TP HCM huy động 20.000 tỉ đồng phát triển giao thông
Hiện nay, nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Do đó, TP HCM đang lên đề án huy động 20.000 tỉ đồng trong dân để phát triển giao thông.
- 26-07-2017Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hoài nghi tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
- 18-07-2017Hàn Quốc muốn rót tiền đầu tư hàng loạt dự án giao thông tại Tp.HCM
- 04-07-2017Bất ngờ loại hai dự án giao thông ra khỏi danh mục thanh tra 2017
Chiều 3-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp về tình hình giải ngân kế hoạch vốn 7 tháng đầu năm 2017.
TP HCM đang lập đề án huy động tiền trong dân để phát triển giao thông Ảnh: TẤN THẠNH
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP, từ đầu năm đến nay, tổng kế hoạch vốn ngân sách giao cho TP năm 2017 là 26.183 tỉ đồng. Đến hết tháng 7, tổng số vốn TP đã giải ngân là 13.214 tỉ đồng, đạt 50,5%. Hiện nay, nhu cầu vốn ODA cho các dự án trên địa bàn năm 2017 là khoảng 7.700 tỉ đồng nhưng trung ương cấp phát cho TP chỉ đạt 50%. "Với số vốn nêu trên, TP rất khó triển khai và đưa các dự án vào sử dụng đúng thời gian để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến các hợp đồng quốc tế đã ký kết, dễ phát sinh khiếu nại và các khoản tiền phạt, lãi do chậm thanh toán" - đại diện Sở KH-ĐT cho biết.
Tại cuộc họp, nhiều quận cũng báo cáo tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm dưới 50%. Trong đó, nhiều quận đang chậm giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vì chưa phê duyệt đơn giá.
Về việc giải ngân vốn chậm, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các đơn vị liên quan sớm rà soát, phối hợp thông qua đơn giá bồi thường cho người dân. Ông yêu cầu trong việc thẩm định giá bồi thường giải phóng mặt bằng có điểm nào chưa phù hợp thì phải điều chỉnh. Sở Nội vụ sớm có ý kiến về phân cấp, ủy quyền cho địa phương liên quan đến thẩm định giá để giảm áp lực cho TP. "Quận - huyện nào phân cấp rồi mà không dám làm thì xem lại cách làm của địa phương. Phân quyền thì đi kèm với trách nhiệm nhưng địa phương phải mạnh dạn" - ông Tuyến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu các địa phương có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công, phải giải ngân 100% vào cuối năm. Trách nhiệm thuộc về thủ trưởng sở - ngành, quận - huyện. "Vốn ngân sách là tiền thuế của dân, sử dụng không hiệu quả là thiếu trách nhiệm với dân. Nếu đơn vị nào không giải ngân hết vốn thì phải báo cáo giải trình do chính thủ trưởng đơn vị ký để xét trách nhiệm và xem năm 2018 có nên bố trí vốn nữa không. Đơn vị nào cấp phó ký thì không nhận, gửi trả về và phê bình" - ông Tuyến nhấn mạnh
Theo ông Tuyến, vốn xài không hết, TP cũng giải trình trước trung ương. Vốn ai cũng muốn ôm nhưng xài không hết rồi cuối năm trả lại thì không có hiệu quả và làm tăng nợ công. Hiện nay, nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Do đó, TP đang lên đề án huy động 20.000 tỉ đồng trong dân để phát triển giao thông.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 70 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Nghị quyết yêu cầu bộ - ngành chức năng rà soát, hoàn thiện pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư. Trong quý III/2017, Bộ KH-ĐT khẩn trương rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công… Chính phủ yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì khẩn trương phối hợp với các bộ - ngành và địa phương liên quan hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định để phân bổ vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chương trình mục tiêu biển Đông - Hải đảo bảo đảm cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên biển và hải đảo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-8. Riêng phần vốn góp nhà nước cho các dự án đường ven biển đầu tư theo hình thức PPP thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2017.
B.TRÂN
Người lao động