TP HCM nhập nông sản, "nhập" luôn hàng trăm tấn rác mỗi đêm
Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại ba chợ đầu mối ước đạt 240 tấn/đêm, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm khoảng gần 90%.
- 27-06-2018Cả nước có tới hơn 8.000 chợ đầu mối
- 18-06-2018Dưa lưới, dưa vàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam đổ bộ các chợ đầu mối
- 31-07-2017TP HCM: Thịt heo nhiều chợ đầu mối chưa thể truy xuất nguồn gốc
Mỗi đêm 3 chợ đầu mối ở TP HCM tiếp nhận khoảng 9.205 tấn hàng hóa các loại; tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại ba chợ đầu mối ước đạt 240 tấn/đêm, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm khoảng gần 90%. Ban quản lý 3 chợ phải tốn hơn 2 tỉ đồng/tháng (tương đương gần 67 triệu đồng/ngày) để xử lý toàn bộ lượng rác thải này.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết như vậy tại Hội thảo chuyên đề giải pháp triển khai sơ chế tại nguồn mặt hàng rau củ quả phân phối trên địa bàn TP HCM do Sở Công Thương TP HCM và Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 6-7 tại TP Đà Lạt (Tỉnh Lâm Đồng).
Nhân viên một cơ sở sơ chế rau củ ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đang sơ chế rau lá trước khi bán về TP HCM
Theo bà Trang, lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành bạn về các chợ đầu mối tại TP HCM ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, chủ yếu từ các hoạt động sơ chế, phân loại, đóng gói, như các loại rau, củ, quả bị héo úa, dập nát, hư hỏng… không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống mà còn tiềm ẩn lây lan nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh và gây áp lực lớn cho công tác thu gom và xử lý rác.
TP HCM đang tốn chi phí xử lý rất lớn trong khi rác phát sinh từ hoạt động sơ chế là rác hữu cơ, có thể ủ làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng phục vụ cho nông nghiệp.
Dây chuyền đóng gói rau củ tại một HTX rau an toàn ở Đà Lạt
Bên cạnh đó, do không sơ chế đóng gói bảo quản tốt ngay sau khi thu hoạch dẫn đến giảm giá trị sản phẩm, tỉ lệ hao hụt nông sản sau thu hoạch còn cao, lên tới 30%, đặc biệt là mặt hàng dễ hư hỏng như rau củ quả. Với tỉ lệ hao hụt nông sản cao như hiện nay, người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn để sử dụng một đơn vị sản phẩm nông sản; nông dân tốn công sức, chi phí hơn để nuôi trồng trong khi lợi nhuận của họ bị bào mòn bởi những hao hụt từ khâu trồng trọt, thu gom, vận chuyển, sơ chế.
Hiện trạng hàng hóa chưa được sơ chế hiện nay cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Điều này vô tình làm khó người tiêu dùng trong nước và ngoài nước trong việc nhận diện sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương, làm giảm tính cạnh tranh của hàng nông sản đối với thị trường xuất khẩu, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Rau củ đã được sơ chế được chuyển lên xe chuẩn bị vận chuyển về TP HCM
Theo kế hoạch "Thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm tại các tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ phục vụ hoạt động kinh doanh của 3 chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP HCM", TP HCM từng bước thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với ba chợ. "Trong tương lai, tất cả hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh nhập vào 3 chợ phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đóng gói vào bao bì, để phân phối trực tiếp vào các chợ bán lẻ, siêu thị, các cửa hàng, các nơi tiêu dùng khác trên địa bàn TP và các tỉnh, thành khác" – bà Trang nói.