MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM giải hàng loạt vấn đề nóng

30-05-2017 - 09:06 AM | Bất động sản

Hàng loạt câu hỏi nóng về dân sinh đặt ra đã được chính quyền TP HCM trả lời thỏa đáng với những giải pháp cụ thể.

Ngày 29-5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 5-2017. Tại cuộc họp, vấn đề sốt đất ảo và những bức xúc về dân sinh đã được đề cập một cách thẳng thắn.

Xây phần mềm chống thổi giá đất

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa nhìn nhận cơn sốt đất ảo vừa qua là bài học sâu sắc cho TP. "Bài học này cho TP HCM một kinh nghiệm. Đó là tính công khai, minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất phải luôn được bảo đảm" - ông Khoa nhấn mạnh và khẳng định 2 vấn đề phải gấp rút thực hiện trong thời gian tới để tránh xảy ra tình trạng sốt đất ảo tương tự là công khai quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; kế hoạch sử dụng đất đến tận các quận - huyện, xã - phường. Đây là trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc và cả các quận - huyện.

Để hạn chế nguy cơ bị lừa, bị thổi giá khi giao dịch nhà đất, ông Khoa yêu cầu đến cuối năm, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải làm xong phần mềm để người dân sử dụng điện thoại thông minh tìm hiểu mọi thông tin về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất ở mọi lúc mọi nơi. Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho hay việc công khai thông tin quy hoạch hiện đã được thực hiện khá tốt ở quận Thủ Đức. Ông yêu cầu tiếp tục triển khai nhân rộng ra các nơi khác.

Đến cuối năm 2017, TP HCM sẽ có phần mềm để người dân sử dụng điện thoại thông minh tìm hiểu mọi thông tin về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất ở mọi lúc mọi nơi Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP đã kiến nghị UBND TP thông tin lại cho chính xác về việc chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Bình Chánh, Hóc Môn thành quận hoặc thành lập tổ chức hành chính TP trong TP ở các khu Đông, Nam và Tây bởi những thông tin này đã góp phần làm cho giá đất bị sốt ảo. Đơn vị này cũng kiến nghị TP yêu cầu những nhà đầu tư có ý định xây các siêu đô thị ở Củ Chi, Cần Giờ nhanh chóng trình dự án, làm cơ sở xét duyệt và sớm công bố kết quả để người dân hiểu rõ thông tin. Việc này sẽ tránh bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền.

Sẽ xem lại việc đấu thầu ở SAWACO

"Ống gang Trung Quốc vẫn bảo đảm an toàn" là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trước báo giới về việc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) sử dụng ống gang Trung Quốc dẫn nước cung cấp cho người dân TP. Cụ thể, ông Tám cho hay Công ty CP Cấp nước Sài Gòn đã có báo cáo cụ thể cho UBND TP về vấn đề này. "Việc sử dụng ống gang này tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, không ảnh hưởng đến chất lượng nước thì mới được phép sử dụng" - ông Tám khẳng định.

Liên quan đến vấn đề đấu thầu ống nước này, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh TP đã giao các sở Khoa học Công nghệ, Giao thông Vận tải và SAWACO kiểm tra lại quá trình tổ chức đấu thầu và so với thực tế xem có chênh lệch gì hay không. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ quyết định hướng xử lý. Ông Hoan thông tin hiện SAWACO đã có báo cáo và TP sẽ tiếp tục xem xét. "SAWACO báo cáo dưới góc độ chủ quan của SAWACO. TP còn phải xem xét lại, phải chờ kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành. Nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nhanh, nghiêm và có giải pháp khắc phục ngay, không để xảy ra hậu quả trong tương lai" - ông Hoan khẳng định.

Về việc sử dụng ống gang có xuất xứ từ Trung Quốc, ông Hoan khẳng định TP HCM đặt lên hàng đầu vấn đề về chất lượng sản phẩm. Chỉ khi đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng thì sản phẩm mới được lựa chọn.

"Không cấm ông Hải đòi vỉa hè"

Cũng tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường đã giải thích vì sao thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải không trực tiếp xuống đường chấn chỉnh và lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Bà Hường khẳng định không có chuyện quận 1 cấm ông Đoàn Ngọc Hải tiếp tục xuống đường để xử lý vi phạm vỉa hè, lòng lề đường. "Quận 1 là địa bàn trung tâm, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, không đủ lực lượng để xử lý, nhất là vào dịp 30-4 và 1-5 vừa rồi. Do đó, quận 1 đã có văn bản tạm ngừng các hoạt động xuống đường xử lý vi phạm trật tự vỉa hè để dồn lực lượng xử lý vấn đề an ninh trật tự" - bà Hường cho hay.

Bà Hường khẳng định: "Sau khi Báo Một Thế Giới có đăng tin, quận có làm việc với đồng chí Đoàn Ngọc Hải. Đồng chí Hải khẳng định nội dung đăng trên Một Thế Giới là không đúng như đồng chí trao đổi. Hiện nay, việc lập lại trật tự vẫn đang được giao lại cho lãnh đạo 10 phường trên địa bàn tiếp tục ra quân, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường". Thông tin thêm, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho hay ông được biết việc trao đổi với ông Hải của Báo Một Thế Giới được thực hiện qua điện thoại và "anh Hải cho biết không nói như thế mà báo tự đặt ra như thế".

Liên quan đến tình trạng nhiều vỉa hè đang bị tái chiếm, người phát ngôn của UBND TP thừa nhận nhìn bên ngoài thì việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường có vẻ đang chậm lại so với ngày đầu ra quân. "Nhưng đó không phải là các địa phương buông lỏng vỉa hè mà đang tập trung vào chiều sâu. Quan điểm của TP là kiên quyết không để vỉa hè bị tái chiếm" - ông Hoan nói. UBND TP đang nhanh chóng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để làm cơ sở vững chắc hơn cho công tác quản lý vỉa hè, lòng lề đường. Chẳng hạn như việc nên hay không nên thu phí sử dụng vỉa hè, nếu có thì mức thu là bao nhiêu… TP cũng sẽ nghiên cứu các ứng dụng công nghệ thông tin để giúp việc quản lý vỉa hè hiệu quả, bền vững hơn; đồng thời luôn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó đặc biệt là vai trò của chủ tịch các phường - xã để tạo sự chuyển biến nhanh, mạnh hơn.

Cần 40 tỉ USD để làm 7 chương trình đột phá

Thông tin về 7 chương trình đột phá mà TP HCM đang thực hiện tại buổi họp báo trưa 29-5, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho hay tổng vốn đầu tư cho các giải pháp công trình trong 7 chương trình đột phá của TP tính ra khoảng 40 tỉ USD. Với tổng vốn đầu tư lớn như vậy, TP xác định huy động vốn từ nhiều nguồn: ngân sách, khuyến khích tư nhân làm, thu hút vốn nước ngoài và nguồn vốn ODA được cân đối theo tiến độ từng dự án cần thiết cụ thể theo phân kỳ đầu tư được giao từng cơ quan thực hiện.

Theo Phan Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên