MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trải nghiệm 'nhớ đời' của quan chức FDIC tiếp quản 1 ngân hàng sụp đổ: Tiền ồ ạt chảy ra chứ không vào, lúc nào cũng 'bù đầu' với núi nợ khổng lồ

27-03-2023 - 21:05 PM | Tài chính quốc tế

Trải nghiệm 'nhớ đời' của quan chức FDIC tiếp quản 1 ngân hàng sụp đổ: Tiền ồ ạt chảy ra chứ không vào, lúc nào cũng 'bù đầu' với núi nợ khổng lồ

Sự sụp đổ của SVB và Signature khiến vị quan chức này nhớ lại thời kỳ khủng hoảng năm 2008, khi một ngân hàng "tầm cỡ" cũng "ngã ngựa".

John Bovenzi là thành viên của một nhóm nhỏ những người đã điều hành một ngân hàng sụp đổ của Mỹ. Số lượng thành viên của nhóm này đã tăng thêm 2 người trong tháng này, khi các nhà quản lý của Mỹ nỗ lực hỗ trợ Silicon Valley Bank và Signature Bank.

Năm 2008, Bovenzi - một nhân sự lâu năm của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), đã nhận trách nhiệm điều hành công ty cho vay thế chấp vừa sụp đổ - IndyMac. Trước SVB và Signature Bank, IndyMac là vụ ngân hàng sụp đổ lớn thứ 2 nước Mỹ, sau Washington Mutual.

Ông đã phát hiện ra một điều mà các giám đốc ngân hàng gần đây có thể sẽ đối mặt: Tiền gửi bị rút mạnh, nhưng dòng tiền gửi vào lại rất ít. Những nhân sự chưa rời đi đang tìm kiếm công việc khác. Một số nhân sự cấp cao phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề đã xảy ra và thậm chí có thể bị cơ quan chức năng thẩm vấn.

Trải nghiệm 'nhớ đời' của quan chức FDIC tiếp quản 1 ngân hàng sụp đổ: Tiền ồ ạt chảy ra chứ không vào, lúc nào cũng 'bù đầu' với núi nợ khổng lồ - Ảnh 1.

Ông John Bovenzi.

Giống IndyMac, cả SVB và Signature đều được FDIC tiếp quản. Song, một điểm khác là, FDIC thường tìm đến các giám đốc ngân hàng dày dạn kinh nghiệp khác để quản lý “mớ hỗn độn” này, ví dụ như Tim Mayopoulos - cựu CEO của Fannie Mae và Bank of America, hồi giữa tháng đã được bổ nhiệm là CEO của SVB. Tuy nhiên, mới đây, ngân hàng First Citizens đã mua lại SVB.

Khi IndyMac sụp đổ vì không thể bù lỗ cho các khoản vay mua nhà, FDIC không có đội ngũ giám đốc điều hành ngân hàng để hỗ trợ. Do đó, Bovenzi là người tiếp quản.

Ông Bovenzi và một nhóm quan chức của FDIC đã đến trụ sở chính của IndyMac ở Pasadena, California vào một ngày thứ Năm. Họ phải di chuyển đến các khách sạn khác nhau và tránh sử dụng giấy tờ tuỳ thân do chính phủ cấp vì không muốn cho công chúng biết ngân hàng này toàn là quan cức FDIC.

Khi nhóm FDIC đến văn phòng của IndyMac vào ngày hôm sau, Bovenzi cho biến ban quản trị của ngân hàng này không mấy ngạc nhiên. CEO của IndyMac thậm chí còn dọn dẹp văn phòng của mình từ trước.

Trải nghiệm 'nhớ đời' của quan chức FDIC tiếp quản 1 ngân hàng sụp đổ: Tiền ồ ạt chảy ra chứ không vào, lúc nào cũng 'bù đầu' với núi nợ khổng lồ - Ảnh 2.

Khách hàng của IndyMac xếp hàng để rút tiền gửi.

FDIC đã đóng cửa các chi nhánh của ngân hàng này ngày sau đó, tức là trước thời điểm kết thúc ngày làm việc ở Bờ Tây nước Mỹ. Điều này khiến truyền thông trở nên hỗn loạn, khách hàng đến khắp các chi nhánh của IndyMac đập cửa để đòi tiền.

Vào cuối tuần đầu tiên sau khi tiếp quản IndyMac, ưu tiên của nhóm FDIC là phân loại tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm, trước khi số lượng khách hàng được dự kiến sẽ tăng vọt vào ngày thứ Hai. Không như SVB và Signature, các cơ quan quản lý khi đó chỉ hỗ trợ tiền gửi được bảo hiểm và giới hạn ở mức 100.000 USD.

Bovenzi có một mục tiêu cấp bách khác. Đó là thông báo cho công chúng rằng các khoản tiền gửi được bảo hiểm là an toàn, thông qua các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông. Song, đó lại là một nhiệm vụ khó khăn khi công chúng quá lo lắng về IndyMac.

Một thách thức lớn khác với ông Bovenzi, khi đó 55 tuổi, là ông chưa từng làm việc tại một ngân hàng trên thực tế vì ông bắt đầu làm tại FDIC sau khi tốt nghiệp đại học. Ông cho biết, kiến thức về bảo hiểm tiền gửi khiến ông tin rằng mình có thể ổn định tình hình lúc bấy giờ.

Dẫu vậy, những lời trấn an của ông Bovenzi ban đầu không có hiệu quả. Ông nhớ lại: “Khi ngân hàng mở cửa vào sáng thứ Hai, khách hàng đã ồ ạt rút tiền. Tất cả các chi nhánh của IndyMac đều có người xếp hàng.”

Tháng 7 năm đó, thời tiết Pasadena rất nóng, nhưng ông Bovenzi vẫn mặc khoác trên mình bộ áo vest, thắt cà vạt một cách lịch thiệp. Ông bước ra ngoài trụ sở ngân hàng, nỗ lực thuyết phục mọi người rằng họ không cần phải xếp hàng. Không có ai phản ứng mạnh, nhưng họ cũng chẳng nhúc nhích.

Trải nghiệm 'nhớ đời' của quan chức FDIC tiếp quản 1 ngân hàng sụp đổ: Tiền ồ ạt chảy ra chứ không vào, lúc nào cũng 'bù đầu' với núi nợ khổng lồ - Ảnh 3.

Ông Bovenzi đang thuyết phục khách hàng của IndyMac.

Sau đó, ngân hàng đã phát số cho từng khách hàng để họ có thể quay lại rút tiền. Động thái này chỉ giúp xoá đi cảnh hàng dài người đứng chờ, không thể ngăn được dòng tiền gửi ồ ạt bị rút ra. Bovenzi cho biết, chỉ trong vài tuần đầu tiên, khách hàng đã rút khoảng 3 tỷ USD tiền gửi.

Cùng thời điểm ấy, các cơ quan quản lý đang nỗ lực giữ chân nhân viên và đưa ra các ưu đãi cho những nhân sự chấp nhận ở lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng được giữ lại khi văn phòng khởi tạo các khoản vay đã bị đóng cửa khi các nhà lãnh đạo tập trung vào các khoản thế chấp đang có.

Bovenzi cho hay: “Chúng tôi tạm dừng mảng cho vay mới, đó là vấn đề khiến ngân hàng này gặp vấn đề, để chuyển sang các khoản thế chấp dưới chuẩn.”

Bovenzi nhớ lại, khi là giám đốc mới của IndyMac, ông chuyển đến văn phòng của vị CEO cũ trên tầng 6, có nhiều tác phẩm nghệ thuật đắt tiền và view nhìn ra dãy núi San Gabriel. Ông không sử dụng chiếc xe Mercedes mà CEO lái, mà sau đó được thanh lý dưới dạng tài sản của IndyMac.

Phải đến tháng 3/2009, các cơ quan quản lý mới bán IndyMac. Ngay sau đó, Bovenzi rời FDIC và gia nhập Oliver Wyman, một công ty tư vấn quản lý. Hiện tại, gia đình ông điều hành một công ty tư vấn dịch vụ tài chính ở Alexandria, Virginia.

Với những vụ sụp đổ gần đây, Bovenzi cảnh báo về những “cú twist” đầy kịch tích. Ở IndyMac, Lehman Brothers từng là bên hỗ trợ tư vấn về thương vụ bán lại nhà cho vay này, nhưng ngay sau đó ngân hàng đã sụp đổ một cách bất ngờ.

Tham khảo WSJ 

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên