TP.HCM đang được đánh giá là vùng cam, dần chuyển sang vùng vàng
Trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 15/10, Chủ tịch UBND MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu và Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng trả lời về các vấn đề y tế và hỗ trợ an sinh trong điều kiện bình thường mới.
- 15-10-2021Liều lượng và hiệu quả vaccine cho trẻ em từ 15-18 tuổi có gì khác với người lớn?
- 15-10-2021Lộ diện top 10 địa phương đứng đầu về thu ngân sách 9 tháng đầu năm
- 15-10-2021Samsung Việt Nam nói gì về nguy cơ mất thị trường của các doanh nghiệp?
Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp tổ chức.
TP.HCM đang ở cấp độ dịch nào?
Sau khi so sánh với các tiêu chí phân loại trong Nghị quyết 128 của Chính phủ, ông Tăng Chí Thượng cho biết, hiện nay TP.HCM đang ở cấp độ 3 chuyển dần sang cấp độ 2, chứ chưa phải là cấp độ 1.
Theo đó, TP.HCM hiện nay đã đạt được tiêu chí thứ 1, có tỷ lệ số người tiêm trên 18 tuổi đạt hơn 95% (mũi 1). Đối với tiêu chí thứ 2, hiện nay thành phố đang giảm dần số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/ tuần.
Tuy nhiên, số ca mắc mới vẫn dao động xung quanh 150 ca/100.000 người/tuần. Nếu trên 150 thì TP.HCM đang ở cấp độ 3 (vùng cam), còn dưới con số 150 thì ở mức độ 2 (vùng vàng). Thành phố mới chỉ đang đứng ở giữa vùng cam và vùng vàng.
Theo ông Thượng, đánh giá cấp độ dịch ở TP.HCM trong thời gian tới có thể thay đổi theo ngày chứ không phải nằm yên ở một trạng thái. Tức là, các quận huyện hàng tuần sẽ tiến hành đánh giá lại cấp độ dịch, dựa trên số ca mắc mới trong cộng đồng.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay TP.HCM vẫn chỉ đang ở vùng cam và đang dần chuyển sang vùng vàng, đều là hai vùng có những hạn chế hoạt động. Do đó, thành phố đang xây dựng những tiêu chí, điều kiện để sắp xếp cho các hoạt động có thể diễn ra.
Cụ thể, TP.HCM đã có 9 bộ tiêu chí khác nhau của các ngành nghề. Ông Thượng mong rằng người dân sẽ tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí và không lơ là, chủ quan để có thể sớm đưa thành phố tiến tới vùng xanh (mức độ 1).
Chủ tịch UBND MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu và Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng giải đáp các thắc mắc của người dân. Ảnh chụp màn hình.
Kế hoạch tiêm vaccine trẻ em tại TP.HCM
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngay trong chiều 15/10, Sở Y tế, Sở Giáo dục, Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP.HCM phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể để trình lên UBND TP.HCM về vẫn đề này. Ngay khi Bộ Y tế phân bổ lượng vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ em, thành phố sẽ tiến hành tiêm chủng ngay.
Ông Thượng cho biết, phía ngành y tế thành phố cũng hết sức chú ý khi đối tượng tiêm lần này là trẻ em. Tuy nhiên, thành phố cũng chưa biết vaccine Covid-19 nào sẽ được tiêm cho trẻ em bởi chưa có thông tin từ Bộ Y tế. Song, ông Thượng nhấn mạnh, loại vaccine chắc chắn sẽ là loại vaccine được sản xuất để tiêm cho trẻ em.
Đóng cửa bệnh viện dã chiến số 1
Trên sóng livestream, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tiết lộ, ngày mai 16/10, bệnh viện dã chiến số 1 tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM sẽ chính thức đóng cửa. Từ nay đến tháng 12, hầu hết trong tháng 11, TP.HCM đang lên lộ trình đóng dần các bệnh viện dã chiến, đặc biệt là các bệnh viện sử dụng các cơ sở sử dụng ký túc xá, trường học, khu nhà tái định cư.
TP.HCM sẽ chỉ giữ lại các bệnh viện dã chiến như số 13, 14,16 và những bệnh viện dã chiến rất lớn để tiếp tục lưu lại thời gian dài, có thể 1-2 năm. Mục đích là để luôn sẵn sàng ứng phó khi có các F0 mới xuất hiện.
Ba thay đổi thích ứng với Covid-19 tại TP.HCM
Theo ông Thượng, TP.HCM hiện nay đã có 3 thay đổi lớn để có thể thích ứng với dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Đầu tiên, nếu người dân thấy có những biểu hiện, dấu hiệu như ho, sốt , đau họng,... thì cần đi khám để tầm soát hoặc tự test ở nhà. Nếu kết quả là dương tính, người dân cần báo ngay cho các trạm y tế phường, xã để nhận thuốc và theo dõi tại nhà.
Thứ hai, các cơ quan xí nghiệp, nhà máy sẽ tiến hành xét nghiệm khi có nhân viên hay công nhận xuất hiện triệu chứng nghi ngờ. Trước đây, các doanh nghiệp xét nghiệm hàng loạt cho người lao động cách 3-5 ngày. Khi xét nghiệm ra dương tính thì sẽ hướng dẫn cách ly.
Thứ ba, Thành phố sẽ tầm soát ngẫu nhiên, đặc biệt là những nơi nguy cơ cao như trường học, siêu thị, bệnh viện. Các trung tâm y tế, CDC TP.HCM sẽ tiến hành lấy mẫu 10% người bán hàng ở chợ, siêu thị hay 20% công nhân tại các xí nghiệp để tầm soát ngẫu nhiên chứ không làm hàng loạt như trước.