MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái phiếu tăng cường an toàn vốn

11-07-2018 - 17:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Nguồn vốn trái phiếu nhằm hỗ trợ những thiếu hụt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chỉ là giải pháp tạm thời bởi về bản chất, đây vẫn là những món nợ. Vì vậy, về lâu dài các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu thực chất mới có thể phát triển bền vững.

Thống kê từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu của các NHTM phát hành lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó  HDBank 6.000 tỷ đồng, VietinBank 4.000 tỷ đồng, VIB 2.800 tỷ đồng, Techcombank 2.000 tỷ đồng…

Trái phiếu tăng cường an toàn vốn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Những người am hiểu trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, việc phát hành trái phiếu là một biện pháp khá hiệu quả để các ngân hàng tăng được vốn cấp 2 và vốn tự có nhằm đáp ứng các quy định theo chuẩn Basel II. Bởi việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn sẽ dẫn đến nguy cơ pha loãng cổ phiếu, trong khi với thị trường chứng khoán đang biến động mạnh như hiện nay, việc phát hành cổ phiếu cũng không hề dễ dàng.

Trong khi để tăng vốn điều lệ từ chính các cổ đông hiện hữu cũng đang vấp phải trở ngại lớn khi mà nhiều cổ đông lớn của các ngân hàng đang phải thực hiện thoái vốn để đảm bảo theo đúng quy định, nói gì đến việc tăng vốn. Trong khi đó, trái phiếu là một trong những loại giấy tờ có giá giúp các ngân hàng có thể gọi vốn trong thời gian ngắn, với chi phí thấp; qua đó để bổ sung nguồn vốn cấp 2 để cải thiện hệ số CAR của ngân hàng, đáp ứng các quy định theo chuẩn Basel II.

Thực tế, mỗi một đợt phát hành trái phiếu các nhà phát hành thường chào mời cho tất cả các cá nhân và tổ chức kinh tế và sẽ có một công ty chứng khoán đứng ra lo việc thanh toán, chuyển nhượng theo quy định. Với lãi suất bình quân kỳ hạn 3 năm của những loại trái phiếu này hiện đang dao động từ mức 6,9%/năm đến 7,2%/năm.

Với phương thức này, các ngân hàng chẳng những nhanh chóng bổ sung nguồn vốn cấp 2, mà còn kéo tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 45% theo đúng quy định khi mà kỳ hạn trái phiếu thường khá dài. Không những vậy, các ngân hàng có thể rộng tay sử dụng nguồn trái phiếu lấp đầy vào những khoản đã cho vay trung dài hạn trước đó để đảm bảo đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc rất lớn từ vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp đều mong muốn tiếp cận được vốn dài hạn với chi phí rẻ hơn, tuy nhiên phía ngân hàng lại bị hạn chế bởi quy định về nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Điều này đặt ra cho các ngân hàng bài toán phải tìm kiếm nguồn vốn huy động dài hơn để phục vụ nhu cầu cho vay trong đó có phương án phát hành trái phiếu.

Thống kê của NHNN, tính đến đầu năm 2018 các NHTM có vốn nhà nước chi phối có tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II ở mức 8%. Những ngân hàng như Vietcombank, BIDV nếu không tăng vốn điều lệ sẽ không thể tăng trưởng tín dụng thêm trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Ở khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, hiệu quả kinh doanh tốt nhưng do áp lực ngân sách nên không thể thuyết phục cổ đông nhà nước cho giữ lại một phần lợi nhuận để tăng vốn.

Trong khi đó, nhiều NHTMCP gần đây đã cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm NHNN phân bổ. Chẳng hạn, OCB trong 6 tháng đầu năm tín dụng đã tăng trưởng 15% so với năm trước, hiện ngân hàng này đã đệ đơn lên nhà điều hành xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2018. Một số ngân hàng khác cũng đang chờ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhưng các chỉ số an toàn vốn tối thiểu lại rất thấp. Theo đó, cần lấp đầy những lỗ hổng về các tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu mới có thể được thỏa mãn nhu cầu nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và các chỉ tiêu hoạt động.

Thực chất, nguồn vốn trái phiếu nhằm hỗ trợ những thiếu hụt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chỉ là giải pháp tạm thời bởi về bản chất, đây vẫn là những món nợ. Vì vậy, về lâu dài các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu thực chất mới có thể phát triển bền vững.

Theo Minh Phương

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên