MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Chia thành hai để gỡ vướng 30.000 căn hộ 'treo' sổ hồng

02-12-2020 - 09:12 AM | Bất động sản

TPHCM: Chia thành hai để gỡ vướng 30.000 căn hộ 'treo' sổ hồng

UBND TPHCM chỉ đạo chia các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn thành phố thành 2 loại, để tập trung giải quyết các bức xúc của hàng ngàn hộ dân và chủ đầu tư trước việc bị "treo" hàng chục nghìn sổ hồng.

Chia các dự án chung cư thành 2 loại

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đã có kết luận, chỉ đạo liên quan đến việc xác định diện tích đất ở, cấp sổ hồng, trách nhiệm quản lý công trình công cộng tại các dự án xây dựng nhà ở chung cư. Theo đó, đối với các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn TPHCM có thể chia thành 2 loại để đề xuất phương án giải quyết.

TPHCM: Chia thành hai để gỡ vướng 30.000 căn hộ treo sổ hồng - Ảnh 1.
TPHCM đang có 60 dự án của 16 doanh nghiệp với hơn 30.000 căn nhà và căn hộ officetel chưa được cấp sổ.

Loại 1 là các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín (như: bồn hoa, mảng xanh, hồ bơi, đường nội bộ…) thì toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) theo quy định.

Loại 2 là các dự án lớn có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài diện tích đất xây dựng công trình chung cư, còn có các công trình tiện ích khác như khu thương mại, khu thể dục thể thao, công viên, trường học, bệnh viện… các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng bên ngoài chung cư thì diện tích đất xây dựng chung cư để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận, được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch và có thể chia thành 3 nhóm.

Trong đó, nhóm 1 gồm nhóm đất xây dựng nhà ở (đất xây dựng chung cư), phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở (bao gồm diện tích đã trừ mật độ xây dựng), cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đủ diện tích đã đóng tiền sử dụng đất ở và nhà nước không quản lý diện tích này.

Nhóm 2 là nhóm đất xây dựng công trình công cộng (công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao) nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định).

Nhóm 3 là nhóm đất xây dựng công trình giao thông hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…) chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn thành để bàn giao cho nhà nước quản lý theo quy định. Đối với phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về phương thức xử lý, đối với các dự án đã triển khai thực hiện trong giai đoạn trước đây, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát các quy định trước đây, kiểm tra thực tế xây dựng để phân loại dự án, nhóm đất xây dựng các công trình như trên để có cơ sở thu tiền sử dụng đất. Trước mắt, tập trung tháo gỡ, giải quyết đối với các dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân, chủ đầu tư bức xúc.

Đối với các dự án mới bắt đầu triển khai, các đơn vị tham mưu phải xác định rõ, cụ thể ngay từ đầu từng loại đất xây dựng công trình nhà ở chung cư và các công trình khác để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất ở và cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Sở Tài nguyên Môi trường phải hệ thống hoá quy định pháp luật có liên quan từng thời kỳ, hoàn thiện lại đề xuất, lấy ý kiến Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) và tham khảo Bộ Tài nguyên Môi trường, sau đó trình Thường trực UBND TPHCM để thống nhất chủ trương áp dụng chung trên toàn TPHCM, hoàn thành báo cáo trong thời hạn 1 tháng.

"Tắc" tiền sử dụng đất, 30.000 căn hộ chưa có sổ hồng

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, TPHCM còn nhiều doanh nghiệp muốn được cấp sổ hồng nhưng đến nay vẫn chưa thể đóng được tiền sử dụng đất. Ông Châu nêu ra 60 dự án của 16 doanh nghiệp với hơn 30.000 căn nhà và căn hộ officetel chưa được cấp sổ.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, về việc cấp sổ hồng, là cơ quan đầu mối chủ trì giải quyết, Sở xác định mình là người trong cuộc để chủ động đẩy nhanh tiến độ.

TPHCM: Chia thành hai để gỡ vướng 30.000 căn hộ treo sổ hồng - Ảnh 2.
Việc chậm cấp sổ hồng cho các căn hộ chung cư gây nên nhiều bất ổn trong thời gian qua.

“Với những bức xúc của doanh nghiệp, người dân khi thực hiện thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản không gắn liền với đất trong các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TPHCM; khi có sự chậm trễ, chúng tôi rất thấu hiểu, bởi nếu người dân mua nhà ở và đã thanh toán nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, thì yêu cầu được cấp sổ hồng kịp thời là rất chính đáng”, ông Thắng nói.

Đối với những khó khăn, vướng mắc nổi cộm gây ảnh hưởng đến công tác cấp sổ hồng trong dự án phát triển nhà ở, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, khâu xác định giá đất của dự án để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với nhà nước là khâu khá quan trọng. Thực tế có hàng chục dự án bị “treo” sổ hồng chỉ vì bị tắc tiền sử dụng đất của dự án, doanh nghiệp.

Trong đó, xác định 7 vấn đề còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá và thời hạn hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá; việc xác định giá đất trong quá khứ; vướng mắc trong các phương pháp xác định giá đất khi thực hiện thẩm định giá; việc định giá đất đối với một số vị trí có lợi thế sinh lợi cao, ở vị trí đắc địa và khó khăn trong việc cấn trừ các khoản chi phí tạo lập đất vào nghĩa vụ tài chính.

“Các doanh nghiệp bất động sản đã đồng hành cùng TPHCM, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng cũng như góp phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của TPHCM. Xin được khẳng định ngay là với dự án hoàn chỉnh pháp lý, Sở sẽ giải quyết ngay việc cấp sổ hồng. Còn với những vướng mắc phát sinh thì ở cấp độ TPHCM, Sở Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận tiếp tục tổ chức buổi họp với các sở ngành, đơn vị có liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể và giải pháp tháo gỡ”, ông Thắng khẳng định.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, TPHCM đã có tổng cộng 291.644 trường hợp đăng ký đất đai, trong đó đăng ký biến động là 282.591 trường hợp (bao gồm tổ chức 14.999 trường hợp, cá nhân 267.592 trường hợp), đăng ký ban đầu là 9.053 sổ hồng (bao gồm tổ chức 448 sổ, cá nhân 8.605 sổ). Tính đến tháng 8/2020 TPHCM đã cấp được hơn 1,5 triệu sổ hồng, đạt 97,91%.


Theo Duy Quang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên