MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án Trầm Bê, Phạm Công Danh

07-02-2018 - 08:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Xét thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, Hội đồng xét xử đã tuyên bố hoàn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Sáng nay, theo kế hoạch, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ bước vào tuyên án sau một tháng xét xử.

Tuy nhiên, xét thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, thiếu chứng cứ để chứng minh theo quy định luật dân sư và không thể bổ sung tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử đã tuyên bố hoàn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Các vấn đề được yêu cầu làm rõ bao gồm:

Một là, qua quá trình xét hỏi công khai tại toà, các bị cáo là cán bộ của các ngân hàng khác khẳng định không quen biết Phạm Công Danh, chỉ biết các công ty do VNCB và Phạm Công Danh giới thiệu, không biết mục đích vay tiền thực tế và sau khi vay được, dòng tiền đổ về cho Phạm Công Danh. Các bị cáo này có lỗi chưa tuân thủ đúng quy trình, nhưng không cố ý giúp sức cho Phạm Công Danh. 

Hai là, bị cáo Trầm Bê khăng khăng cho rằng cùng hành vi như nhau tại 3 ngân hàng, nhưng chỉ mình bị cáo bị truy tố. Trầm Bê cho rằng việc cho vay như vậy là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật cũng như quy trình của ngân hàng. Bị cáo Trầm Bê nói chỉ phê duyệt chủ trương, không biết mục đích thật của Phạm Công Danh và các doanh nghiệp giả mạo hồ sơ vay tiền. Bị cáo không biết mục đích vay tiền, thực tế bị cáo Danh dùng tiền làm gì, do đó không thể buộc bị cáo đồng phạm tội cố ý làm trái. Sai sót chỉ là vấn đề nghiệp vụ của cấp dưới. Bị cáo không phục cáo buộc của Viện kiểm sát, đề nghị xem xét, làm rõ vấn đề này. 

Hai nội dung trên, HĐXX đề nghị VKS đánh giá một cách khách quan, đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm. 

Ba là, đối với các bị cáo là cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định, qua thẩm vấn, tranh tụng tại toà, đại diện Viện KSND xác định lại các bị cáo vi phạm một điều khoản khác với nội dung cáo trạng truy tố. Cần xác định lại để có căn cứ xét xử phù hợp, đúng người, đúng tội. 

Bốn là, trong quá trình xét hỏi, có ý kiến cho rằng bị cáo Danh và đồng phạm có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Qua xét xử công khai, xác định bị cáo Danh có dùng tiền vay vốn của ba ngân hàng để trả nợ, trả lương nhân viên, nâng vốn điều lệ… Vì vậy cần điều tra bị cáo Danh có chiếm đoạt tài sản hay không, chiếm đoạt vào thời điểm nào và chiếm đoạt bao nhiêu? 

Năm là, trong phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị thu hồi số tiền 6.126 tỷ của 3 ngân hàng để trả lại cho VNCB, vì đây là tiền vật chứng, đồng thời đề nghị làm rõ dòng tiền vay các ngân hàng, nếu là vật chứng thì thu hồi. 

Về vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng có ý kiến cho rằng nếu thu hồi theo yêu cầu của VKS sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng. HĐXX xét thấy cần làm rõ chính xác hơn 6.126 tỷ đó vi phạm quy định nào, trên cơ sở đó xác định rõ vật chứng đó là của hành vi cố ý làm trái nào của Phạm Công Danh, bị truy tố cụ thể trong vụ án nào?

Sáu là, Phạm Công Danh và các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét 4.500 tỷ chuyển về VNCB để tăng vốn điều lệ, đây là tiền vay từ ba ngân hàng nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Số tiền này, theo tài liệu có thể hiện đã chuyển về VNCB, được VNCB sử dụng. Vậy Phạm Công Danh có hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ hay không, cần xác định rõ xem số tiền là bao nhiêu.


Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên