TP.HCM không có chủ trương “xóa sổ” khu công nghiệp nào
Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đóng góp hơn phân nửa kim ngạch xuất khẩu của Thành phố. (Ảnh: Lệ Hằng)
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, thành phố không có chủ trương bỏ hay “xóa sổ” khu chế xuất - khu công nghiệp nào, mà định hướng chuyển đổi cho phù hợp, đồng thời bổ sung, định hướng cho các khu chế xuất-khu công nghiệp mới.
- 06-08-2022Chi phí sinh hoạt ở Việt Nam đứng thứ mấy về mức độ đắt đỏ trên thế giới?
- 01-08-2022Tập đoàn điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới đề xuất đầu tư 2 dự án điện gió hơn 380.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận
- 29-07-2022Nhóm dân số giàu nhất ở Bình Dương, TP. HCM, Hà Nội... có thu nhập bình quân bao nhiêu?
TP.HCM không có chủ trương bỏ hay “xóa sổ” khu chế xuất, khu công nghiệp nào. Đó là khẳng định của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP tại hội thảo lấy ý kiến về Đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất-khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040 diễn ra chiều nay (11/8). Hội thảo do UBND TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo UBND thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia và nhà khoa học.
Hiện nay, TP.HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với diện tích 4.000 ha. Các khu này hoạt động rất hiệu quả, đóng góp tỷ trọng lớn trong công nghiệp và xuất khẩu của Thành phố.
Tuy nhiên, để đánh giá lại toàn diện những mặt được và chưa được của mô hình này, TP đang xây dựng Đề án Định hướng phát triển các Khu chế xuất-Khu công nghiệp TPHCM giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040.
Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp được thành lập thời kỳ đầu những năm 1990 - hơn một nửa thời hạn hoạt động của dự án. Một số khu cũng bộc lộ những hạn chế, đó là chưa đảm bảo phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Một số khu ngành nghề thâm dụng lao động còn cao, giá trị thu hút còn thấp. Nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động được một nửa chu kỳ dự án nên ngại đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian còn lại ngắn, có dự án còn chưa tới 20 năm.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp mong muốn thành phố sớm có phương án định hướng phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu; có lộ trình, chính sách chuyển đổi khu chế xuất - khu công nghiệp để các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao an tâm đầu tư dài hạn; các doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ cũ, lạc hậu phải có kế hoạch đổi mới công nghệ; cũng như tiếp tục thu hút những dự án mới phù hợp quy hoạch, định hướng của Thành phố vào khu chế xuất, khu công nghiệp.
Hầu hết ý kiến tại hội thảo đều mong muốn TP.HCM giữ lại các khu chế xuất-khu công nghiệp, đặc biệt là Khu chế xuất Tân Thuận khi thời hạn còn lại rất ngắn.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, thành phố không có chủ trương bỏ hay “xóa sổ” khu chế xuất - khu công nghiệp nào, mà định hướng chuyển đổi cho phù hợp, đồng thời bổ sung, định hướng cho các khu chế xuất-khu công nghiệp mới.
VOV