MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp ở lĩnh vực xây dựng

Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư”.

Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư”.

Sáng nay (12/2) trong chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, nhiều ý kiến cử tri quan tâm đặt vấn đề về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, nhất là tiền sử dụng đất, giá trần cho thuê đất; Giải pháp mạnh mẽ của chính quyền trong việc sửa chữa hoặc di dời giải tỏa các nhóm chung cư cũ…

Tháo điểm nghẽn về tiền sử dụng đất

Liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết: Hiện nay “tắc tiền sử dụng đất” đang là điểm nghẽn cốt yếu trong quá trình đầu tư dự án trong phạm vi cả nước nói chung và tại địa bàn TP.HCM nói riêng. Các sở, ngành TP đã sớm thấy được vấn đề nêu trên; đồng thời cũng nhận thức được rằng nếu giải quyết được điểm nghẽn này sẽ dung hòa được quyền lợi giữa Nhà nước – Người dân – Doanh nghiệp.

UBND TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM được xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (Lấy giá đất quy định tại bảng giá đất (x) nhân với hệ số điều chỉnh giá đất do UBND TP ban hành hàng năm – không phân biệt giá trị khu đất, thửa đất tính theo bảng giá đất dưới 30 tỷ đồng).

Nếu Chính phủ đồng ý cho TP.HCM áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất thì việc xác định giá đất sẽ nhanh hơn, và các doanh nghiệp có thể tự tính toán được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.

Tuy nhiên, ngày 26/5/2022 Bộ Tài Nguyên – Môi trường có Công văn số 2851/BTNMT-TCQLĐĐ. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chưa đủ cơ sở pháp lý để áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất cho mọi trường hợp. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận ý kiến này để tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các Nghị định thi hành Luật Đất đai hợp lý và hiệu quả trong công tác quản lý đất đai.

“Riêng nội dung mà doanh nghiệp muốn lập phương án trước để thực hiện việc khi đầu tư khai thác các khu đất có dự phòng chi phí thì hiện nay thành phố đã có bản giá về hệ số… Theo tôi doanh nghiệp cứ đưa nội dung này vào dự phòng để khi lập các phương án sử dụng khu đất, tôi thấy rằng các nội dung về chính sách mà doanh nghiệp liên quan đến tiền sử dụng đất thành phố đã có đầy đủ. Mong rằng các doanh nghiệp quan tâm tham khảo và thực hiện - ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết them.

Liên quan đến việc tính giá trần cho thuê đất, Luật Đất đai không quy định việc xây dựng khung giá tối đa, tối thiểu để tính giá trần cho thuê đất. Tuy nhiên, để chủ động dự phòng tài chính khi xây dựng phương án đầu tư, doanh nghiệp có thể căn cứ Bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất để ước tính mức giá trần tiền thuê đất (hàng năm UBND TP ban hành Quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất).

TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp ở lĩnh vực xây dựng - Ảnh 1.

Cử tri kiến nghị quan tâm đến nhiều vấn đề liên quan đến tháo điểm nghẽn về tiền sử dụng đất và tháo dỡ chung cư cũ xuống cấp.

Triển khai giải pháp di dời chung cư xuống cấp

Đề cập đến giải pháp của chính quyền đối với các nhóm chung cư cũ hạng D tại khu vực các quận nội thành còn khá nhiều, được chính quyền kêu gọi đầu tư từ nhiều năm qua, thực tế việc vận động di dời và khai thác rất chậm, không đạt hiệu quả. TP cần phải có giải pháp mạnh hơn nhằm đảm bảo an toàn người dân cũng như chỉnh trang bộ mặt đô thị, tạo nguồn cung nhà ở mới cho người dân.

Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Hiện nay, TP đã có kết quả kiểm định 16 chung cư cấp D được xây dựng trước năm 1975. Trong năm 2023, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành liên quan thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương cũng như tham mưu cho UBND Thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Qua đó, rà soát và điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 tại các khu vực xây dựng lại nhà chung cư; phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và quy mô dân số phù hợp, đảm bảo tính khả thi nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện. Hiện UBND TP.HCM đã chỉ đạo tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hoặc khu chung cư để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thông qua hội nghị nhà chung cư.

Theo ông Khiết, Nhà nước sẽ tổ chức di dời các hộ dân tại các chung cư có diện tích nhỏ, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc không đảm bảo tính khả thi để đầu tư xây dựng lại nhà chung cư để bố trí tái định cư các địa điểm khác; vị trí khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi chức năng quy hoạch và chức năng sử dụng đất phù hợp để tổ chức đấu giá theo quy định.

Đối với khoảng 246 chung cư cấp B, C xây dựng trước năm 1975 chưa được sửa chữa trong giai đoạn 2016-2020, TP sẽ tiếp tục bố trí ngân sách để sửa chữa nhằm giữ cho chung cư không bị hư hỏng, xuống cấp thêm, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân đang cư ngụ tại chung cư và chỉnh trang đô thị.

“UBND Thành phố đã và tiếp tục sẽ chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kiên trì tuyên truyền, vận động người dân đang cư ngụ tại các chung cư cấp D đồng thuận di dời, tạm cư, tái định cư đến quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước mà Thành phố đã chuẩn bị hoặc quỹ nhà do chủ đầu tư chuẩn bị để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, nhằm nhanh chóng triển khai dự án theo quy định” - ông Huỳnh Thanh Khiết nói.

Theo Nguyễn Quang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên