TPHCM xin ý kiến Long An, Đồng Nai để vận hành dự án chống ngập 10.000 tỷ
TPHCM xin ý kiến 2 tỉnh Đồng Nai và Long An về quy trình vận hành và tác động của dự án tới mực nước các con sông, sau khi nhà đầu tư hoàn thiện quy trình vận hành siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
- 11-11-2023Chủ tịch Quốc hội: Quy mô kinh tế Hà Nội ngày càng lớn
- 11-11-2023Thêm gánh nặng khi điện tăng giá
- 11-11-2023Kinh tế tăng tốc cuối năm, điểm tựa cho tăng trưởng 2024
UBND TPHCM vừa xin ý kiến các tỉnh Đồng Nai, Long An về quy trình vận hành dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 - công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng.
Theo TPHCM UBND, hiện nay, nhà đầu tư của siêu dự án chống ngập nói trên đã hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống và vận hành các cụm công trình. Để có cơ sở vận hành, UBND TPHCM chuyển hồ sơ và đề nghị tỉnh Đồng Nai, Long An xem xét, góp ý về quy trình vận hành.
Đồng thời, UBND TPHCM cũng xin ý kiến về việc ảnh hưởng của công trình khi vận hành tới mực nước trên sông Soài Rạp, sông Chợ Đệm - Bến Lức thuộc địa giới hành chính giữa TPHCM, Đồng Nai, Long An.
Được biết, đây là dự án trọng điểm của thành phố, góp phần hoàn thành chương trình đột phá "Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng". Dự án được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TPHCM.
Dự án được khởi công từ giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại nhiều lần. Chủ đầu tư báo cáo, có 4/6 cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đã đạt tiến độ trên 90%, 2 cống còn lại đạt trên 80%.
Trong lần trả lời cử tri ngày 10/10 vừa qua, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin dự án chống ngập 10.000 tỷ gặp nhiều vướng mắc và thành phố đã tập trung nhiều công sức để tháo gỡ.
Tuy nhiên, dự án phải dừng sau một thời gian khởi động trở lại, do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Đến nay, khối lượng chung của dự án đã hoàn thành trên 90%, chỉ còn lại 10% và cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thành công việc còn lại.
"Thành phố đã đề xuất có cơ chế thanh toán sớm từ phía địa phương để nhà đầu tư hoàn thành công trình. Tuy nhiên hiện tại, do dự án chưa hoàn thiện để nghiệm thu nên chưa có cơ sở để chi", ông Phan Văn Mãi nói.
Tiền phong