MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP Hồ Chí Minh cần gì để trở thành trung tâm tài chính?

30-07-2019 - 08:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều ưu thế vượt trội so với các thành phố trong cả nước để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế...

Ông Phạm Xuân Hòe
Ông Phạm Xuân Hòe
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN
10 bài viết

Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đã 20 năm theo đuổi mục tiêu có một Trung tâm tài chính quốc tế (international financial center – IFC), trước mắt là một IFC tầm cỡ khu vực nhưng vẫn chưa thành.

Đây là một đích ngắm rất trúng, không chỉ cho TP HCM mà cho cả đất nước, vì muốn tăng trưởng đương nhiên phải có vốn và nếu có được một IFC thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng còn nhiều điều kiện mà hiện tại và trong tương lại gần Thành phố rất khó đạt được.

IFC là gì?

Theo đối tượng khách hàng phục vụ và tầm ảnh hưởng thì IFC có 2 cách hiểu.

Thứ nhất, Trung tâm tài chính toàn cầu (global IFC) là cấp độ cao nhất của các trung tâm tài chính. Trung tâm tài chính toàn cầu là các thành phố có đủ năng lực đóng vai trò là trung gian kết nối giữa các tổ chức tài chính và các khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Sở dĩ các trung tâm này có mức lan tỏa toàn cầu là do chúng có sự chuyên môn hóa ở cấp cao với rất nhiều (có thể nói là đầy đủ, đa dạng nhất) các sản phẩm và dịch vụ tài chính, có hệ thống mạng lưới kinh doanh toàn cầu, có tính thanh khoản thị trường ở mức rất cao và hệ thống pháp luật chuẩn mực được coi là hệ quy chiếu của thị trường tài chính thế giới.

Thứ hai, Trung tâm tài chính khu vực (regional IFC). Ở cấp độ này, các trung tâm tài chính là trung gian kết nối, phục vụ nhu cầu và hoạt động của các tổ chức tài chính và các khách hàng trên phạm vi khu vực nhiều hơn là nhu cầu và hoạt động của nền kinh tế quốc gia.

Trước hết, lợi ích tổng thể của IFC là thống nhất ở mối quan hệ nhân quả giữa sự hình thành của một IFC với việc cung ứng "hàng hóa" có giá trị cao và tối ưu hóa hiệu quả phục vụ của các tổ chức tài chính cho các vùng kinh tế. IFC góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế một cách đồng bộ hơn, gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, sự ra đời của các IFC giúp giải quyết tình trạng thông tin bất cân xứng trong hoạt động tài chính. Trong thế giới tài chính, thông tin được coi là nguồn "nguyên liệu" quan trọng nhất. Nếu như với các ngành công nghiệp khác, nguyên liệu đầu vào là tài nguyên thiên nhiên thì với ngành tài chính, đó chính là thông tin. Một công ty tài chính tiếp cận được với nguồn thông tin dồi dào, có giá trị thì công ty đó sẽ có lợi thế rất lớn với các đối thủ về "nguyên liệu sản xuất". Do đó, rất dễ hiểu tại sao trong lịch sử, các công ty tài chính lại có xu hướng tập trung lại tại cùng một địa điểm. Việc tập trung lại như vậy sẽ khiến cho nguồn thông tin trở nên đa dạng và có chất lượng hơn.

Thứ ba, sự ra đời của các IFC giúp tạo ra nền kinh tế tri thức và tính quy mô trong hoạt động tài chính. Cụ thể, sự quy tụ các tổ chức tài chính tại một địa điểm giúp liên kết các thị trường với nhau và tập hợp được các nguồn lực trong quản lý tài chính, kỹ thuật, hệ thống pháp luật và thanh toán, nhờ đó làm giảm chi phí ngành, đồng thời tạo ra tính cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính.  Thêm nữa, đây cũng là nơi thu hút và tạo ra được nguồn nhân lực có tay nghề cao mà bình thường sẽ đòi hỏi chi phí lớn cho việc đào tạo và phát triển.

Thứ tư, sự quy tụ của các tổ chức tài chính trong các IFC tạo điều kiện cho phép hình thành các mối quan hệ tin tưởng và thể chế hóa các quy tắc giao dịch trong các hoạt động tài chính. Nhờ đó, các tổ chức tài chính có thể triển khai và đảm bảo kết quả đầu ra của các dự án tài chính, các hoạt động phát hành chứng khoán, bảo lãnh phát hành các sản phẩm tài chính cấu trúc,… với mức chi phí tương đối thấp trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Điều kiện gì để TPHCM hình thành một IFC?

Để hình thành được IFC tầm cỡ khu vực cần phải có 3 nhóm điều kiện bắt buộc.

Nhóm 1, điều kiện về môi trường kinh doanh phải đạt chuẩn quốc tế, trong đó bao gồm hai loại điều kiện về thể chế và hạ tầng cơ sở vật chất. Và có lẽ môi trường thể chế là quan trọng nhất với TP HCM nhưng TP không tự quyết được vấn đề này.

Ở tầm quốc gia, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, và  chính sách điều tiết sẽ là vô cùng quan trọng với các nhà đầu tư tài chính, các quỹ quốc tế, dòng vốn tự do di chuyển, việc mua bán ngoại tệ không hạn chế hay các sản phẩm phái sinh bảo hiểm rủi ro như thế nào mới có thể mời gọi các nhà đầu tư.

IFC cần không gian chính sách thuế, liệu TP HCM có được cơ chế đặc thù về thuế và có thể trở thành thiên đường về miễn giảm thuế để thu hút giới tài chính về đây hoạt động như DUBAI của UAE.

Tình hình chính trị ổn định của Việt Nam có thể là một lợi thế nhưng giải quyết vấn nạn tham nhũng sẽ vẫn còn là thách thức với cả đất nước không chỉ riêng TP HCM.

Nhóm 2, điều kiện về hệ thống tài chính cần có đủ năng lực được thể hiện và chứng minh được rằng: hạ tầng về thị trường tài chính đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và dần tiến tới kết nối với hạ tầng tài chính của các trung tâm tài chính các khu vực khác. Chúng ta nhìn lại hệ thống tài chính trong nước cho thấy vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc để đạt đến chuẩn quốc tế; thị trường chứng khoán vẫn còn nhỏ bé, tính kết nối với thị trường khu vực gần như chưa có; thị trường bảo hiểm mới đi ở chặng đường đầu. Và nếu điểm mặt các "cá mập" tài chính quốc tế hàng đầu, các ngân hàng lớn, các quỹ đầu tư lớn của thế giới mức độ xuất hiện ở Việt Nam, cụ thể ở TPHCM là chưa đáng kể.

Khi nhìn vào loại hình sản phẩm dịch vụ, tài chính, IFC cần phải cung cấp được các dịch vụ tài chính phải có sự đảm bảo tuyệt đối về tin cậy, bí mật, và cơ hội; các sản phẩm dịch vụ tài chính phải đa dạng, độ phức tạp, tinh vi khác nhau, trong đó có các dịch vụ kêu gọi vốn cho cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ, dịch vụ quản lý tài sản và đa dạng hóa danh mục đầu tư, dịch vụ quản lý tài sản cá nhân, dịch vụ chuyển giá toàn cầu, dịch vụ quản lý thuế và tối ưu hóa trách nhiệm thuế xuyên biên giới, các hoạt động quản lý quỹ doanh nghiệp khu vực và toàn cầu, bảo hiểm/tái bảo hiểm và hoạt động quản lý rủi ro khu vực/toàn cầu, giao dịch ngoại tệ trong hàng hóa, chứng khoán tài chính và các hợp đồng phái sinh trong các công cụ tài chính và hàng hóa, kỹ thuật và cấu trúc tài chính cho các dự án phức hợp lớn, các hoạt động M&A khu vực/toàn cầu, hỗ trợ tài chính cho các hình thức hợp tác công – tư (PPP).

Có thể thấy loại hình sản phẩm dịch vụ tài chính như trên còn rất thiếu vắng ở Việt Nam và TP HCM.

Nhóm 3, là điều kiện về con người, cần phải có nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng cao để xử lý các nghiệp vụ phức tạp; nhân lực hoạt động trong IFC phải có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu, có kỹ năng giao tiếp tốt về tiếng Anh/ Pháp. Nhóm điều kiện này thực ra không khó đối với một thành phố năng động như TPHCM, chỉ cần có chính sách đãi ngộ tốt, thực sự cầu thị thu hút nhân tài thì nguồn nhân lực là người Việt cả người nước ngoài đang làm tại các IFC lớn trên thế giới như New York, London, Singapore… sẵn sàng về Việt Nam. 

Khi nghiên cứu đánh giá lợi thế để trở thành nơi có thể hình thành phát triển một IFC của ViệtNam với 19 tiêu chí cụ thể của 4 nhóm: nhóm tiêu chí về thị trường (7 tiêu chí); nhóm tiêu chí hạ tầng sẵn có, tiềm năng phát triển (7 tiêu chí); nhóm tiêu chí về hành chính công (2 tiêu chí); nhóm tiêu chí về an ninh (gồm 3 tiêu chí) và được cho điểm từ 0-5 điểm. Nhóm nghiên cứu của BIDV đã tính toán mức điểm xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp: TP HCM (333 điểm), Hà Nội (256 điểm), Đà nẵng (128 điểm), Hải Phòng (97 điểm), Bắc Ninh (81 điểm), Quảng Ninh (71 điểm), Lạng Sơn (47 điểm).

Như vậy, có thể thấy thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ưu thế vượt trội so với các thành phố trong cả nước để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Phân tích định tính cho thấy trên cả 3 mặt: về vị trí địa lý có thể kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là trung tâm kinh tế phát triển công nghiệp, hàng hóa, dịch vụ trong vùng Đông Nam bộ, kết nối kinh tế các nước trong khu vực và tương lai liên thông với trung tâm tài chính khu vực như Singapore, Hồng Kông là thuận lợi; về mặt kinh tế thành tựu của TP HCM đứng đầu cả nước về GRDP, đóng góp lớn nhất về thu ngân sách; về tiềm năng phát triển kinh tế của TPHCM là rất mạnh cả về hàng hóa, dịch vụ cũng như phát triển khu vực tài chính. Đặc biệt vừa qua Chính phủ đã có đồng ý về một cơ chế đặc thù cho TPHCM, nếu có thể thì nên lấy TP HCM thành một đặc khu kinh tế tự do để thử nghiệm các thể chế kinh tế tài chính.

Đó là những yếu tố thuận, song nhìn lại có lẽ vấn đề thể chế về tiền tệ, tài chính ở tầm quốc gia và hạ tầng về tài chính vẫn sẽ là thách thức lớn nhất với việc hình thành và phát triển một  IFC tầm cỡ khu vực cho TP HCM như đã nêu trên.

Ông Phạm Xuân Hòe (Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên