TP.HCM ghi nhận những tín hiệu tốt phòng chống dịch, dự kiến mở cửa lại chợ
Dự kiến sắp tới,TP.HCM sẽ đưa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại Chợ đầu mối Bình Điền vào hoạt động. Theo đó, Thành phố sẽ ban hành quy định và kiểm soát chặt chẽ người vào chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
- 13-09-2021Lộ diện địa phương có thu nhập bình quân của người lao động tăng cao nhất đầu năm 2021
- 13-09-2021Tháng 10, Phú Quốc đón khách quốc tế: Vừa mừng, vừa lo
- 13-09-2021Người lao động nhận BHXH 1 lần trong giai đoạn dịch Covid-19 chịu những thiệt thòi gì?
Về vấn đề mở cửa lại chợ truyền thống, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định chủ trương của thành phố là mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó. Cụ thể, trong thời gian tới Sở sẽ làm việc với các quận, huyện để nắm rõ kế hoạch cụ thể và có điều chỉnh kịp thời. Ngay khi điều kiện phù hợp thì phía thành phố sẽ cho các chợ mở cửa trở lại.
Cũng trong buổi họp báo chiều 12/9, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết qua các đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua, tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới qua các đợt xét nghiệm có giảm dần.
Theo đó, nếu tính riêng kết quả xét nghiệm tại vùng đỏ và cam tại thành phố, trong đợt 1 thì tỷ lệ phát hiện ca nhiễm lên tới 36%, còn đợt 2 là 27%. Tuy nhiên, đợt 3 mới xét nghiệm được một nửa thì tỷ lệ này là 1,3%.
Ông Nguyễn Hồng Tâm nhận định về vấn đề này: "Tỷ lệ phát hiện vùng xanh là 0,78%, vùng cận xanh là 1,27%, vùng vàng là 1,41%. Từ đó cho thấy việc phân vùng theo màu trước đây là khá chính xác, vùng nguy cơ thấp thì tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới rất ít và vùng nguy cơ cao thì phát hiện ra nhiều hơn".
Trong buổi làm việc với Huyện Cần Giờ chiều 12/9, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết thành phố đang phấn đấu và tập trung phát hiện thêm các ca F0 đến mức thấp nhất và điều trị các ca F0 giảm đến mức có thể kiểm soát được. Theo đó, số ca F0 tại bệnh viện và chăm sóc tại nhà hiện có trên dưới 100.000 người.
Về vấn đề an sinh, lũy kế từ ngày 15/8 đến 12/9/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 1.778.660 túi (ngày 12/9 không chuyển cho các đơn vị). Đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phát biểu thêm, vấn đề chăm lo an sinh cho người dân sẽ không chỉ dừng lại ở túi an sinh mà còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác.
Ngoài ra, từ ngày 6/9, xu hướng giảm số hộ đăng ký đi chợ hộ phản ánh rằng người dân đã được đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm thông qua các phương thức hỗ trợ khác nhau gồm: chính sách hỗ trợ an sinh của TP.HCM, các hoạt động từ thiện, đặt giao hàng qua shipper, bán hàng lưu động,…
Trao đổi thêm về công tác phòng chống dịch của TP.HCM sắp tới, ông Nguyễn Văn Nên cho biết phía thành phố đang chuẩn bị 10 chiến lược cho thời kỳ bình thường mới để thực hiện mục tiêu kép. Cụ thể, các chiến lược này về các yếu tố trọng tâm gồm: y tế, an sinh xã hội, khoa học công nghệ, an ninh, quốc phòng, dân vận, huy động nguồn lực…
Theo đó, trước việc không thể quét sạch các F0 trong một thời gian nhất định cũng như không thể thực hiện giãn cách nghiêm ngặt kéo dài, phía thành phố đang phải chuẩn bị cho cuộc sống dài hơn. Song song, TP.HCM cũng tính toán các chiến lược với phương châm hàng đầu “an toàn mới mở cửa, sản xuất, kinh doanh” .
Mục đích trên hết là nhằm đảm bảo an toàn để cùng với việc chống dịch vừa bảo vệ sức khỏe của nhân dân và của nền kinh tế. Bởi nếu không, TP.HCM có thể chống dịch thành công nhưng sẽ bị khủng hoảng về những vấn đề khác.