MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP Hồ Chí Minh: Nhiều “nút thắt” trong thu hút đầu tư nước ngoài

Mặc dù vẫn giữ vị trí nhất nhì cả nước về thu hút FDI, tuy nhiên theo phản ánh của các DN, thu hút đầu tư nước ngoài của TPHCM đang có dấu hiệu giảm sút do còn tồn tại nhiều nút thắt.

Nút thắt về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính

Theo thông tin từ Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM (Hepza), thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại KCX-KCN trên thành phố đang có dấu hiệu giảm sút. Năm 2018, tổng vốn thu hút đầu tư FDI vào TPHCM đạt 772,31 triệu USD, giảm 8,07% so với năm 2017.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo các DN, là do hạ tầng các khu KCX-KCN đã xuống cấp khá nghiêm trọng. Phần lớn KCX-KCN của thành phố thành lập từ thập niên 90 của thế kỷ trước nên hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung đã khá lạc hậu. Bên cạnh đó, hạ tầng một số KCX-KCN còn khá nhếch nhác do luôn có cửa hàng, quán xá vây quanh, gây mất an ninh trật tự. Thực tế này gây khó cho DN hoạt động tại đây khi phải đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững, có trách nhiệm xã hội của những thị trường XK khó tính. Bên cạnh đó, diện tích đất cho thuê tại các KCX-KCN hầu hết đã được lấp đầy hoặc giá cho thuê quá cao so với các KCX-KCN khu vực lân cận khiến cho DN gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất.

Không chỉ vậy, hạ tầng phía ngoài KCX-KCN cũng đang bị quá tải, làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm năng lực cạnh tranh của các DN. Phổ biến nhất là tình trạng ngập nước, kẹt xe làm chi phí logistics của DN tăng cao. Bên cạnh đó, những cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ cải thiện chất lượng đời sống công nhân như trường học, khu lưu trú công nhân, nhà ở, bệnh viện… vẫn chưa được đầu tư đúng mức, góp phần làm gia tăng biến động số lượng lao động và làm giảm khả năng chủ động sản xuất, phát triển tại các DN.

Một trong những nút thắt khác làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư được các DN phản ánh là thủ tục hành chính vẫn rất phức tạp. Hiện rất nhiều DN trong KCX-KCN vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể tăng nội lực vốn để phát triển, mở rộng quy mô đầu tư.

Cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... cũng là những vấn đề được đại diện các Hiệp hội DN nước ngoài và các DN FDI đặt ra trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM mới đây.

Theo ông Matthew Lourey, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham), hình ảnh TP HCM như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư đã phần nào bị mờ nhạt trong những năm gần đây do vấn đề giao thông. Các nhà đầu tư thất vọng về tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng và tiến độ chậm trễ của dự án tàu điện ngầm. Ông cho rằng nếu không giải quyết được những vấn đề này thì xu hướng hay mong muốn đặt cơ sở tại TP HCM của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng sẽ bị giảm đi.

Ông Carlos Dominguez Agulleiro, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TP HCM cho rằng, mặc dù có những cải tiến lớn đạt được về thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tình trạng thiếu minh bạch trong các thủ tục, gây ra sự chậm trễ và không chắc chắn cho các DN và dự án đầu tư. Sự chậm trễ hiện nay của các dự án metro, cũng như các dự án quan trọng khác như sân bay, có những ảnh hưởng đối với các đối tượng liên quan đến sự phát triển của dự án. Việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của TPHCM so với các nước khác vì nó làm tăng chi phí sản xuất.

Tập trung tháo gỡ

Theo ý kiến của các DN, để thu hút tối đa dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam, thành phố phải tập trung đẩy nhanh tiến độ cải thiện hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng các KCX-KCN nói riêng, môi trường và chất lượng sống của công nhân. Song song đó, nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ sinh viên và cả công nhân đang lao động tại các KCX-KCN. Riêng các công ty đầu tư hạ tầng phải giải quyết nhanh thủ tục pháp lý cần thiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong KCX-KCN, tạo điều kiện để DN tăng nội lực vốn, mở rộng phát triển đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban quản lý KCX-KCN cho biết, hiện Ban quản lý KCX-KCN đã làm việc với chủ đầu tư hạ tầng nhanh chóng đổi mới công nghệ, cải thiện hạ tầng KCX-KCN, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của DN. Mặt khác, phối kết hợp với các chủ đầu tư hạ tầng hoặc DN trong khu chủ động xây dựng nhà lưu trú, trường học, bệnh viện tại khu vực KCX-KCN.

Về những khó khăn liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thành phố đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế nhanh chóng xác lập ranh giới để làm cơ sở tính thuế sử dụng đất cho các chủ đầu tư hạ tầng và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong KCX-KCN đã có đủ điều kiện. Riêng về yêu cầu nguồn nhân lực, ban quản lý đã chủ động kết nối với trường đại học, trường đào tạo công nhân kỹ thuật, để gia tăng chất lượng và số lượng lao động có tay nghề. Cùng với đó, thiết lập kênh thông tin lao động, nhân sự, đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng cho công nhân đang làm việc trong KCX-KCN.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tại buổi gặp gỡ với các Hiệp hội DN nước ngoài và các DN FDI, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị của thành phố cần tập trung các giải pháp trọng tâm về cải cách hành chính, thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách thu hút đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Theo đó, về cải cách hành chính, thành phố đã ban hành 40 thủ tục "một cửa điện tử" thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố ban hành thủ tục "một cửa điện tử" đối với đầu tư nước ngoài trên địa bàn; mở một chuyên mục trên website của Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của DN nước ngoài, định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo UBND thành phố.

Về thủ tục đầu tư, trên tinh thần đồng hành cùng DN, ngay từ năm 2017, UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành về đầu tư. Tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho DN cho đến khi dự án được cấp phép hoạt động. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Chủ tịch UBND TPHCM cũng giao Hepza xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố hoàn tất các thủ tục đầu tư để khởi công Công viên Khoa học và Công nghệ trong năm 2020.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp thành phố chủ trì, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, đề xuất 10 vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài mong muốn, đặt hàng đối với chính quyền Thành phố để triển khai trong năm 2019.

Theo Nguyễn Huế

Báo hải quan

Trở lên trên