MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM kiến nghị được tự chủ tài chính

Đảng bộ TP HCM cho rằng, tỷ lệ phân bổ ngân sách thấp, không đủ cho tái sản xuất mở rộng và phát triển hạ tầng.

Tại kỳ họp thứ 11, Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X đang diễn ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày đề xuất cơ chế chính sách đặc thù để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, vì cả nước theo Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020.

Có 4 kiến nghị được đưa ra để các đại biểu góp ý. Trong đó, thành phố sẽ xem xét để kiến nghị Trung ương cho thành phố được tự chủ tài chính, tăng tỷ lệ ngân sách phân bổ cho thành phố.


Hiện nay TP HCM đang đóng góp 27% ngân sách cả nước.(Ảnh minh họa: KT)

Hiện nay TP HCM đang đóng góp 27% ngân sách cả nước.(Ảnh minh họa: KT)

Theo đó TP HCM hiện đứng trước những thách thức kinh tế - xã hội rất lớn nên cần cơ chế đặc thù. Thách thức lớn nhất là về tổng kinh phí được trung ương phân bổ lại để thành phố chi cho phát triển thấp, bất hợp lý. Từ năm 2003, thành phố cứ thu ngân sách 100 đồng thì được giữ lại 33 đồng, sau đó giảm xuống còn 29 đồng, 26 đồng, 23 đồng và giờ là 18 đồng.

Tỷ lệ để lại ít không đủ cho tái sản xuất mở rộng, phát triển đường, làm trường học, bệnh viện. Tốc độ xây dựng hạ tầng giao thông chậm, xây dựng công trình chống ngập chưa đáp ứng yêu cầu cũng chủ yếu do thiếu vốn, do được phân bổ ngân sách thấp.

Trong khi đó, thu ngân sách của thành phố ngày càng tăng và tỷ lệ đóng góp vào ngân sách cả nước cũng đang tăng dần. Hiện nay, thành phố đang đóng góp 27% trong ngân sách cả nước, dân số thành phố chiếm 9,1% dân số cả nước nhưng tỷ lệ được phân bổ lại tư các nguồn để chi chỉ ở mức 4,8%.

Chính vì vậy, thành phố kiến nghị được Trung ương cho phép tự chủ tài chính với điều kiện cụ thể là: Thành phố đóng góp ngân sách gấp 3 lần tỷ lệ dân số (27% tổng ngân sách cả nước) và được thụ hưởng ngân sách bằng 1 lần tỷ lệ dân số (tức là 9,1%); những dự án hạ tầng do trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố nếu chưa có tiền thì cho phép thành phố đi huy động và sau đó được trung ương cấp sau; thành phố được thu một số loại phí hợp với đô thị, theo Luật Ngân sách cho phép.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay Quốc hội đã quyết định cứ thu 100 đồng thuộc nguồn thu phân chia thì nộp về Trung ương 82 đồng, giữ lại 18 đồng, điều đó không thay đổi, thành phố làm đúng tỷ lệ đó.

“Nhưng nếu mức để lại như vậy mà chi bình quân không đạt 9% ngân sách như là dân số, thành phố đề nghị được bổ sung bằng phần đã chuyển về hết Trung ương như thu xuất nhập khẩu, phạt hành chính của hải quan thì trích lại. Điều đó nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cũng đã nêu”, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất./.

Theo Minh Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên