MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM và Đà Nẵng đón nhận dự án hàng chục triệu đô la

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 dự án lớn giá trị hàng chục triệu đô la đối với TP.HCM và TP. Đà Nẵng.

Phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Dự án nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng dọc theo hành lang ưu tiên cao ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng vốn và nguồn vốn của Dự án là 10,77 triệu USD, trong đó, 10,5 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) ủy thác WB quản lý, vốn đối ứng 0,27 triệu USD (tương đương 5,955 tỷ đồng).

Dự án sẽ quy hoạch phân khu từng quận huyện dọc hành lang và thiết kế đô thị dọc hành lang được điều chỉnh phù hợp tạo điều kiện cho việc thực hiện quy hoạch phát triển theo định hướng TOD (định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở phát triển đô thị); một cơ chế khuyến khích thành phần tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông công cộng được xây dựng; khung pháp lý và quy định nhằm phát triển đô thị tinh gọn, bền vững, tập trung quanh trạm dừng giao thông công cộng khối lượng lớn trên nguyên tắc TOD.

Bên cạnh đó, không gian công cộng điển hình được xây dựng dọc hành lang nhằm tăng tính thu hút của hệ thống BRT và việc phát triển đô thị xung quanh trạm dừng BRT; số lượng hành khách sử dụng hệ thống xe buýt nhanh tăng từ 24.700 hành khách/ngày lên thành 27.000 hành khách/ngày tại thời điểm năm thứ 5 sau khi bắt đầu dự án và từ 27.000 hành khách/ngày lên 29.000 hành khách/ngày vào năm thứ 6.

Dự án được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020. UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản Dự án.

Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh danh mục Dự án “Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng” (Dự án), vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Cụ thể, chi phí xây lắp tăng 78,8 triệu USD, trong đó:

1- Cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải (tăng 49,89 triệu USD) để điều chỉnh, mở rộng mạng lưới thoát nước mưa và nước thải nhằm đảm bảo thoát nước đồng bộ cho khu vực Dự án; mở rộng công suất trạm xử lý nước thải Hòa Xuân; xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải lưu vực cửa xả Mỹ Khê, Mỹ An để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở bờ biển phía Đông - khu vực du lịch trọng điểm của thành phố.

2- Hệ thống xe buýt nhanh - BRT (tăng 8,54 triệu USD) để hiệu chỉnh kiến trúc hệ thống, cập nhật lại giá trị dự toán của hệ thống vé và hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhằm phù hợp với sự phát triển trong tương lai và có khả năng tích hợp cho toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thành phố Đà Nẵng; đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, mở rộng các hệ thống vé và hệ thống ITS cho 05 tuyến xe buýt đô thị; tổ chức lại giao thông tại một số nút quan trọng trên hành lang tuyến BRT nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và đảm bảo hệ thống được vận hành theo đúng thiết kế.

3- Các tuyến đường giao thông đô thị chiến lược (tăng 20,42 triệu USD) để bổ sung tuyến đường ĐH 2 với vai trò là đường gom, kết nối mạng lưới đường đô thị phía Tây thành phố với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.

Chi khác và dự phòng tăng 7,34 triệu USD.

Tổng mức đầu tư của Dự án tăng 86,185 triệu USD (Tổng mức đầu tư của Dự án sau điều chỉnh là 358,32 triệu USD), trong đó: Vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc Nhóm WB tăng 72,52 triệu USD; vốn đối ứng tăng 13,665 triệu USD, do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tự cân đối, bố trí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Theo N.K

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên