MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái với đà bứt phá ngoạn mục trên toàn Châu Á, chứng khoán Việt Nam chỉ tăng vỏn vẹn 0,6% trong phiên 19/6

Các chỉ số như Kospi (Hàn Quốc), Nikkei 225 (Nhật Bản), Shanghai Comp (Thượng Hải), Hangsheng Index (Hongkong)…đều duy trì đà tăng từ 1 đến trên 2% trong phiên 19/6.

Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về kinh tế trên Thế giới với mức tăng trưởng GDP hàng năm gần 7%; lạm phát duy trì dưới 4%; tỷ giá ổn định so với các quốc gia trong khu vực. Không những vậy, Việt Nam còn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ gia nhập các hiệp định thương mại WTO, CPTPP, FTA,…cũng như hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tháng 4 vừa qua, S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn cho Việt Nam từ BB- lên BB với triển vọng ổn định. Trong năm 2018, hai hãng đánh giá tín nhiệm lớn khác là Fitch mà Moody’s cũng nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam khẳng định sự ổn định, bền vững của kinh tế Việt Nam.

Dù vậy, trên thị trường chứng khoán, nơi được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế lại có những diễn biến trái ngược hoàn toàn. Thống kê trong 3 tháng gần nhất (tính tới ngày 18/6), chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 6,71% và nằm trong top những chỉ số chứng khoán "tệ" nhất Thế giới. Nếu tính trong vòng 1 tháng, VN-Index thậm chí giảm 3,33% và là chỉ số giảm mạnh nhất Thế giới.

Trái với đà bứt phá ngoạn mục trên toàn Châu Á, chứng khoán Việt Nam chỉ tăng vỏn vẹn 0,6% trong phiên 19/6 - Ảnh 1.

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Thế giới trong 1 tháng qua

Diễn biến ảm đạm của chứng khoán Việt Nam trong những tháng qua bên cạnh yếu tố kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết giảm tốc so với cùng kỳ năm trước còn bởi ảnh hưởng từ những diễn biến quốc tế, tiêu biểu là lo ngại chiến thương mại leo thang.

Sau giai đoạn căng thẳng trong tháng 5 và đầu tháng 6, thị trường tài chính quốc tế đang đón nhận những diễn biến tích cực hơn trong những ngày gần đây. Cụ thể, trong đêm 18/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống D.Trump cho biết sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G20, điều này giúp giới đầu tư kỳ vọng những nút thắt của quá trình đàm phán thương mại sẽ dần tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) mới đây đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hạ lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. FED sau giai đoạn tăng lãi suất mạnh năm 2018 cũng đang có những tín hiệu cho thấy có thể hạ lãi suất. Nếu xu hướng hạ lãi suất diễn ra sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như giúp dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán.

Đón nhận những thông tin trên, TTCK Mỹ đã tăng mạnh trong phiên 18/6 và các thị trường Châu Á cũng tăng mạnh trong phiên 19/6. Các chỉ số như Kospi (Hàn Quốc), Nikkei 225 (Nhật Bản), Shanghai Comp (Thượng Hải), Hangsheng Index (Hongkong)…đều duy trì đà tăng từ 1 đến trên 2% trong phiên 19/6.

Thị trường Việt Nam được kỳ vọng cũng "nối gót" các thị trường khu vực bứt phá trong phiên 19/6. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index chỉ tăng vỏn vẹn 5,68 điểm (0,6%) lên 949,69 điểm. So với các chỉ số chứng khoán Châu Á, VN-Index được ghi nhận có mức tăng gần như thấp nhất phiên giao dịch.

Trái với đà bứt phá ngoạn mục trên toàn Châu Á, chứng khoán Việt Nam chỉ tăng vỏn vẹn 0,6% trong phiên 19/6 - Ảnh 2.

Chứng khoán Việt Nam tăng "yếu" gần nhất Châu Á phiên 19/6

Đây không phải lần đầu tiên VN-Index xác lập "kỷ lục" buồn này trong năm 2019. Trước đó trong phiên giao dịch 3/6, mặc cho nhiều thị trường khu vực tăng điểm, chỉ số VN-Index vẫn "ngược dòng" và là chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á. Trong phiên 28/2, thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, chỉ số VN-Index cũng được ghi nhận có mức giảm điểm mạnh nhất khu vực.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên