Trái cây ĐBSCL lũ lượt tuột giá chạm đáy: Có cần một cuộc “giải cứu”?
Sau khi phản ánh xoài rớt giá thảm hại, tình hình tiêu thụ lại càng tệ hơn khi một số nơi, xoài chín rụng đầy vườn mà vẫn không có người mua. Thậm chí, nhiều loại trái cây khác cũng đua nhau trượt theo vết xe đổ khi đồng loạt rớt giá chạm đáy...
- 18-06-2018Nguy cơ "cuộc chiến trái cây" giữa Thái Lan và Indonesia
- 06-06-2018Dân Sài Gòn được mùa trái cây 'ngon bổ rẻ'
- 30-05-2018Vào mùa trái cây giá rẻ
Đồng loạt rớt giá chạm đáy
Về xã An Khánh (Châu Thành - Đồng Tháp) tìm hiểu tình hình tiêu thụ ổi, nhưng cảm giác như đi trong tiếng thở dài não lòng. Giá ổi đang rớt mạnh đã dồn đẩy nhà vườn đến bờ vực thua lỗ. Hiện ổi lê Đài Loan chỉ còn 500-600đ/kg, giảm 10 lần so với thời điểm đầu năm. Đây được xem là giá thấp kỷ lục trong nhiều năm gần đây.
Một đồng nghiệp đi cùng đã xót xa nói: Phải bán 20kg ổi mới uống được 1 ly càphê đá bình dân. Nhưng đó chỉ là so sánh chứ thực tế thì nhà vườn còn lòng dạ và tiền bạc nào để ra quán rung đùi càphê.
“Chi phí đầu tư cho mỗi ký ổi đã lên đến trên 2.000đ rồi, giờ bán 500đ...”. Bà Trần Thị Năm, chủ vườn ổi 0,3ha buông lửng câu nói rồi ngước mắt nhìn ra bầu trời đầy mưa như để cố giấu đôi mắt chực ứa lệ.
Bà không nói thêm, nhưng chúng tôi hiểu, đằng sau đó là cả nỗi niềm, thậm chí là hơn thế nữa. Bởi ngay cả khi chấp nhận bán với giá chạm đáy này, nhiều chủ vườn vẫn khó tìm được thương lái thu mua với số lượng lớn.
Không chỉ có ổi, mà nhiều loại trái cây khác cũng kéo nhau rớt giá. Bên cạnh giống bản địa như dưa hấu, chuối, khóm... còn có cả cây nguồn gốc ngoại nhập. Tại U Minh Thượng - thủ phủ chuối của tỉnh Kiên Giang - nhiều nhà vườn đã bỏ mặc chuối chín vàng cây vì “cú đúp” giá rớt - khó bán.
Ông Lâm Văn Phát - chủ vườn chuối - chia sẻ: “Giờ chỉ còn 1.500đ/nải. Đã vậy, thương lái còn ép khi đưa ra yêu sách: Chỉ tính tiền 5 nải/buồng. Vậy mà vẫn khó bán”.
Nhiều chủ vườn bỏ mặc vườn chuối. Người trồng dưa hấu cũng khó khăn chồng chất, bởi ngay cả khi mang ra tận chợ, người bán lẻ cũng chỉ bán với giá khoảng 3.000đ/kg.
Thê thảm hơn vẫn là mít giống Thái Lan, khi giá đang từ “thiên đường” đột ngột rớt xuống “địa ngục”. Chỉ 2 tháng trước, thương lái đổ nhau về tận vườn lùng sục từng nhà vườn để thu mua mít với giá 45.000-50.000đ/kg.
“Với giá này, nhà vườn thu vào không dưới 400 triệu đồng/ha” - ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Trạm TT-BVTV huyện Châu Thành - chia sẻ. Thế nhưng giờ đây, giá mít loại 1 (trên 10kg/trái) chỉ còn 10.000đ. Mít nhỏ hơn, chỉ còn 5.000đ/kg... Đặc biệt với xoài, tình hình ngày một tồi tệ.
Trong bài phản ánh trước, chúng tôi gióng lên hồi chuông “báo động” khi xoài cát chu ở Đồng Tháp chỉ còn 4.000đ/kg, thì giờ đây, nhiều nông dân ở An Giang, thiết tha muốn bán với giá 3.000đ/kg vẫn khó tìm được đầu ra. Nhiều lão nông ở xã miền núi huyện Tịnh Biên (xin được giấu tên) nói như xát muối vào lòng: “Cho bò ăn không hết, phải đào hố chôn”.
Chuyện là, sau thời gian treo trái chờ người mua. Lâu quá, xoài chín rụng khắp vườn. Lúc đầu, ông nhặt về cho bò ăn, nhưng chỉ vài ngày, xoài rụng nhiều, bò ăn không hết, ông phải gom lại rồi đào hố chôn.
Theo Th.S Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) - tới đây nhiều khả năng danh sách trái cây rớt giá sẽ điền tên nhiều loại trái cây cao cấp khác. “Hiện nay Thái Lan cũng đang vào mùa trái cây, và nhiều mặt hàng của họ giá rất rẻ, như sầu riêng khi đến Campuchia chỉ khoảng 24.000đ/kg...
Xoài chín rụng đầy vườn ở xã miền núi huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Lục Tùng
Phải gắn trồng với thị trường
Sau khi đặt câu hỏi với nhiều thương lái trái cây, chúng tôi nhận được câu trả lời có cùng “đáp số” về nguyên nhân nhiều loại trái cây đồng loạt rớt giá là do rơi vào thời điểm nhiều loại trái cây đang vào chính vụ nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn... Trong khi đó, tốc độ phát triển của cây ăn trái đang ở mức “nóng” nhưng lại không gắn với thị trường, càng khiến tình hình thêm nóng.
Trong lúc cơ quan chức năng các tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây ăn trái, nhưng hoàn toàn không đề cập và cũng như không hề đề cập đến nhu cầu tối thiểu ở đầu ra, như: Bán cho ai, vào thời điểm nào, nhu cầu thị trường ra sao... Còn nông dân thì vào cuộc với tâm thế “thấy ăn khoai, vác mai đi đào”.
Chỉ tính riêng huyện Châu Thành (Đồng Tháp), trong thời gian ngắn, tổng diện tích trồng mít đã lên đến trên 150ha. Với cây ổi, do dễ trồng, nhanh cho trái nên nông dân trồng ào ạt hơn...
“Điều này đồng nghĩa với việc ta tự làm thua chính mình ngay trên sân nhà. Trong khi đó, đây cũng chính là thời điểm mà nhiều đối thủ bên ngoài như Thái Lan có nhiều ưu thế cạnh tranh hơn trái cây Việt Nam cả về giá, chất lượng, cũng bước vào chính vụ thu hoạch, nên họ cũng tìm mọi cách xuất khẩu.
“Nói cách khác, trái cây Việt Nam thua đến hai lần” - ThS Tuyên nhấn mạnh thêm. Trong khi đó, trái cây của ta suốt mấy chục năm qua, chỉ quẩn quanh với mấy giống xưa cũ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu nhiều người trong nước và thị trường xuất khẩu. Điển hình như xoài, 30 năm qua cũng chỉ có mỗi cát Chu, Hòa Lộc. Do vậy, dù luôn tự hào là quốc gia nông nghiệp, nhưng nhiều mặt hàng trái cây của ta đã không đủ sức đứng vững trên sân nhà.
Trong khi đó, nhiều người Việt có mức thu nhập khá đã tìm cách “thay thế” mặt hàng cùng loại của Việt Nam vì bất an về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy theo Th.S Tuyên, tới đây cần chấn chỉnh công tác tái cơ cấu cây ăn trái theo hướng gắn khuyến khích trồng với thị trường một cách cụ thể về thời gian, khách hàng, chủng loại... tức định hướng cho từng loại mặt hàng, không nên để nông dân tự bơi như hiện nay. Có như vậy trái cây ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung mới có cơ hội tránh khỏi điệp khúc buồn: “Đến mùa mất giá” trước khi tính đến chuyện vươn lên, phát triển bền vững.
Lao động