MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Nhiều kiến nghị gỡ khó, khơi thông bế tắc

14-09-2024 - 07:25 AM | Doanh nghiệp

Trước việc bổ sung các quy định giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp gỡ khó, khơi thông để thị trường phát triển.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia. Trong đó, việc sửa Luật Chứng khoán nói chung và quy định với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Không nên "siết" nhà đầu tư cá nhân

Đại diện một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội đề xuất không nên giới hạn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Thay vào đó nên đưa ra các quy định để nâng cao chất lượng trái phiếu, bảo đảm an toàn cho thị trường, ví dụ như yêu cầu về tài sản đảm bảo, bảo lãnh thanh toán của ngân hàng thương mại, yêu cầu có đánh giá độc lập của các cơ quan uy tín...

" Theo tôi, nên giữ nguyên các tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân như quy định hiện hành ", vị này nêu ý kiến.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Nhiều kiến nghị gỡ khó, khơi thông bế tắc- Ảnh 1.

Nhiều đề xuất nới lỏng điều kiện tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. (Ảnh minh họa).

Đại diện doanh nghiệp phân tích: Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn và không thể thiếu trên thị trường. Hiện tại, lực lượng này đang nắm gần 27% khối lượng trái phiếu, chỉ sau ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khoản 2 điều 1 dự thảo luật sửa đổi quy định, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp không được đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu không đáp ứng được các điều kiện gồm: Tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất; Thu nhập tối thiểu 1 tỷ/năm trong 2 năm gần nhất.

" Quy định này vì thế sẽ hạn chế nhà đầu tư cá nhân vốn đang nắm giữ 1/4 khối lượng trái phiếu phát hành, muốn tham gia thị trường trái phiếu. Đây là điều không hợp lý. Ngoài ra, theo mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025 và 2030, mỗi năm cần trên 800.000 tỷ đồng TPDN mới, việc thiếu nhà đầu tư cá nhân có thể dẫn đến sẽ không đủ người mua.

Trong khi đó doanh nghiệp thì nguy cơ lâm vào cảnh thiếu vốn, không thể triển khai dự án mới ", ông nói.

Cũng theo vị này, TPDN là kênh đầu tư uy tín, an toàn và hiệu quả, nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu rất lớn để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Vì thế, việc siết chặt nhà đầu tư cá nhân vô hình trung đi ngược với xu thế thị trường cũng như nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất nên giữ nguyên các tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân như quy định hiện hành. Ông Thịnh cho rằng không nhất thiết phải quy định thêm điều kiện giao dịch chứng khoán tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất hay như thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Vì quy định như vậy sẽ hạn chế một lượng lớn các nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDN, làm mất đi một nguồn vốn lớn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cũng cho rằng, việc đặt ra những yêu cầu quá cao có thể tạo ra sự phân biệt giữa các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ. " Tính chất đặc thù của TPDN luôn đi kèm mức độ rủi ro nhất định. Việc đòi hỏi nhà đầu tư có kinh nghiệm và thu nhập tối thiểu là hợp lý về mặt bảo vệ nhà đầu tư nhưng cũng nên có những biện pháp kiểm soát linh hoạt, thay vì tạo ra các quy định quá cứng nhắc ", ông Huy nhấn mạnh.

Ông đề xuất, thay vì áp đặt các tiêu chí quá cao, việc yêu cầu nhà đầu tư cá nhân phải tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc thông qua các bài kiểm tra đánh giá kiến thức đầu tư có thể là một giải pháp thay thế hợp lý. Việc học, kiểm tra cấp chứng nhận cần được thực hiện bởi cơ quan đào tạo uy tín của Nhà nước, từ đó sẽ giúp nhà đầu tư nâng cấp năng lực và tự quản trị tốt rủi ro khi tham gia vào thị trường trái phiếu . Như vậy, nhà đầu tư vẫn có thể tự do tham gia thị trường nếu họ đã có hiểu biết rõ ràng về rủi ro.

Giới hạn nhà đầu tư tổ chức là không hợp lý

Một trong những điểm của dự thảo Luật Chứng khoán cũng được nhiều nhận được nhiều ý kiến là Khoản 16 điều 1 điều chỉnh giới hạn đầu tư tối đa của quỹ đại chúng vào 1 tổ chức hoặc nhóm tổ chức liên quan, theo đó cho phép đầu tư tối đa 15% giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó và 35% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của các công ty trong cùng 1 nhóm có quan hệ sở hữu với nhau.

Theo ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh, quy định này đã nới lỏng so với hiên tại nhưng chưa đem lại hiệu quả cao do quỹ vẫn bị hạn chế đầu tư, làm giảm quy mô của thị trường.

Hiện tại, tổng giá trị tài sản của các quỹ trong nước chỉ chiếm dưới 0,1% GDP, quá thấp so với các nước. Do vậy, đề xuất quỹ đại chúng dược đầu tư 40% giá trị tổng tài sản của quỹ vào chứng khoán lưu hành của các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau, 20% tổng tài sản vào chứng khoán của một tổ chức.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, cần nới lỏng điều kiện đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức. Cụ thể, ngân hàng thương mại được đầu tư và bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu có mục đích sử dụng vốn là: cơ cấu nợ/tái tài trợ vốn, đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp với các điều kiện tương tự như điều kiện cho vay theo quy định của ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, cần cho phép các công ty bảo hiểm được đầu tư vào các trái phiếu có mục đích cơ cấu nợ. Bởi lẽ, các công ty bảo hiểm cũng là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có khả năng quản trị rủi ro, phân tích được tình hình sức khỏe của doanh nghiệp.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp không phải tổ chức tài chính, tổ chức niêm yết nên bỏ điều kiện tối thiểu 2 năm khi xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Nhiều kiến nghị gỡ khó, khơi thông bế tắc- Ảnh 2.

Chuyên gia cho rằng không nên giới hạn nhà đầu tư cá nhân và giới hạn nhà đầu tư tổ chức. (Ảnh minh họa)

Đề xuất giữ quy định điều kiện phát hành trái phiếu

Khoản 4 điều 1 dự thảo Luật bổ sung yêu cầu tổ chức phát hành phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, điều này khiến doanh nghiệp phải thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm cho trái phiếu xong mới nộp được hồ sơ xin cấp phép. Thời gian thường là vài tháng, gây lãng phí nguồn lực.

Ngân hàng thương mại không được bảo lãnh cho TPDN có mục đích mua cổ phần/vốn góp, cơ cấu nợ hoặc bị hạn chế bởi room tín dụng của ngân hàng. TPDN cũng là 1 hình thức huy động vốn tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng có thể huy động tiền gửi cá nhân thì việc phải có biện pháp bảo đảm khi chào bán công chúng TPDN không phải vốn cấp 2 là không phù hợp, đi ngược với thông lệ.

Vị đại diện doanh nghiệp đề xuất giải pháp " vẫn giữ nguyên điều kiện cho phép Hội đồng quản trị được phê duyệt phương án phát hành. Tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán được chào bán TPDN không có bảo đảm cho cả trường hợp chào bán TPDN thường ".

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng, quy định yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng được ban hành với mục đích giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động nhưng nếu áp dụng một cách cứng nhắc có thể gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không phải tất cả các doanh nghiệp đều có đủ tài sản đảm bảo để đáp ứng yêu cầu phát hành trái phiếu. Hơn nữa, các ngân hàng có thể không sẵn sàng cung cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc chưa có vị thế tài chính vững mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn thông qua kênh trái phiếu, làm giảm tính đa dạng trong phương thức huy động vốn và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Còn theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, không phải tất cả các trái phiếu doanh nghiệp đều có mức độ rủi ro giống nhau và việc áp dụng một quy định chung cho tất cả các loại trái phiếu có thể không hợp lý. Các doanh nghiệp có uy tín cao, tình hình tài chính ổn định và lịch sử phát hành trái phiếu tốt không nhất thiết phải bị buộc phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng.

Việc áp dụng quy định này nên được điều chỉnh tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại trái phiếu và tình trạng của doanh nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp lớn, có khả năng tự đảm bảo khả năng thanh toán, có thể được miễn yêu cầu này ”, ông nói.

Theo Ngọc Vy

VTCnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên