TP HCM dồn sức quảng bá du lịch
TP HCM cần sớm có chiến lược, xác định sản phẩm du lịch chủ lực để tập trung xúc tiến.
- 11-01-2018Phải trình đề án tái cơ cấu ngành du lịch trong quý 1/2018
- 05-08-2017Ngành du lịch “ngóng” chính sách dài hơi
- 02-08-2017Cho phép người Việt đánh bạc trong nước: Thay đổi lớn của ngành du lịch
Năm 2018, TP HCM đặt mục tiêu thu hút 7,5 triệu lượt khách quốc tế nhưng phấn đấu đạt 8 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa đạt 29 triệu lượt. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận mục tiêu này cao và khó nên TP phải triển khai nhiều giải pháp để hoạt động du lịch hấp dẫn hơn.
Xác định thế mạnh
Ông Phan Xuân Anh, đại diện Công ty Tân Hồng (chuyên phục vụ khách tàu biển), nhận định triển vọng của ngành du lịch năm nay là khả quan khi lượng khách tăng cao nhưng bài toán của TP lúc này là xác định sản phẩm chủ lực, dòng khách nào cần thu hút để khai thác. Bởi trong hơn 6,3 triệu lượt khách quốc tế đến TP năm 2017 nhiều nhất vẫn là khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Làm sao có sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ cho nhóm khách mới tăng đột biến này để có thêm nguồn thu, trong khi vẫn giữ chân được dòng khách truyền thống từ châu Âu?
TP HCM cần có sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách Ảnh: TẤN THẠNH
Một trong những điểm yếu của ngành du lịch TP hiện nay, theo các công ty du lịch, là chưa có chiến lược phát triển. Thời gian qua, Sở Du lịch TP đã xác định hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và có tiềm năng phát triển thành những sản phẩm thế mạnh như ẩm thực, mua sắm, hội họp (MICE), du ngoạn và trải nghiệm, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... Từ đó, hàng loạt sản phẩm du lịch được phát triển nhưng sản phẩm nào là chủ lực để dồn sức đầu tư, quảng bá lại chưa rõ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, nhìn nhận mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch trong năm nay cao, trong khi sản phẩm chủ lực vẫn chưa xác định. Nếu không xác định được sản phẩm chủ lực thì rất khó trong xúc tiến và lựa chọn thị trường khách trọng điểm. Chẳng hạn, tại sao không thu hút du khách đến TP để mua sắm, khi các thương hiệu, dịch vụ thương mại ở đây là tốt nhất so với cả nước.
"TP cần xác định chiến lược phát triển lâu dài, toàn diện cho ngành du lịch để ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN) triển khai các giải pháp, chương trình hành động, đầu tư phát triển theo đúng định hướng để nâng cao tính cạnh tranh của thương hiệu du lịch TP" - ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, gợi ý.
Chủ động thu hút khách
TP HCM đang xây dựng đề án Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP đến năm 2030. Sở Du lịch TP cũng đang phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn đơn vị tư vấn, tham mưu thành lập tổ tư vấn và phản biện cho chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP... Tuy nhiên, quá trình này xúc tiến chậm do ảnh hưởng bởi các thủ tục chọn đơn vị tư vấn nước ngoài, kinh phí triển khai. Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã có 4-5 đơn vị được chọn và dự kiến sau Tết nguyên đán 2018 sẽ chốt lại để sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch cho TP.
Theo báo cáo về chỉ số cạnh tranh du lịch quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, chỉ số cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam bị đánh giá rất thấp ở 2 tiêu chí: cơ sở hạ tầng phục vụ cho khách du lịch xếp hạng 113/136 quốc gia và môi trường ổn định 129/136 quốc gia (bảng tổng sắp chung Việt Nam xếp hạng 67/136). Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, đây cũng là một trong những điểm yếu của ngành du lịch TP. Do đó, cần sớm giải quyết vấn đề này để thúc đẩy du lịch TP phát triển.
Ngành du lịch TP cũng phải thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng, chuyển từ thụ động sang chủ động từ khâu quảng bá, xúc tiến đến triển khai cuối cùng. Thời gian qua, nhiều đường bay mới từ các nước đến TP được mở ra nhưng còn hạn chế, chưa khai thác trực tiếp những thị trường mục tiêu, trọng điểm. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng đối với những thị trường đã được ngành du lịch TP xác định mục tiêu, tiềm năng, cần thiết lập các cơ chế chính sách hỗ trợ để các công ty lữ hành có cơ hội đứng ra khai thác các đường bay quốc tế, thu hút khách đến. Muốn làm điều này cần sự phối hợp giữa địa phương, DN lữ hành, hãng hàng không và các đơn vị cung ứng dịch vụ.
Mở rộng hoạt động đến từng người dân
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận định sự hấp dẫn của du lịch TP đối với du khách trong thời gian qua là có tiến bộ. Để đạt mục tiêu đón khách quốc tế trong năm nay, TP sẽ phải tính toán, đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch như cải thiện giao thông công cộng nhằm tạo thuận lợi cho du khách. TP cũng sẽ tạo cơ chế để DN đầu tư thêm nhiều khách sạn cho du lịch MICE. Các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, sức khỏe, thể thao… cũng cần cơ sở vật chất phù hợp để phát triển.
Theo ông Tuyến, phải mở rộng hoạt động du lịch tới từng nhà, từng người dân chứ không chỉ DN. Mọi người đều có thể tham gia phát triển du lịch. Ví dụ, hành vi ứng xử của người dân cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch, đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra hình ảnh TP thân thiện, an toàn.
Người lao động