TP HCM đẩy mạnh các dự án hạ tầng
Khẳng định phát triển hạ tầng giao thông là tối quan trọng trong thời gian tới, lãnh đạo UBND TP HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hàng loạt dự án.
- 17-06-2020“Sóng” đầu tư hạ tầng đổ về khu Đông TP.HCM, biệt thự và nhà phố sinh thái hút giới địa ốc nhờ tiềm năng tăng giá cao
- 16-06-2020Bùng nổ dòng vốn tỷ đô phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, du lịch và BĐS nghỉ dưỡng Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ “cất cánh”
- 15-06-2020Cú hích từ hạ tầng tiếp tục tạo sóng cho BĐS
Ngày 17-6, HĐND TP HCM đã giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP tại UBND TP. Thay mặt UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm khẳng định trong thời gian qua, TP đã tập trung đầu tư, hoàn thành các công trình trọng điểm ở các vị trí chiến lược như khu vực sân bay, khu vực cảng..., giúp TP kéo giảm sâu tai nạn và ùn tắc.
Mổ xẻ nguyên nhân
Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm nhìn nhận việc đầu tư các công trình giao thông trọng điểm đang gặp nhiều trở ngại như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khả năng huy động vốn, một số dự án theo hình thức đối tác công tư PPP chưa thể triển khai.
Tại buổi giám sát, đánh giá cao những nỗ lực của UBND TP cùng các sở - ngành trong thực hiện công trình giao thông trọng điểm song các đại biểu (ĐB) cũng "mổ xẻ" những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua bằng những dự án cụ thể. BĐ Nguyễn Tấn Tiến, Phó trưởng Ban Đô thị - HĐND TP, cho rằng có bất cập trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch như nút giao thông Mỹ Thủy ở quận 2, dự án Cầu Bưng…
Theo ĐB Nguyễn Tấn Tiến, nếu các dự án được triển khai sớm thì không lãng phí ngân sách. Phân tích số liệu từ báo cáo của UBND TP với việc vốn chỉ đáp ứng 35,7% nhu cầu, ĐB Phạm Quốc Bảo đề nghị chỉ rõ hơn nhu cầu vốn còn lại thì được huy động từ đâu, để hình dung được nguồn lực tài chính như thế nào trong giai đoạn tới. "Trường hợp nguồn vốn đầu tư cho giao thông không đạt thì TP cần đánh giá việc này ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng GRDP của TP, từ đó có giải pháp tương xứng, vì giao thông tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế" - ĐB Phạm Quốc Bảo phân tích.
TP HCM sẽ phối hợp với các bộ - ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây Ảnh: GIA MINH
Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải chỉ ra 10 nguyên nhân dẫn đến tiến độ nhiều dự án giao thông ì ạch, có dự án kéo dài đến 20 năm. Nguyên nhân đầu tiên theo ông Phạm Đức Hải là công tác chuẩn bị đầu tư dự án chưa kỹ, chưa chặt chẽ, chưa khoa học nên phải thay đổi, điều chỉnh dự án nhiều lần.
Các lý do tiếp theo được nêu ra là bất cập trong các đồ án quy hoạch 1/2.000 ở các địa phương; phân bổ nguồn lực chưa khoa học nên nhiều dự án chưa giải quyết dứt điểm; còn nhận thức khác nhau trong việc xác định giá bồi thường; đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị, nhất là ban bồi thường giải phóng mặt bằng mang tâm lý "đi làm thuê" mà không thấy trách nhiệm của mình, là chuyện của mình; phối hợp giữa các địa phương với sở ngành chưa chặt chẽ; chưa có sẵn quỹ nền tái định cư...
Từ đây, ông Phạm Đức Hải đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các công trình dở dang. Cùng với đó là phải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư thật kỹ; huy động mọi nguồn vốn; bảo đảm phân bổ nguồn lực chặt chẽ... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn.
Hàng loạt giải pháp
Tiếp thu ý kiến các ĐB, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định TP xem phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng giao thông, là một trong những vấn đề trọng điểm của TP. "Giao thông không phát triển thì TP không phát triển. Giao thông không chỉ tạo điều kiện cho kinh tế mà còn là "một bài toán" để phát triển và giải quyết những vấn đề xã hội. Giao thông đi đến đâu giải quyết đời sống người dân đến đó. Do đó, TP đã bố trí nguồn vốn rất lớn cho phát triển hạ tầng giao thông" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết trong thời gian tới, TP sẽ tập trung vào các nhóm đầu việc để "gỡ nghẽn" cho các dự án giao thông trọng điểm. Đó là cố gắng phê duyệt quy hoạch chung TP. Trước khi có quy hoạch chung phải có quy hoạch chuyên ngành như giao thông động, giao thông tĩnh… "Trước rời rạc từng loại hình nhưng giờ là phải kết nối thông qua hệ thống mạng để điều phối thì hiệu quả sẽ cao hơn" - ông Võ Văn Hoan cho hay. Song song đó là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 của Thành ủy TP về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Ông Võ Văn Hoan nói: "Đây là vấn đề bức xúc của người dân. Bức xúc nhất là giá, cách làm giá, phối hợp làm giá, những dự án giáp ranh xử lý như thế nào. Những vấn đề này rất phức tạp, làm tới làm lui. Để giải quyết, trước hết TP sẽ triển khai thực hiện thí điểm quy trình "2 trong 1" trong việc thẩm định giá".
Lãnh đạo UBND TP cũng khẳng định sẽ nghiên cứu phát hành trái phiếu, vận dụng ODA mới, nghiên cứu mô hình "phí qua cảng", chuẩn bị nguồn lực về quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT và chuẩn bị cho BT mới; tiếp tục thực hiện cơ chế liên ngành, bao gồm quy trình quản lý đầu tư công, quy định rõ thời hạn của các cơ quan; quy trình liên thông giữa các ngành.
Đặc biệt, TP sẽ phối hợp với các bộ - ngành trung ương trên các phương diện: kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của luật, nghị định, thông tư có liên quan; phối hợp chặt chẽ trong việc phối hợp, chỉ đạo giải quyết các công trình giao thông trọng điểm cấp nhà nước cũng như của TP liên thông với các địa phương khác như Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP HCM - Mộc Bài…
Kiến nghị cơ chế đặc thù cho vùng
Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm cho biết hiện đơn vị này đang xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí xác định mức độ ưu tiên đầu tư dự án giao thông. Qua đó, xác định thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án mang tính cấp bách... Ông Trần Quang Lâm cũng cho biết UBND TP đang kiến nghị Quốc hội có cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Người lao động