây dựng với những TBM cỡ nhỏ để rồi bắt đầu hoàn thiện kỹ thuật được với TBM siêu khổng lồ vào năm 2017.
Trong vòng 11 năm kể từ năm 2008, CREG đã sản xuất được 800 máy TBM, xuất khẩu đi hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt qua Herrenknecht để trở thành công ty sản xuất TBM hàng đầu thế giới.
Không phải nước đang phát triển
“Trung Quốc không phải là nước đang phát triển, không hề tý nào. Đây là một quốc gia sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới mất rồi”, Chủ tịch Karl Haeusgen của hãng HAWE Hydraulik than thở.
Trong 20 năm, Trung Quốc đã nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Đức để phục vụ ngành sản xuất của mình. Nhờ đó mà trong những năm đầu của thế kỷ này, nền kinh tế số 1 Châu Âu đã có kim ngạch xuất khẩu còn lớn hơn cả Trung Quốc hay Mỹ.
Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác khi các hãng Trung Quốc bán tua bin gió cho Pháp, sản xuất xe buýt cho Na Uy, xây dựng máy phát điện ở Ba Lan cũng như xuất khẩu vô số thiết bị công nghiệp hiện đại ra khắp thế giới. Tại thủ đô của Thụy Điển, doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu dự án đào 3 đường hầm cỡ lớn cho hệ thống tàu điện ngầm của Stockholm.
Chủ tịch Haeusgen nhận định trong những mảng công nghệ tiên tiến nhất như thiết bị xây dựng cơ sở hạ tầng thì Trung Quốc cũng đã tiến rất gần so với Đức. Ví dụ tiêu biểu là sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc ở mảng thiết bị van, máy bơm thủy lực, tua bin điện gió...
Số liệu của Hiệp hội kỹ sư thiết bị VDMA thì cho thấy thị phần thiết bị máy công nghiệp thế giới của Đức, ngành kinh tế mũi nhọn với 1,3 triệu lao động của nước này đã giảm từ 19,2% năm 2008 xuống còn 16,1% năm 2018, nhưng Trung Quốc lại tăng từ 8,5% lên 13,5% trong cùng kỳ.
Báo cáo của hãng luật Baker Mckenzie chỉ ra rằng với thế mạnh về vốn, nhân lực cũng như khao khát vươn lên của mình, Trung Quốc sẽ còn bành trướng mạnh hơn nữa trong tương lai và có khả năng vượt qua Đức.
Một công nhân Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường tàu cao tốc tại Tangshan vào tháng 7/2020
Ví dụ điển hình là tháng 12/2020, tập đoàn CRRC của Trung Quốc đã đánh bại Siemens của Đức cùng nhiều doanh nghiệp Phương Tây khác để trúng thầu dự án xây dựng 18 tàu điện ngầm cho Bồ Đào Nha tại thành phố Porto với tổng trị giá 50 triệu Euro. Đây là lần đầu tiên một công ty Trung Quốc trúng thầu dự án đường sắt tại Châu Âu, cho thấy khả năng đánh bại doanh nghiệp Đức của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Người phát ngôn của chủ dự án, ông Jorge Morgado cho biết CRRC đã chiến thắng nhờ chi phí giá thành, chất lượng công nghệ và thiết kế. Bình quân mức giá mà CRRC đưa ra thấp hơn 6,5 triệu Euro so với những nhà đấu thầu khác.
Trả lời WSJ, CEO Stefan Brandl của hãng EBM Papst Group, chuyên sản xuất xe máy điện và hệ thống quạt gió cho xe hơi và nhà ở, thừa nhận rằng mình đã nhận ra việc Trung Quốc vượt mặt Đức từ cách đây 3 năm khi chất lượng các sản phẩm của họ ngày càng tiến bộ.
Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp Đức, nhưng lợi thế đã không còn.
“Giờ đây bạn thậm chí còn chẳng phân biệt sự khác nhau giữa thiết bị đến từ Trung Quốc và được sản xuất tại Đức nữa”, giám đốc Tim Loeschner của NGC Europe than thở.
Cũng theo tổ chức này, doanh nghiệp Trung Quốc chiếm đến 1/5 sản phẩm triển lãm tại hội chợ Hannover, một trong những hội chợ thương mại công nghiệp lớn nhất thế giới, cao hơn rất nhiều so với mức 13,6% của năm 2015.
Số 1 thế giới
Giám đốc Sebastian Bauer của hãng Bauer Maschinen GmbH, chuyên sản xuất thiết bị công nghiệp, nhận định những doanh nghiệp tầm trung mang hơi hướng gia đình trị với nguồn tài chính vay nợ ngân hàng ở Đức khó lòng cạnh tranh nổi với những tập đoàn quốc doanh được đầu tư khổng lồ về tiền bạc lẫn nhân lực của Trung Quốc.
“Ngành thiết bị công nghiệp không giống như mảng hàng xa xỉ, có thể dùng lịch sử, di sản hay thương hiệu để cạnh tranh được. Khách hàng sẽ chỉ quan tâm đến chất lượng và giá thành mà thôi, bất kể xuất xứ từ đâu”, ông Bauer nói.
Theo giám đốc Brandl của EBM, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc trước khi đại dịch diễn ra vào năm 2019 ở mức thấp nhất kể từ năm 2015. Thậm chí khi đại dịch đã được khống chế, các doanh nghiệp Đức vẫn chưa thể lấy lại được thời kỳ đỉnh cao trước đây với thị trường Trung Quốc. Vị giám đốc này cho biết EBM nhiều khả năng sẽ mất 3-4% doanh số tại thị trường này trong năm nay.
Ngay cả những mảng công nghệ nóng hiện nay như xe điện cũng có dấu ấn của Trung Quốc. Hãng CATL của nước này đang là nhà sản xuất ắc quy điện lớn nhất thế giới, trong khu BYD là hãng sản xuất ô tô điện nhiều nhất toàn cầu.
Tại Đức, CATL đang xây dựng nhà máy sản xuất ắc quy lớn gấp 3 lần nhà máy to nhất của Tesla, với tham vọng cung ứng cho toàn thị trường ô tô điện Châu Âu.
Trớ trêu thay, hãng cung ứng ô tô lớn nhất thế giới của Đức là Bosch GmbH lại chẳng muốn tham gia làm mảng ắc quy điện dù ngành xe hơi truyền thống đang dần thất thế. Thay vào đó, Bosch tuyên bố sẽ cộng tác với CATL để làm ắc quy điện.
Các nhà phân tích nhận định ắc quy điện sẽ chiếm 40% chi phí xe điện, còn chính phủ Đức thì cho biết một nửa trong số 870.000 lao động ngành ô tô của nước này sẽ mất việc khi người dân chuyển sang loại phương tiện mới.
Năm 2019, hãng Bogestra của Đức đã trở thành công ty vận tải công cộng đầu tiên đặt hàng mua xe buýt điện từ Trung Quốc. Đơn hàng 20 xe buýt điện với hãng BYD này sẽ hoạt động cùng các xe buýt cũ của Mercedes Benz.
Phía Bogestra cho biết giá thành, chi phí vận hành và chất lượng là những lý do họ lựa chọn BYD của Trung Quốc. Rõ ràng, ngành công nghiệp Trung Quốc đang là một thế lực mới mà ngay cả những ông lớn như Đức, Mỹ cũng đã không thể không dè chừng.
“Chỉ còn là vấn đề thời gian khi các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc trở thành số 1 thế giới”, giám đốc Ulrich Ackerman của Hiệp hội kỹ sư thiết bị VDMA tại Đức thừa nhận.
*Nguồn: Nikkei Asian Review, WSJ, SCMP
Nhịp sống thị trường