TPHCM: Dân nội trợ ‘tranh nhau’ mua heo rừng hữu cơ gần 400.000 đồng/kg
Heo rừng hữu cơ gần 400.000 đồng/kg; rau củ quả organic giá cả trăm ngàn đồng/kg vẫn được bà nội trợ tranh nhau mua tại phiên chợ Organic lần đầu tiên có mặt tại TPHCM.
Chợ rau củ quả hữu cơ tuy giá khá "chát" nhưng luôn đắt khách
Ngày 21/11, tại phiên chợ nông sản hữu cơ (Q.1), khá đông các bà nội trợ tranh thủ đi sớm để mua rau củ, thịt cá. Chị Hương Giang (ngụ Q.3) mừng rơn khi thấy người bán pha lóc tại chỗ nguyên con heo rừng hữu cơ. "Heo rừng thì tôi đã từng ăn, nhưng heo rừng hữu cơ mới thấy lần đầu. Tôi chọn mua 2 thăn chuột, ký ba rọi rút sườn, ít ba rọi mà ngót nghét gần cả triệu đồng để gia đình ăn thử cho biết" – chị bày tỏ.
Heo rừng hữu cơ được pha lóc tại chỗ...
...tuy có giá gần gấp 3 lần heo thường nhưng rất đắt khách, ai chậm chân đành tiếc rẻ vì không còn.
Theo quan sát, heo rừng hữu cơ có giá khá cao, gần gấp 3 lần so với heo thường. Cụ thể, ba rọi giá 299.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 329.000 đồng/kg, sườn non 369.000 đồng, nạn thăn 309.000 đồng. Đặc biệt dòi trường có giá tới 380.000 đồng/kg… Tuy giá khá cao nhưng bà nội trợ tranh nhau mua đông, người chậm chân không mua được đành chờ dịp khác.
Tại phiên chợ này, các loại rau củ quả hữu cơ cũng có giá khá cao, như bí đỏ có giá 80.000 đồng/kg, cải thìa 70.000 đồng/kg… Đại diện gian hàng rau củ Ashin cho biết, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật, rau củ canh tác theo hướng hữu cơ không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu rất an toàn sức khỏe người sử dụng.
Rau củ theo chuẩn xuất khẩu được bày bán rất nhiều, giá cả trăm đồng/kg
Bí đỏ có giá 80.000 đồng/kg
Chia sẻ về câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit chia sẻ, làm nông nghiệp hữu cơ đã có, nhưng làm sao để thuyết phục người tiêu dùng sử dụng nông sản hữu cơ còn khó hơn. "Năm 2017-2018, chúng tôi đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường, lúc đó tôi phải thuyết phục, đàm phán với nhiều siêu thị bán sản phẩm hữu cơ nhưng họ rất e dè. Chỉ có Coopmart là đồng ý dù đi kèm với nhiều điều kiện ngặt nghèo.
Thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao để người tiêu dùng tiếp cận được nông sản này nên chấp nhận tất cả các yêu cầu của siêu thị; chúng tôi cũng không quan tâm đến chuyện lời lỗ mà chỉ cần khách hàng biết sản phẩm, dùng thử để cảm nhận được sự khác biệt" – ông Viên nói.
Thêm một kênh để người dân Sài Gòn thưởng xuất nông sản Việt xuất khẩu.
Phiên chợ Organic chỉ mở bán vào 2 ngày cuối tuần.
Theo ông Viên, chỉ cần người tiêu dùng nhận ra được sản phẩm hữu cơ là được nuôi trồng không dùng hóa chất, canh tác an toàn cho sức khỏe, khi nhận thức thay đổi thì giá hữu cơ có cao hơn nông sản thường vẫn sẽ được khách hàng chấp nhận.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, những sản phẩm tại phiên chợ Organic đều đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của người tiêu dùng. Hội khuyến khích các doanh nghiệp đã có chuẩn hoặc đang xuất khẩu qua những thị trường khó tính, tham gia để mở rộng không gian phục vụ cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi cố gắng tạo ra những không gian tin cậy cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm khi có thêm nhiều sản phẩm tốt, có tiêu chuẩn. Đó cũng là một cách hỗ trợ, thúc đẩy tích cực cho nhà sản xuất" - bà Vũ Kim Hạnh nói.
Tiền phong