TP HCM: Vì sao nhiều tiệm kim hoàn trả giấy chứng nhận sản xuất vàng trang sức?
Hàng loạt doanh nghiệp, tiệm kim hoàn ở TP HCM đã trả lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, phần nào cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường vàng trong nước.
- 09-05-2020Giá vàng lại quay đầu giảm
- 08-05-2020Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM nói rõ về con số 75 doanh nghiệp trả giấy chứng nhận sản xuất vàng
- 08-05-2020Giá vàng bất ngờ tăng mạnh
Trong 8 năm qua, kể từ khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng (năm 2012) có hiệu lực đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn TP HCM, 75 doanh nghiệp đã hoàn trả giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết những doanh nghiệp hoàn trả giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn do không có nhu cầu sản xuất.
Hiện tại, TP HCM vẫn còn 480 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang hoạt động. Lý giải về xu hướng này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết do thị trường vàng trầm lắng từ sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, các doanh nghiệp không có nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nên đã tự nguyện hoàn trả giấy này.
Thị trường vàng tronng nước kém sôi động thời gian qua. Ảnh: Hoàng Triều
"Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là loại hình kinh doanh có điều kiện, theo quy định phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Những đơn vị đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận phải báo cáo thường xuyên cho cơ quan quản lý về doanh số sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động..." - ông Nguyễn Hoàng Minh giải thích.
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh thị trường vàng trầm lắng, nhu cầu giao dịch giảm mạnh nên các doanh nghiệp tự nguyện hoàn trả giấy chứng nhận để không phải báo cáo về tình hình sản xuất vàng trang sức, chỉ tập trung vào hoạt động mua bán vàng.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, hiện trên địa bàn có 837 điểm được cấp phép giao dịch mua bán vàng miếng thuộc 20 tổ chức tín dụng và 12 doanh nghiệp; 4 doanh nghiệp được tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho hạn ngạch năm 2020…
Ghi nhận thị trường vàng những ngày qua cho thấy kể từ sau thời điểm nới lỏng cách ly xã hội, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã trở lại hoạt động bình thường nhưng thị trường khá yên ắng. Giá vàng trong nước thường biến động chậm hơn giá thế giới, nhu cầu giao dịch thấp.
Ngày 9-5, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến mua vào 47,85 triệu đồng/lượng, bán ra 48,25 triệu đồng/lượng, giảm thêm 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Giá thế giới đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.702 USD/ounce, giảm hơn 10 USD mỗi ounce so với phiên trước. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 48,15 triệu đồng/lượng.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục giảm trong ngày cuối tuần, xuống mức 23.270 đồng/USD mua vào, 23.450 đồng/USD bán ra, giảm 20 đồng mỗi USD so với hôm qua.
Người lao động