TP.HCM sẽ sớm báo cáo Thủ tướng về tình hình đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản
Nhiều dự án trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các chủ đầu tư cũng trở nên nhộn nhịp.
Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, trong nửa đầu năm 2019, TPHCM có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Đồng thời, có thêm 137 lượt dự án với tổng vốn đăng ký thêm 285 triệu USD. Ngoài ra, còn có 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 2,27 tỉ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI vào TPHCM đạt hơn 3 tỉ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới. Tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; ngành thương nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo…
Bên cạnh những dự án được cấp phép mới, trong nửa đầu năm, TPHCM cũng có 73 dự án chuyển đi tỉnh, thành khác, giải thể và rút phép trước thời hạn với tổng vốn đầu tư 77,2 triệu USD.
Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do UBND TPHCM tổ chức, một số ý kiến băn khoăn về việc vì sao vốn ngoại đổ vào TPHCM đứng đầu các lĩnh vực nhưng số lượng dự án lại sụt giảm mạnh, nguồn cung suy giảm?
Lý giải vấn đề này, lãnh đạo Cục Thống kê TPHCM cho rằng bất động sản là lĩnh vực đặc thù, từ khi đăng ký cấp phép, được cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án cần nhiều thời gian, thậm chí vài năm… Do đó, việc vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản TPHCM cần độ trễ để triển khai thành dự án và không có mâu thuẫn với tình hình thực tế quy mô, nguồn cung sụt giảm trên thị trường này.
Thị trường bất động sản Việt Nam 2019 bắt đầu với thương vụ M&A của tập đoàn Keppel Land tại dự án Đồng Nai Waterfront.
Theo đó, Keppel Land sẽ bán lại 70% cổ phần tại dự án Đồng Nai Waterfront City cho tập đoàn Nam Long với tổng số tiền là 2.313 tỷ VNĐ (tương đương 100,57 triệu USD). Tập đoàn Keppel Land và tập đoàn Nam Long sẽ cùng phát triển khu dân cư rộng 170 ha tọa lạc tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai.
Keppel Land gần đây cũng đã công bố thông tin về việc mua lại ba khu đất tại TP.HCM. Thông qua công ty con, tập đoàn Keppel Land đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện với tập đoàn bất động sản Phú Long cho 60% cổ phần của toàn khu đất, với tổng số tiền đầu tư là 1.304 tỷ đồng.
Tổng diện tích của ba khu đất là 6,2 ha, thuộc huyện Nhà Bè, mỗi khu đất cách nhau 400 mét và nằm dọc theo tuyến đường huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ. Chủ đầu tư có kế hoạch phát triển khu đất với 2.400 căn hộ cao cấp và nhà phố thương mại, dự án sẽ cung cấp khoảng 14.650m2 không gian thương mại cho khu vực. Tổng chi phí phát triển cho dự án, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến sẽ hơn 7.400 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Lotte FLC, một liên doanh giữa tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của tập đoàn Lotte), đã được thành lập với số vốn điều lệ là 556,5 tỷ đồng để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Cục quản lý Đăng kí Kinh doanh.
Công ty Lotte Land sẽ sở hữu 60% cổ phần của công ty Lotte FLC và phần còn lại sẽ do tập đoàn FLC và các công ty con nắm giữ. Theo các nguồn tin trên các phương tiện truyền thông, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chia sẻ tại cuộc họp cổ đông gần đây rằng liên doanh được thành lập nhằm mục đích phát triển một khu đất rộng 6,4 ha tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Gần đây, thực trạng nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, thất bại ngay trên sân nhà trước làn sóng doanh nghiệp bất động sản ngoại đổ vào Việt Nam.
Về vấn đề này, UBND TPHCM vừa cho biết sẽ sớm nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.