MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái đất đang 'nghẹt thở' vì nhựa

08-09-2024 - 12:02 PM | Tài chính quốc tế

Thế giới thải ra 57 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, có từ các đại dương sâu nhất. Hơn 2/3 trong số đó đến từ Nam bán cầu.

Trái đất đang 'nghẹt thở' vì nhựa- Ảnh 1.

Đường ray xe lửa đầy rác thải nhựa và các vật liệu phế thải khác ở Mumbai, Ấn Độ. Nguồn: AP.

Báo động rác thải nhựa

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 4/9, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds ở Vương quốc Anh cho biết, lượng ô nhiễm mỗi năm đủ để lấp đầy Công viên Trung tâm của New York City, với núi rác thải nhựa cao ngang Tòa nhà Empire State. Họ đã kiểm tra rác thải được tạo ra ở cấp địa phương tại hơn 50.000 thành phố và thị trấn trên khắp thế giới.

Nghiên cứu này đã xem xét nhựa thải ra môi trường ngoài trời chứ không phải nhựa thải ra bãi rác hoặc được đốt đúng cách. Các tác giả của nghiên cứu cho biết, đối với 15% dân số thế giới, chính phủ không thu gom và xử lý rác thải - một lý do lớn khiến Đông Nam Á và châu Phi cận Sahara thải ra nhiều rác thải nhựa nhất.

Theo tác giả nghiên cứu Costas Velis - Giáo sư về kỹ thuật môi trường tại Leeds –Lagos (Nigeria), là thành phố thải ra nhiều rác thải nhựa nhất trong các thành phố được xem xét. Các thành phố gây ô nhiễm nhựa lớn khác là New Delhi (Ấn Độ); Luanda (Angola); Karachi (Pakistan) và Al Qahirah (Ai Cập).

Nghiên cứu cho thấy, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về lượng rác thải nhựa, sản xuất 10,2 triệu tấn mỗi năm, cao gấp đôi so với các quốc gia gây ô nhiễm lớn tiếp theo là Nigeria và Indonesia. Ông Velis cho biết, Trung Quốc đứng thứ tư nhưng đang có những bước tiến lớn trong việc giảm thiểu chất thải. Các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu khác là Pakistan, Bangladesh, Nga và Brazil. Theo dữ liệu của nghiên cứu, 8 quốc gia này chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng rác thải nhựa trên toàn cầu. Mỹ xếp thứ 90 về ô nhiễm nhựa với hơn 52.500 tấn và Vương quốc Anh xếp thứ 135 với gần 5.100 tấn.

Vào năm 2022, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý ký kết hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ở đại dương. Các cuộc đàm phán hiệp ước cuối cùng sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay tại Hàn Quốc.

Nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tập trung vào các loại nhựa bị đốt không đúng cách chiếm khoảng 57% lượng ô nhiễm hoặc chỉ bị đổ bỏ. Trong cả hai trường hợp, những hạt vi nhựa cực nhỏ, hay còn gọi là nanoplastic, chính là thứ biến vấn đề từ sự khó chịu về mặt thị giác ở các bãi biển và vấn đề của sinh vật biển thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người, ông Velis cho biết.

Một số nghiên cứu trong năm nay đã xem xét mức độ phổ biến của vi nhựa trong nước uống và trong mô của con người, chẳng hạn như tim, não và tinh hoàn, trong khi các bác sĩ và nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về vai trò của nó đối với các mối đe dọa đối với sức khỏe con người.

Ông Velis cho biết, phát tán là rất lớn, bởi hạt vi nhựa có mặt ở những nơi xa xôi nhất như đỉnh Everest, trong Rãnh Mariana ở đại dương, trong những gì chúng ta hít thở, ăn và uống. Ông Velis coi đây là “vấn đề của mọi người” và là vấn đề sẽ ám ảnh các thế hệ tương lai.

Theo ông Velis, không nên đổ lỗi cho các nước ở Nam bán cầu và tự mãn với những gì làm được ở Bắc bán cầu vì đó chỉ là sự thiếu hụt nguồn lực và khả năng của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho người dân.

Đánh giá nhiều góc độ

Các chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu lo ngại rằng, việc nghiên cứu tập trung vào ô nhiễm, thay vì sản xuất nói chung, sẽ khiến ngành công nghiệp nhựa thoát khỏi rắc rối. Bởi sản xuất nhựa thải ra một lượng lớn khí nhà kính góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

“Nghiên cứu này đã định nghĩa ô nhiễm nhựa theo cách hẹp hơn nhiều, thực chất chỉ là nhựa vĩ mô thải ra môi trường sau khi người tiêu dùng sử dụng. Điều này có nguy cơ khiến chúng ta mất tập trung vào thượng nguồn và nghĩ rằng, tất cả những gì chúng ta cần làm chỉ là quản lý chất thải tốt hơn. Điều này là cần thiết nhưng không phải là toàn bộ vấn đề” - ông Neil Tangri, Giám đốc khoa học và chính sách cấp cao tại GAIA, một mạng lưới toàn cầu gồm các tổ chức vận động làm việc về các sáng kiến không rác thải và công lý môi trường - cho biết.

Bà Theresa Karlsson - cố vấn khoa học và kỹ thuật của Mạng lưới loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế, đã gọi khối lượng ô nhiễm được xác định bởi nghiên cứu là đáng báo động và cho biết, điều này cho thấy lượng nhựa được sản xuất hiện nay là không thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, bà Karlsson cho rằng, nghiên cứu này đã bỏ qua tầm quan trọng của hoạt động buôn bán rác thải nhựa toàn cầu, trong đó các nước giàu chuyển rác thải sang các nước nghèo. Nghiên cứu cho biết hoạt động buôn bán rác thải nhựa đang giảm, với việc Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải. Nhưng thực chất hoạt động buôn bán rác thải nói chung đang tăng lên và có khả năng cả rác thải nhựa cũng tăng theo. Bà Karlsson trích dẫn lượng chất thải xuất khẩu của EU tăng từ 110.000 tấn vào năm 2004 lên 1,4 triệu tấn vào năm 2021.

Ông Velis cho biết, lượng rác thải nhựa được giao dịch là có nhưng nhỏ. Và điều này nhận được sự đồng tình từ bà Kara Lavender Law - một Giáo sư về hải dương học tại Hiệp hội Giáo dục Biển, người không tham gia vào nghiên cứu dựa trên xu hướng rác thải nhựa của Mỹ. Bà Law đánh giá, đây là một trong những nghiên cứu toàn diện về rác thải nhựa.


Theo dự đoán của Liên hợp quốc, sản lượng nhựa có khả năng tăng từ khoảng 440 triệu tấn/năm lên hơn 1.200 triệu tấn/năm. Tổ chức này cũng đồng thời đưa ra cảnh báo cho rằng, “hành tinh của chúng ta đang nghẹt thở vì nhựa”.

Theo Hà Anh

Đại Đoàn Kết

Từ Khóa:
Trở lên trên