Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Những mô hình cần nhân rộng
(Chinhphu.vn) - Việc có các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới hoàn thành là nhu cầu bức thiết để bảo đảm sự an toàn cho các phương tiện và người dân tham gia giao thông.
- 13-08-2023Việt Nam chi gần 1,87 tỷ USD nhập khẩu ô tô nguyên chiếc
- 13-08-2023Đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu trong nhóm nông lâm thuỷ sản, mặt hàng này liên tục đạt kỷ lục
- 13-08-20233 Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt: Đường lớn đã mở
Người dân có quyền hy vọng việc tổ chức đấu thầu các trạm dừng nghỉ thời gian tới sẽ được công khai, minh bạch, khách quan, chọn được các nhà đầu tư có tâm, có trách nhiệm để tạo được không gian thoải mái, thư giãn, tiện ích phục vụ người dân. Hiện nay có một số mô hình trạm dừng nghỉ rất tiện nghi, văn minh …để nhân rộng.
Đối với các tài xế hay các hành khách trên xe đường dài thì có một trạm dừng chân để nghỉ ngơi là rất quan trọng. Đây là nơi để họ có thể kiểm tra tình trạng an toàn của phương tiện, giải quyết các nhu cầu cá nhân, ăn uống, lấy lại sự thoải mái và sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình.
Các tài xế xe khách khi về miền Tây thường chọn một điểm dừng chân khá quen thuộc là trạm dừng nghỉ Phúc Lộc ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Địa điểm này thu hút lượng khách lớn mỗi ngày nhờ bố trí bãi đậu xe khách hợp lý cùng nhiều tiện ích liên quan khác.
Hai vợ chồng cô Nguyễn Ngọc Đẹp và chú Nguyễn Văn Tiền cho biết, lần nào cũng dừng nghỉ ở trạm dừng Phúc Lộc - Ảnh VGP/Anh Thơ
Hai vợ chồng cô Nguyễn Ngọc Đẹp và chú Nguyễn Văn Tiền thường xuyên di chuyển từ Cai Lậy, Tiền Giang về Sóc Trăng để thăm con. Cô chú cho biết lần nào cũng dừng nghỉ ở trạm dừng Phúc Lộc.
"Nơi này rộng rãi, thoáng mát, thích hợp để nghỉ ngơi. Nhà vệ sinh rất sạch sẽ và có người túc trực lau dọn thường xuyên", cô Đẹp cho biết.
"Chúng tôi di chuyển không xa nên không có nhu cầu ăn uống gì, nhưng mỗi lần đi qua đều vào đây vì siêu thị đồ đặc sản thích hợp để mua quà cho họ hàng, người thân. Sản phẩm 3 miền đa dạng, có nguồn gốc rõ ràng nên vợ chồng tôi yên tâm mua làm quà", chú Tiền nói.
Còn chị Phan Cẩm Nương, đang cùng con gái từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ du lịch, cũng chia sẻ sự hài lòng của mình với trạm dừng chân này.
"Nơi này có rất nhiều quầy hàng ăn uống để lựa chọn. Món truyền thống ngoài cơm còn có hủ tiếu, mì, phở và có cả quầy đồ ăn nhanh. Con gái tôi còn bé cũng có quầy bán cháo, sữa. Đặc biệt là giá cả rất phải chăng, không hề có tình trạng chặt chém. Ngoài ra, các quầy hàng được bố trí đẹp, bắt mắt, sạch và thoáng", chị Nương bày tỏ.
Không chỉ hành khách, các tài xế cũng có khu vực riêng để ăn uống, nghỉ ngơi, lấy lại sự tỉnh táo trước khi tiếp tục hành trình.
"Trước đây, trạm dừng chân ít nên chúng tôi rất vất vả tìm chỗ dừng đỗ cho mình và khách, nhất là những lúc mệt mỏi khi đi đường xa. Dừng đỗ bên vệ đường thì mất an toàn, thậm chí kém văn minh, phản cảm. Từ khi có trạm dừng chân này, không chỉ tài xế chúng tôi mà các hành khách có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, đi vệ sinh. Ở đây còn bố trí khu vực giúp khách thư giãn như ghế massage, bố trí quầy thuốc…", anh Nguyễn Hoàng Hoa Tiên, tài xế xe khách cho biết.
Trạm dừng nghỉ Phúc Lộc nằm trong hệ thống các trạm dừng của Futa Busline tại Tiền Giang, Lâm Đồng, Bến Tre… được đầu tư xây dựng đồng bộ. Với khuôn viên 23.000m2, mỗi ngày trạm đón tiếp 22.000-25.000 lượt khách.
Mặc dù phục vụ khối lượng khách lớn, nhưng với sự đồng bộ trong đầu tư và sự chuyên nghiệp trong quản lý vận hành, nên nhiều năm nay trạm này là nơi dừng yêu thích trên hành trình đi miền Tây của nhiều hành khách.
Quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất
Ông Phạm Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần trạm dừng Phúc Lộc chia sẻ: "Chúng tôi quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất để phục vụ khách hàng. Nhà vệ sinh luôn có người trực sẵn để lau dọn và luôn có người giám sát để bảo đảm sạch sẽ nhất có thể. Chúng tôi cũng có quy định nghiêm ngặt với nhân viên, có hình thức khen thưởng hay xử phạt nếu nhân viên làm tốt hay thực hiện không tốt nhiệm vụ của mình.
Đối với các quầy hàng ăn do công ty bán cũng đều có sự kiểm tra, giám sát liên tục về chất lượng, vệ sinh an toàn. Món ăn phải đạt chất lượng về hình thức lẫn nội dung, từ bày biện đẹp mắt đến hợp khẩu vị. Trước khi bán một món ăn nào đó, chúng tôi đều có sự thống kê, phân tích để làm sao hạ giá thành tối đa sản phẩm, vậy nên giá cả các món ăn ở trạm dừng đều rất phải chăng. Ngoài ra, chúng tôi chỉ chọn những nguyên vật liệu của những đơn vị có tiếng, có thương hiệu từ gạo, tương ớt, dầu ăn. Đến với trạm dừng nghỉ Phúc Lộc, bất kỳ ai cũng hài lòng và tuyệt đối không còn khái niệm bị nâng giá ở các trạm dừng nghỉ".
Ông Tâm thông tin thêm, công ty cũng quan tâm điều tiết các món ăn theo giờ. Ví dụ như thực đơn các món ăn khuya không có các món lạnh để đảm bảo sức khỏe cho hành khách. Thêm vào đó, công ty cũng lưu ý không bán các món ăn khó tiêu hóa, gây khó chịu cho hành khách khi lên xe di chuyển đường dài.
Ngoài các quầy hàng món ăn truyền thống do công ty trực tiếp bán thì tại trạm dừng còn có các quầy hàng của 15 đối tác, kinh doanh nhiều mặt hàng từ đồ ăn nhanh, bánh dân gian, bánh Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
"Đây là hình thức mà các trạm dừng khác không có. Ngoài việc đề nghị các đối tác cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi cũng trực tiếp kiểm tra, giám sát hằng ngày, kiểm tra chất lượng để đối tác làm ăn nghiêm túc, không bán những sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Chúng tôi muốn có sự tham gia của các đối tác trong trạm dừng chân để có sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển. Chúng tôi vừa học được sự chuyên nghiệp của họ, vừa hoàn thiện mình", ông Tâm bày tỏ.
Ngoài những tiện ích về vệ sinh, ăn uống, quầy thuốc, mua sắm, nơi này còn được bố trí trạm sơ cứu di động kết nối với y tế địa phương. Đội an ninh địa phương cũng túc trực ở trạm 24/24, đảm bảo an ninh, an toàn cho khu dừng nghỉ.
Ông Tâm chia sẻ thêm, sắp tới công ty sẽ thiết lập thêm các app (ứng dụng) để khách hành có thể đặt món ăn, mua đặc sản ngay từ lúc còn đang ở trên xe.
"Đặc thù của trạm dừng chân là khách chỉ dừng nghỉ 25-30 phút thôi nên chúng tôi muốn làm sao để khách hàng tiết kiệm được thời gian và hưởng thụ các dịch vụ của trạm trọn vẹn nhất".
Theo ông Đặng Trọng Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần trạm dừng Phúc Lộc, xuất phát từ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách hàng khi di chuyển đường dài ngày càng lớn, công ty mới bắt đầu tìm hiểu các mô hình trạm dừng để đầu tư cho bài bản.
"Chúng tôi đã đi khảo sát kỹ các trạm dừng nghỉ ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ. Sau khi xem xét, nghiên cứu, chúng tôi đã dựng lên mô hình riêng để phù hợp với thói quen, văn hóa, nhu cầu, cộng thêm những kiến thức cơ bản về kinh doanh trạm dừng trong suốt 10 năm qua, xâu chuỗi lại và cho ra được trạm dừng Phúc Lộc hiện nay", ông Hiền cho biết. Nhưng điều quan trọng nhất mà lãnh đạo chúng tôi quán triệt – đó là "Phục vụ bằng cái tâm".
Ông Hiền bày tỏ: "Mở ra kinh doanh là một chuyện, quan trọng hơn là để phục vụ cộng đồng. Chúng tôi cũng muốn cám ơn cộng đồng vì đã ủng hộ. Lãnh đạo của chúng tôi chỉ đạo dứt khoát cấm "chặt chém" để thu lợi mà muốn người dân được thư giãn, thoải mái, hưởng thụ một dịch vụ với chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Bởi vậy cho nên một số xe du lịch, xe hợp đồng mặc dù có thể chạy thẳng cao tốc nhưng vẫn rẽ xuống trạm dừng của chúng tôi để ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm".
Mô hình trạm dừng chân đáng được nhân rộng
Câu chuyện về những cao tốc kém văn minh thời gian qua đã tốn không ít giấy mực của báo giới. Những tuyến cao tốc dài hơn trăm cây số không có lấy một trạm dừng chân, buộc các tài xế và hành khách phải giải quyết nhu cầu cá nhân ở những nhà vệ sinh tạm bợ của người dân.
Vì lý do an toàn, tài xế không được chạy liên tiếp quá 2 - 3 giờ đồng hồ nên trạm dừng chân là một trong những hạng mục rất quan trọng, gần như là bắt buộc. Trạm dừng chân không chỉ là nơi để hành khách giải quyết các nhu cầu tối thiểu như đi vệ sinh, ăn uống hay nhu cầu tăng thêm như mua sắm, ngắm cảnh… mà còn để đảm bảo an toàn giao thông. Cao tốc ở nước ta hẹp, ít làn, một số tuyến còn không có cả đường tránh nên rất cần thiết đảm bảo đúng quy định về bố trí trạm dừng, nghỉ.
Trước nhu cầu bức thiết này, mới đây, ngày 2/8, Bộ GTVT đã nhanh chóng công bố mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó, sẽ có 36 trạm dừng nghỉ được xây dựng phục vụ chủ phương tiện nghỉ ngơi, đổ xăng, ăn uống... khi lưu thông trên tuyến cao tốc này.
Trong quyết định phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau, Bộ GTVT cho biết đến nay có 7 trạm đã được đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư một phần; 3 trạm đang đầu tư; 26 trạm chưa đầu tư.
Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, quyết định phê duyệt mạng lưới trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đầu tư trạm dừng nghỉ. Toàn bộ 26 trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Rõ ràng, những mô hình như trạm dừng chân Phúc Lộc ở Tiền Giang rất đáng được tham khảo, nhân rộng. Mô hình này đã chứng minh tính hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn khía cạnh phục vụ hành khách với chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Mô hình này cũng cho thấy doanh nghiệp trong nước với kinh nghiệm quản lý và phong cách bài bản của mình cũng có thể làm tốt việc đầu tư trạm dừng chân mà không cần mời gọi đầu tư từ quốc tế.
Người dân có quyền hy vọng việc tổ chức đấu thầu các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc thời gian tới sẽ được công khai, minh bạch, khách quan, chọn được các nhà đầu tư có tâm, có trách nhiệm để tạo được không gian thoải mái, thư giãn, tiên ích phục vụ người dân. Đừng coi các trạm dừng nghỉ là "miếng bánh" hay là bất động sản để có được nó bằng nhiều cách. Hãy lấy sự an toàn, tiện ích phục vụ nhân dân là quan trọng nhất.
VGP