MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái với lo ngại, doanh nghiệp ngành thép quý II vẫn khả quan

04-07-2017 - 13:24 PM | Doanh nghiệp

Lo ngại sẽ sụt giảm sau 1 năm 2016 quá thành công, nhiều doanh nghiệp thép tỏ ra dè dặt hơn với năm 2017. Nhưng trải qua 6 tháng đầu năm, nhiều tín hiệu cho thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành vẫn sẽ hết sức khả quan.

Sau năm 2016 tăng trưởng đột biến, đa phần các doanh nghiệp trong ngành thép đều bước vào năm 2017 với một tâm thế thận trọng. Cụ thể, đánh giá trong năm 2017 thị trường ngành thép sẽ có những diến biến phức tạp, giá nguyên liệu như quặng sắt, than cốc, thép cán nóng dao động, khó giữ ổn định, thị trường thép Trung Quốc có thể có bước tái cơ cấu mạnh, các quốc gia trên thế giới đang có động thái tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép nhập khẩu. Do vậy, các đơn vị trong ngành đều hạ mục tiêu tăng trưởng của mình so với năm trước hay thậm chí là sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy bức tranh tươi sáng hơn so với kỳ vọng. Giá thép ở hầu hết các mặt hàng đều có có sự sụt giảm trong tháng 4 nhưng đến tháng 5 và 6 thì đã hồi lại.

Mặt khác, theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 5 tháng đầu năm 2017, sản xuất thép trong nước đạt hơn 7,87 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016. Tình hình tiêu thụ cũng đạt mức tăng trưởng nhẹ, tổng lượng tiêu thụ thép trong nước trong 5 tháng đầu năm ước đạt 6,43 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, trong tháng 5/2017, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu được 1,667 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá thu về đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 31,1% về lượng và 61,9% về trị giá trong 5 tháng đầu năm. Ngược lại, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể 13,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,8 triệu tấn sắt thép các loại nhưng tổng trị giá nhập khẩu đạt, tăng 33,3% tính chung 5 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, giá phôi thép tại thị trường Trung Quốc hiện đang ở mức quanh 3.700 - 3.800 nhân dân tệ/tấn (tùy sản phẩm thép dài hoặc thép dẹt), nếu tính ra khoảng 12,7 triệu đồng/tấn trong khi đó tại thị trường Việt Nam các sản phẩm thép đang được các công ty bán ra với giá dưới 11 triệu đồng/tấn. Một số nhà đầu tư kỳ vọng sự chênh lệch giá này có thể làm giảm bớt lượng nhập khẩu thép Trung Quốc vào Việt Nam giai đoạn này.


Giá thép tại thị trường Trung Quốc (nguồn steelhome)

Giá thép tại thị trường Trung Quốc (nguồn steelhome)

Những tín hiệu lạc quan trên đều có thể đem đến kỳ vọng rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành thép vẫn sẽ tiếp tục khởi sắc trong 6 tháng đầu năm.

Quả thật, mới đây, CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (HOSE: TNA) mới công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 khá lạc quan. Công ty ghi nhận 2.108 tỷ đồng doanh thu và 73,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng trưởng 25,6% và 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, TNA đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 70,2 kế hoạch lợi nhuận.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Bình Trọng, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) cho biết giá thép xây dựng tháng trước có giảm nhưng rất ít, giá thép nhập khẩu cũng gần như không giảm (tháng trước có giảm nhưng tháng này đã hồi lại) cho nên tình hình kinh doanh của Công ty vẫn bình thường khả quan. Nhìn chung tình hình giá thép vẫn ổn nhưng cầu thì không cao, tuy nhiên điều Công ty lo ngại chỉ là giá giảm do tồn kho lớn mà hiện tại giá gần như không giảm nên không có gì đáng ngại.

Đại diện CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) cũng chia sẻ tháng 4 giá thép có sự đảo chiều giảm nên không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng qua tháng 5, 6 đã có sự phục hồi nhẹ và ổn định hơn. Nhìn chung doanh thu không bị suy giảm nhiều so với quý 1 và chắc chắn có lợi nhuận. Quý 1, sản lượng tiêu thụ phôi thép của VIS đạt 46.800 tấn, bằng 74% sản lượng tiêu thụ của cả năm 2016. Với thép thành phẩm sản lượng tiêu thụ trong quý 1 của VIS đạt hơn 98.000 tấn, bằng 30% sản lượng tiêu thụ của cả năm 2016, giá bán bình quân đạt hơn 10,5 triệu đồng/tấn, tăng 10,5% so với giá bán bình quân của năm 2016.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng cho biết lũy kế 5 tháng đầu năm, đã cho ra thị trường 845.900 tấn, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường dân dụng, rút dây tiêu thụ tốt đã giúp cho Hòa Phát tiếp tục giữ sản lượng bán ra ở mức cao. Với thép cuộn rút dây tuy giá bán cao hơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc một chút nhưng thị trường vẫn chấp nhận với trên 20.000 tấn nhờ chất lượng cao và ổn định.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2017 đến nay, Hòa Phát đã xuất khẩu khoảng 66.000 tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao sang các thị trường Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào và 27.000 tấn phôi đi Philippine. Dự kiến trong tháng 6, Hòa Phát sẽ xuất khẩu một số lô thép xây dựng với tổng khối lượng khoảng 20.000 tấn. Đây sẽ là con số xuất khẩu cao nhất trong một tháng tháng của thép Hòa Phát từ đầu năm đến nay.

Với những tín hiệu tích cực trên thì Hòa Phát cho biết tự tin sẽ hoàn thành vượt mức mốc sản lượng 2 triệu tấn trong năm 2017.

Phát biểu tại hội thảo “Đối thoại ngành thép – Triển vọng 2017 – 2020”, ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, năm 2017, ngành thép sẽ không còn mức tăng trưởng đột biến nhưng giá thép cũng sẽ không thể rơi về mức thấp như năm 2014 và 2015. Thời kỳ 2014-2015 giá thép sụt giảm mạnh là do dư thừa thép từ Trung Quốc. Trung Quốc đã tìm mọi cách để xuất khẩu (93 triệu trong năm 2014 và 112 trệu năm 2015), tình trạng này khó có thể lặp lại.

Mặt khác, Việt Nam hiện đang được áp thuế tự vệ trong ngành thép đối với phôi thép là 23% và giảm dần 1-2% mỗi năm trong vòng 4 năm. Đến tháng 3/2020 thuế nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam sẽ giảm về 0% nếu không có quyết định gia hạn. Nhiều chuyên gia trong ngành thép cho rằng, thuế tự vệ dù chỉ là biện pháp tạm thời nhưng sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, củng cố lại năng lực của mình để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

Trở lên trên