MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM tái khởi động dự án xe buýt nhanh BRT

Dự án xe buýt nhanh BRT của TP HCM được đề xuất điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư hơn 12 triệu USD và lùi thời gian thực hiện thêm 3 năm.

UBND TP HCM vừa có tờ trình, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phát triển giao thông xanh (còn gọi là dự án xe buýt nhanh BRT) sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.

Theo đó, UBND TP kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xe buýt nhanh từ 155,86 triệu USD (được Thủ tướng phê duyệt năm 2013) xuống còn 143,68 triệu USD, giảm hơn 12 triệu USD so với trước, sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan.

Nguyên nhân tổng mức đầu tư giảm là do đã cắt giảm hết lãi vay trong thời gian xây dựng vì nguồn vốn vay được chuyển từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRT) sang vốn vay của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), cùng với việc tăng phần vốn đối ứng từ ngân sách TP thêm 7 triệu USD (từ 13,6 triệu USD thành 20,6 triệu USD).

Ngoài ra, UBND TP còn kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kéo dài thêm 3 năm, tức là từ năm 2014-2023.

TP HCM kỳ vọng sau khi dự án hoàn thành sẽ đóng góp cho địa phương một loại hình vận tải hành khách công cộng mới là tuyến xe buýt nhanh BRT chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Có thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi hơn và an toàn hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông; giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân, góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân TP.

Dự án xe buýt nhanh BRT của TP HCM được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013 với thời gian thực hiện là 2014-2019.

Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư với thời gian thực hiện từ năm 2015-2020, do TP phải hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và phù hợp theo tiến độ triển khai thực tế của dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm trễ.

Theo Phan Anh

Người lao động

Trở lên trên