Trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2019 chủ yếu được dùng làm gì?
Tính từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 197.419 tỷ đồng TPCP được phát hành, cao hơn 19% so với cả năm 2018.
- 16-12-2019Vì sao nhà đầu tư cá nhân phải cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp?
- 10-12-2019Giao dịch thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 9.000 tỷ đồng/phiên
- 09-12-2019Ngân hàng, bất động sản tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu
Theo báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần của Trung tâm Phân tích & Tư vấn đầu tư thuộc công ty chứng khoán SSI vừa công bố, trong tuần đến ngày 13/12 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã dừng gọi thầu sau 4 tuần phát hành liên tiếp. Kho bạc Nhà nước (KBNN) gọi thầu 6.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 10,15 và 20 năm. Nhu cầu với kỳ hạn 10 và 15 năm khá cao và toàn bộ lượng gọi thầu được bán hết, đây cũng là 2 kỳ hạn được các NHTM ưa thích.
Lãi suất trúng thầu chững lại đà giảm trong vài phiên gần đây và nhích nhẹ 2 điểm cơ bản (bps) ở kỳ hạn 15 năm. Đối với kỳ hạn 20 năm, lượng đăng ký chỉ bằng 67% lượng chào bán và không phát hành thành công. Lãi suất đăng ký thấp nhất ở kỳ hạn 20 năm là 4,06%/năm, vẫn cao hơn mức lãi suất trúng thầu tại phiên gần nhất vào cuối tháng 11 là 4bps.
Tính từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 197.419 tỷ đồng TPCP được phát hành, cao hơn 19% so với cả năm 2018, chủ yếu là để tài trợ nguồn trả nợ gốc. Lượng TPCP tăng thêm (phát hành – đáo hạn) từ đầu năm đến nay thực chất giảm 28% so với cả năm 2018. Lượng phát hành các kỳ hạn 5 năm và 7 năm tiếp tục thu hẹp, chỉ khoảng 13,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 7% tổng lượng phát hành. Kỳ hạn trái phiếu trúng thầu bình quân tăng từ 12,15 năm trong 2018 lên 13,57 năm.
Năm 2020 có khoảng 128 nghìn tỷ đồng TPCP đến hạn (gồm cả 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ) – cao hơn 11,6% so với 2019. SSI Research cho rằng, nhu cầu đầu tư TPCP để tăng tài sản có thanh khoản của các NHTM và xu hướng nới lỏng tiền tệ sẽ khiến lãi suất TPCP rất có thể sẽ giảm tiếp trong 2020 nhưng mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều so với 2019 và nằm trong khoảng 30-50bps.
Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản liên ngân hàng giảm bớt đã khiến lãi suất nhích tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lợi tức TPCP các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 1,55%/năm, 1,82%/năm, 2,01%/năm, 3,51%/năm, 3,65% năm, 4,07%/năm và 4,49%/năm; tương ứng +6bps, -7bps, +3bps, +1bp, +2bps, +2bps và -1bp so với tuần trước.
Thanh khoản thị trường cải thiện với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với tuần trước trong đó giao dịch outright chiếm 58%. NĐTNN mua ròng mạnh tới 1.878 tỷ đồng sau 2 tháng giao dịch yếu và chủ yếu là bán ròng. Kỳ hạn được mua ròng chủ yếu là 25-30 năm, lên tới 1.988 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, NĐTNN đã mua ròng 15.153 tỷ đồng TPCP trên thị trường thứ cấp.