MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM làm gì để chống ngập, kẹt xe?

Ðường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) luôn trong tình trạng quá tải phương tiện vào các khung giờ cao điểm. Ảnh: THU HỒNG

Ðường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) luôn trong tình trạng quá tải phương tiện vào các khung giờ cao điểm. Ảnh: THU HỒNG

TP HCM phải tập trung xử lý những vấn đề cấp bách trong 5 đến 10 năm tới, bao gồm ùn tắc giao thông, ngập úng do thủy triều và mưa

Ðó là 2 trong hàng loạt yêu cầu của Chính phủ thể hiện trong Quyết định số 642/QÐ-TTg ngày 26-5-2022 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký để bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững.

Ùn tắc, ngập nước vẫn tái diễn

Dù có rất nhiều cố gắng trong việc chống ngập nhưng hiện tại, toàn TP HCM vẫn còn hơn chục điểm ngập chưa được khắc phục triệt để. Thời gian gần đây, còn xuất hiện những tuyến đường vừa hoàn thành dự án nâng cấp, làm cống hộp nhưng vẫn ngập. Ðó là đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP HCM).

Sinh sống ở con đường Nguyễn Văn Quá từ cái thời mưa nhỏ nước đã tràn vào nhà, bà NguyễnThị Hà cho hay để chống ngập, năm 2021, sau khi cơ quan chức năng thay cống hộp lớn, nâng cấp mặt đường, bà và mọi người nghĩ mùa mưa năm 2022 sẽ thoát ngập. Vậy mà, những cơn mưa đầu mùa vừa qua ngập vẫn tái diễn dù lực lượng chức năng đã cử người xuống hốt rác, lấy bùn dưới cống. "Tôi mong các cơ quan liên quan sớm có giải pháp tổng thể trong chống ngập để tình trạng tái ngập, hay trị điểm này xuất hiện điểm khác không còn diễn ra" - bà Hà bày tỏ. Theo bà, ngập không chỉ khiến những gia đình như gia đình bà khổ sở mà còn cản trở sự phát triển của thành phố.

Tương tự, thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường từ ngoại ô đến nội ô ở TP HCM tái diễn. Tại cửa ngõ Tây Bắc, trục Quốc lộ 22 (đi qua huyện Hóc Môn, quận 12) thường xuyên ùn ứ vào 3 khung giờ sáng, trưa, chiều. Quốc lộ 1 (đoạn từ TP Thủ Ðức đến huyện Bình Chánh) cũng không khá hơn, tình trạng ùn ứ diễn ra thường xuyên, hầu như ngày nào cũng có.

Không chỉ các tuyến quốc lộ, các trục đường hướng tâm ở TP HCM cũng quá tải, thường ùn ứ từ 7 đến 10 giờ, khiến người đi đường bơ phờ, uể oải. Ðường Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình); Cách Mạng Tháng 8 (từ quận Tân Bình đến quận 3), Hoàng Văn Thụ (từ quận Tân Bình đến Phú Nhuận) cứ vào cao điểm đi lại là xảy ra ùn tắc. Nhà ở huyện Hóc Môn, cơ quan ở quận 1, mỗi ngày 2 bận, chị Nguyễn Thị Thu Hiền phải "bơi" trong dòng phương tiện đông nghẹt để đi làm, về nhà.

"Ðường sá đông đúc chứng tỏ kinh tế đang dần hồi phục sau dịch Covid-19. Người dân ai cũng vui nhưng nói thật, cứ ùn tắc đà này kéo dài thì thật sự kiệt sức" - chị Hiền nói. Cũng như bà Hà, chị Hiền mong TP HCM cần sớm đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm để kinh tế TP HCM không còn bị thiệt hại bởi ùn tắc giao thông.

Ðã và đang tiến hành nhiều giải pháp

Thông tin kế hoạch giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2021-2025, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết nhiều đầu việc sẽ được triển khai đồng bộ. Trong đó, nhóm đầu tư, nâng cấp các công trình giao thông đặc biệt được chú trọng.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu triển khai, đưa vào vận hành các tuyến đường cao tốc như TP HCM - Mộc Bài, mở rộng từ 4 lên 8 làn xe với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, xây mới cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Bên cạnh đó, thành phố tập trung hoàn thiện các tuyến đường vành đai như khép kín Vành đai 2, hoàn thành tuyến Vành đai 3 và 4; mở rộng Quốc lộ 1 (từ An Lạc đến nút giao Bình Thuận) từ 4 lên 8 làn xe; mở rộng Quốc lộ 50 (đoạn Vành đai 2 đến ranh tỉnh Long An); mở rộng Quốc lộ 13 ( đoạn giáp ranh tỉnh Bình Dương).

Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng các tuyến đường trục chính xuyên tâm như cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, đường Ung Văn Khiêm (đoạn Tân Cảng đến nút giao Ðài liệt sĩ, quận Bình Thạnh); xây dựng hoàn chỉnh kéo dài trục Ðông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3; xây dựng trục đường Bắc - Nam; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa... Ngoài ra, TP HCM cũng xây dựng các cầu vượt sông như cầu Rạch Dơi, cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu Bình Quới, cầu Cần Giờ, cầu Phú Xuân 2B, cầu Cát Lái, cầu Trường Phước...

Ngoài đầu tư các công trình hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ giảm ùn tắc giao thông cũng đã và đang được TP HCM chú trọng thực hiện.

Trong phương án chống ngập của thành phố, giai đoạn 2020-2030, TP HCM sẽ cho khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - Ðôi - Tẻ (giai đoạn 3); dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn; xây dựng đoạn đê bao xung yếu thuộc bờ tả Thủ Ðức (từ rạch cuối đường số 26 đến cuối đường số 3)... Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành cải tạo 7 trục tiêu thoát nước chính là rạch Bà Tiếng, rạch Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Ðào, Ông Bé, Thầy Tiêu, xây dựng tuyến kè 2 bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (đoạn từ sông Chợ Ðệm đến cầu Tham Lương)... Ðáng chú ý, mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP HCM đã có báo cáo gửi HÐND thành phố xem xét để tái giám sát dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, trị giá gần 10.000 tỉ đồng), nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án.

TP HCM làm gì để chống ngập, kẹt xe?  - Ảnh 1.

Dù đã được nâng cấp, làm cống hộp để chống ngập nhưng đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP HCM) vẫn ngập khi mưa. Ảnh: QUỐC ANH

Lời giải từ chuyên gia

Theo PGS-TS Hồ Long Phi, các vấn đề kỹ thuật về chống ngập đã rất rõ ràng là làm dự án ngăn triều, nâng cao năng lực hệ thống cống thoát nước, làm hồ điều tiết và cải tạo hệ thống thoát nước tự nhiên là kênh rạch... Vấn đề quan trọng là mặt bằng, cơ chế và kinh phí. "Kinh phí xây dựng công trình chống ngập rất lớn nên nhà nước không thể kham nổi. Việc này cần sự chung tay của nhân dân và doanh nghiệp" - PGS-TS Hồ Long Phi phân tích và đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa cũng như khai thác quỹ đất.

PGS-TS Hồ Long Phi cũng đưa thêm giải pháp là các dự án chung cư, khu đô thị phải tăng cường mảng xanh, mặt nước để tăng khả năng trữ và tiêu thoát nước "Mỗi dự án cần có hồ điều tiết để bảo đảm chống ngập cục bộ và hạn chế dồn nước ra bên ngoài, giảm áp lực cho xã hội và kinh phí đầu tư của nhà nước. Việc này cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và là điều kiện để thành phố phê duyệt đầu tư dự án" - TS Hồ Long Phi đề nghị. Ngoài ra, trong quá trình quy hoạch không gian ngầm cũng nên tính toán phương án xây dựng hồ điều tiết ở trung tâm và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ðồng quan điểm, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi xây dựng quy hoạch không gian ngầm ở khu trung tâm nên tính toán phương án xây dựng hồ điều tiết để hỗ trợ chống ngập. "Không gian ngầm không chỉ có chức năng thương mại, bãi đậu xe mà sẽ có không gian làm hồ điều tiết. Nước không thoát kịp ra sông thì sẽ trữ ở hồ điều tiết, khi tạnh mưa từ từ chảy ra sông thì khu trung tâm sẽ không ngập" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, trong phát triển đô thị, việc xử lý vấn đề kẹt xe, ngập nước liên quan rất lớn đến chiến lược phát triển của TP HCM. Hiện tại phát triển đô thị của thành phố thiếu cân đối, đang tập trung quá nhiều vào khu nội thành. Chính tình trạng hạ tầng không đáp ứng, thiếu không gian xanh, mặt nước trong nội thành dẫn đến ngập nước và kẹt xe. Để xử lý vấn đề kẹt xe, ngập nước, TP HCM cần ít nhất 3 giải pháp từ góc độ chiến lược quy hoạch. Thứ nhất, phát triển đô thị gồm nhiều cụm đô thị lớn, nhỏ, xu hướng thành phố đang làm là đô thị trung tâm và thành phố trong thành phố ở các phía là hướng đúng. Thứ hai, không khuyến khích tăng mật độ hạ tầng xã hội khu trung tâm. Thứ ba, trả lại không gian xanh, mặt nước cho đô thị.

Cách đẩy mạnh khai thác quỹ đất

Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay, TP HCM quan tâm đường Vành đai 3, 4 và đang có chính sách đấu giá đất 2 bên. "Ðây là lĩnh vực khá mới với thành phố dù đã từng làm thành công với đường Nguyễn Hữu Thọ, giúp thành phố không những thu lại tiền làm đường mà còn có tiền cho ngân sách làm dự án khác. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này ra khu đô thị vệ tinh hay đường Vành đai 3, 4 thì đang thiếu cơ sở pháp lý, quy hoạch và kế hoạch thực hiện. Việc này khó nên TP HCM cần có sự hợp tác công tư, mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm giúp thành phố thực hiện. Sau khi thành công ở Vành đai 3 và lấy kinh nghiệm này nhân rộng mô hình ra thì sẽ giúp giải quyết bài toán nguồn lực" - TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích và đề xuất.

Theo Nhóm phóng viên

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên