TPHCM lấy tiền đâu để xây dựng đô thị sáng tạo?
Để hình thành đô thị sáng tạo, TPHCM phải đổi mới nhanh chóng, mà trước hết là nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo cho đến từng người dân.
Để hiện thực hóa một thành phố phát triển toàn diện, đầu tàu; TP.HCM đã đề ra 7 chương trình mang tính đột phá. Trong đó, đề án Đô thị sáng tạo được xây dựng từ năm 2017 được coi là một hạt nhân khởi điểm cho việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để sớm biến khát vọng thành hiện thực, thành phố mang tên Bác đã huy động mọi nguồn lực, trí tuệ trong và ngoài nước và đã nhận được nhiều đóng góp quan trọng.
Đề án Đô thị sáng tạo được coi là một hạt nhân khởi điểm cho việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của TPHCM. Ảnh: KT.
Đồng tình với quan điểm xây dựng các khu đô thị vệ tinh, mang bản sắc riêng như khu đô thị đại học với hơn 80.000 sinh viên, 4.000 tiến sĩ là nền tảng phát triển sự sáng tạo cũng như nghiên cứu khoa học công nghệ; khu trung tâm tài chính ở quận 2; nhưng Tiến sĩ Ngô Đức Thanh Sơn – Việt kiều Mỹ cho rằng: cần xây dựng mối liên kết kinh tế và cộng đồng.Khi thực hiện đề án đô thị sáng tạo, TPHCM đã có những bước đi thận trọng nhưng quyết liệt. Bằng việc chọn quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức – là nơi chiếm 10% dân số, 10% diện tích nhưng mức độ phát triển khoa học công nghệ lại chiếm tới 60%, với hy vọng đây sẽ là hạt nhân của sự phát triển. Tuy nhiên, để quản lý, thu hút nguồn lực chất lượng cao, thu hút đầu tư vào đây như thế nào cho hiệu quả vẫn đang là vấn đề cần đặt ra và không thể giải quyết được ngay một sớm, một chiều.
Trong quy hoạch khu đô trung tâm tài chính, cần tính đến sự tương quan với trung tâm hiện hữu. Có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư sang bên kia sông Sài Gòn để xây dựng nhà cao tầng ở Thủ Thiêm. Đồng thời, cần nghiên cứu triển khai khu đô thị Logicstic Cát Lái để không chỉ biến nơi đây thành điểm cung cấp hàng hóa cho thành phố và các vùng lân cận bằng việc kết nối với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ mà còn giải quyết được bài toán kẹt xe đang bức bối hiện nay ở đây.
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Thanh Sơn, nếu rút ngắn được thời gian kết nối giữa trung tâm mới và trung tâm hiện hữu thì lúc đó, người dân và nhà đầu tư sẽ quy tụ ở đô thị sáng tạo. Có dân, có nhà đầu tư, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán kinh phí xây dựng.
“Cho dù chúng ta đang vạch ranh giới quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức là ranh giới quy hoạch khu đô thị phía Đông nhưng ranh giới nghiên cứu phải vượt qua ranh giới hành chính, vì nếu không sẽ bó hẹp sự phát triển của cộng đồng này. Ví dụ như khu trung tâm TPHCM nếu như quy hoạch Thủ Thiêm mà tách rời quy hoạch hiện hữu thì không thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà cao tầng ở Thủ Thiêm đâu. Sắp tới thành phố quy hoạch lại khu trung tâm tôi khuyến cáo hai quy hoạch này nên nhập làm một”, ông Sơn nêu kiến nghị.
Xây dựng một đô thị sáng tạo là tạo ra một khu vực đáng sống, là trung tâm phát triển nền kinh tế hiện đại, cho nên trung tâm đó không chỉ hình thành dựa trên không gian địa lý mà cần phải xây dựng một mạng lưới với hệ thống sinh thái của sự sáng tạo. Trong hệ thống đó, chỉ tồn tại một cơ chế linh hoạt.
Bởi vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Dũng – Việt kiều Singapore, để đô thị sáng tạo phát triển thì đồng hành với nó là một đô thị hành động. Lấy ví dụ về đặc khu kinh tế Thượng Hải, ông cho biết, họ có chính sách về tài chính, chính sách về thuế rất đặc biệt, toàn bộ nguồn lực quốc gia dồn vào đó. Cho nên, với đô thị sáng tạo của TPHCM, cần có một quy chế đặc biệt.
Ông Dũng đề nghị, nên giao cho một công ty thuộc UBND thành phố vận hành, thì việc quản lý đô thị này sẽ linh hoạt hơn, cởi mở hơn: “Chúng ta cần phải có cái định vị, tôi cho rằng, thành phố là điểm sáng nhất và ổn định về lịch sử một xã hội mở, thân thiện, tôi gọi đó là thành phố mở. Chữ mở này có nhiều ý nghĩa: lòng người mở, chính quyền mở, dữ liệu mở, đô thị mở, cửa ngõ mở của Đông Nam Á, và kết nối toàn cầu. Và chữ mở ở đây là của con người và chữ mở về thị trường”.
Thành phố Incheon (Hàn Quốc) cũng từng đi theo mô hình phát triển đô thị sáng tạo như TPHCM hiện nay, với 3 khu vực hình thành ban đầu. Ảnh: KT. |
Với kinh nghiệm 15 năm sinh sống tại Hàn Quốc, Giáo sư Trần Hải Linh – Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, thành phố Incheon cũng từng đi theo mô hình phát triển đô thị sáng tạo như TPHCM hiện nay, với 3 khu vực hình thành ban đầu. Từ những vùng bờ biển không có giá trị kinh tế, sau khi san lấp để xây dựng, với chiến lược xây dựng mô hình hợp tác công tư; đến nay đã trở thành đô thị sáng tạo tiêu biểu của Hàn Quốc.
Tiến sĩ Hải Linh đề nghị: Để thành công trong xây dựng đô thị sáng tạo, TPHCM cần thành lập Ủy ban tư vấn đô thị mà đứng đầu là lãnh đạo thành phố cùng với sự tham gia của các sở, ngành, lãnh đạo các viện nghiên cứu, các trường đại học; tập trung một số chuyên gia trí thức doanh nhân tiêu biểu để có những đóng góp cần thiết. Đồng thời, đưa ra các giải pháp tầm trung hạn, ngắn hạn và dài hạn, những kế hoạch đi tắt đón đầu; xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển tài năng, chiến lược sáng tạo trên những lĩnh vực cụ thể; cũng như chiến lược trong ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo.
“Chính quyền đóng vai trò quan trọng và chất xúc tác ban đầu trong tạo nguồn vốn, chính sách để phát triển đô thị sáng tạo, và người lĩnh ấn tiên phong là kiều bào, nhà trường, viện nghiên cứu để phối hợp nghiên cứu và những sản phẩm tạo ra phải đưa lại giá trị kinh tế cao”, ông Linh nhấn mạnh.
Đề án đô thị sáng tạo là chủ trương lớn, là một phần cấu thành của thành phố thông minh, sản phẩm của nó là tri thức mới, dịch vụ mới và con người với kỹ năng mới. Trải qua gần 2 năm, đề án này vẫn để lại cho lãnh đạo TPHCM nhiều băn khoăn, trăn trở cả về khái niệm, công nghệ và giải pháp sử dụng con người.
Nhưng đối với nguồn kinh phí xây dựng đô thị sáng tạo thì Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Nhà nước phải định hướng và làm cùng doanh nghiệp ngay từ khâu quy hoạch, lên kế hoạch và thực thi cũng doanh nghiệp. Nói nôm na là hợp tác công tư ngay từ đầu. Còn tiền ở đâu, tiền Nhà nước một phần và tiền doanh nghiệp sẽ mang đến, mình làm tốt thì họ sẽ bỏ tiền đầu tư. Bài học từ Hà Lan, những công trình hạ tầng công cộng Nhà nước góp một phần còn lại doanh nghiệp họ bỏ tiền vào đó”.
Việc xây dựng đô thị sáng tạo không còn là mới trên thế giới, nhưng đối với một thành phố năng động nhất nước như TPHCM, thì đây là một việc làm mang tính bước ngoặt.
Để hình thành một đô thị sáng tạo, thành phố phải chấp nhận đổi mới nhanh chóng, mà trước hết là nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo cho đến từng người dân. Quá trình xây dựng đô thị sáng tạo chắc chắn còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhưng nếu không dũng cảm đổi mới và triển khai quyết liệt từ trên xuống dưới, thì Việt Nam chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ có được đô thị sáng tạo như yêu cầu đặt ra./.
VOV