MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trả lương thử việc 8 triệu, nhận câu trả lời ‘xách xe máy chạy Grab cũng được 12 triệu', ông Hoàng Nam Tiến phân tích bằng bức tranh tương lai 5 năm tới

25-10-2023 - 14:00 PM | Lifestyle

“Hãy tiếp tục xách xe máy và chạy Grab, 5 năm nữa cuộc sống của bạn vẫn thế, nhìn ra phía trước chỉ có đuôi xe người khác. Còn bạn chấp nhận 8 triệu thử việc và nỗ lực mỗi ngày, tự học mỗi ngày, nếu không quá kém cỏi, chỉ mấy năm sau thôi, lương của các bạn phải 30 triệu”, Phó Chủ tịch Hội đồng trường FPT Hoàng Nam Tiến phân tích.

Trả lương thử việc 8 triệu, nhận câu trả lời ‘xách xe máy chạy Grab cũng được 12 triệu', ông Hoàng Nam Tiến phân tích bằng bức tranh tương lai 5 năm tới - Ảnh 1.

"Tại sao phải đi làm văn phòng lương khởi điểm chỉ 7 - 8 triệu vừa vất vả lại áp lực, trong khi nhiều bạn đi chạy xe ôm công nghệ thu nhập ngay lập tức đã 12 – 2x triệu?" Một bạn sinh viên đặt câu hỏi tại talkshow “GenZ -Job chuẩn từng mili” do trường Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức.

Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường FPT – cho biết ông từng trực tiếp trả lời câu hỏi này. Người đặt câu hỏi khi ấy là một chàng trai học hành rất tử tế, giỏi giang, tự tin.

“Khi tôi nói ‘lương thử việc của cháu tháng đầu tiên 8 triệu’. Cậu ta bảo: ‘Bác nói đùa à? Bây giờ cháu xách xe máy ra đường cũng kiếm được 12 triệu đồng. Cháu làm Grab’”, ông Tiến kể.

"Tôi rất trân trọng công việc của những người làm Grab, vì họ thay đổi hoàn toàn xã hội của chúng ta. Từ xe ôm lên Grab là một bước tiến rất lớn. Tôi nói ‘OK. Con hãy cầm xe và tiếp tục chạy Grab. 5 năm nữa, lương của con vẫn 12 triệu đồng’".

Trả lương thử việc 8 triệu, nhận câu trả lời ‘xách xe máy chạy Grab cũng được 12 triệu', ông Hoàng Nam Tiến phân tích bằng bức tranh tương lai 5 năm tới - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Còn với người chấp nhận lương thử việc 8 triệu đồng của ngày hôm nay, ông Tiến nhận định 5 năm nữa, nếu không nhận được mức lương 30 triệu đồng thì chứng tỏ bạn ấy quá kém cỏi.

“Sau 5 năm, ít nhất lương của người đó phải trên 30 triệu đồng. Đó là sự khác biệt của việc chấp nhận học trong doanh nghiệp. Chúng ta sẽ trưởng thành nhanh chóng và không hài lòng với những gì mình đang có!".

“Bạn nào nói vậy thì câu trả lời rất rõ: Hãy tiếp tục xách xe máy và chạy Grab đi, 5 năm nữa cuộc sống của bạn vẫn thế, nhìn ra phía trước chỉ có đuôi xe người khác. Còn bạn chấp nhận 8 triệu thử việc và nỗ lực mỗi ngày, tự học mỗi ngày, nếu không quá kém cỏi, chỉ mấy năm sau thôi, lương của các bạn phải 30 triệu”, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Thường xuyên nhảy việc, đổi ngành cũng được, chỉ cần có năng lực tự học thì ngành nào cũng có thể trải nghiệm

Trả lương thử việc 8 triệu, nhận câu trả lời ‘xách xe máy chạy Grab cũng được 12 triệu', ông Hoàng Nam Tiến phân tích bằng bức tranh tương lai 5 năm tới - Ảnh 3.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Hoàng Nam Tiến một lần nữa khẳng định năng lực quan trọng nhất các bạn genZ cần sở hữu trong giai đoạn tới là “tự học suốt đời”. Ông Tiến lý giải cứ 6 tháng, 1 năm, kiến thức trên thế giới lại nhiều lên, công nghệ lại thay đổi, quan điểm về nghề nghiệp lại khác trước. Bất kỳ một kiến thức nào học trong nhà trường cũng là không đủ với xã hội luôn thay đổi.

Trong bối cảnh ấy, việc “nhảy việc” đã trở thành chuyện bình thường với các bạn GenZ. Khác với các thế hệ trước tự hào có thể làm việc và cống hiến lâu dài cho một công ty, một tổ chức, ngày nay, các bạn genZ coi trọng trải nghiệm công việc đa dạng nhất có thể.

Thông thường cứ 2 – 3 năm các bạn genZ lại nhảy việc một lần, trong đó, có những bạn đổi luôn nghề. “Nhiều bạn đang làm ngành này lại đổi ngành khác. Không sao hết. Chỉ cần bạn có năng lực tự học, phát triển thích ứng tốt, thì ngành nào bạn cũng có thể trải nghiệm.”

Vì vậy việc quan trọng nhất của nhà trường không phải là truyền thụ kiến thức mà là năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển. “Triết lý đào tạo của nhà trường là chúng tôi có trách nhiệm tổ chức, xây dựng và hỗ trợ việc tự học của người học. Như vậy nếu các bạn thực sự là sinh viên từ FPT Polytechnic, năng lực tự học sẽ là công cụ nhà trường trang bị cho các bạn, giúp các bạn tồn tại suốt cả cuộc đời sau này”, ông Tiến khẳng định.

Theo ông Tiến, cùng với năng lực học tập suốt đời, tư duy độc lập và năng lực phản biện là một trong những kỹ năng quan trọng nhất giúp sinh viên sớm thăng tiến trong sự nghiệp.

“Thế hệ chúng tôi tự hào về chuyện mình là kẻ “ngoan cố” – ngoan ngoãn và cố gắng, bảo gì nghe nấy. Nhưng ngày nay, nếu muốn phát triển, bạn phải là những người biết cãi lại, chất vấn lại những quan điểm, kiến thức được học. Ngoan ngoãn và cố gắng là không đủ”.

“Trong một xã hội luôn thay đổi, tự duy độc lập, khả năng phản biện và lối sống khác biệt sẽ là điều cần thiết. Không có nó, các em sẽ trở thành những cá thể bình thường, nhạt nhòa, rất có thể trở nên tầm thường và sớm bị đào thải khỏi thị trường lao động”, ông Tiến nhắn nhủ.

Theo Bình An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên