MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tràn lan khu du lịch sinh thái trái phép

Những khu du lịch sinh thái trái phép ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đều mọc lên trên đất nông nghiệp.

Theo báo cáo của UBND xã Hòa Bắc, trên địa bàn hiện có 5 trường hợp sử dụng đất nông nghiệp để kinh doanh dịch vụ du lịch. Những nơi này đều tự nguyện xin tháo dỡ khi chính quyền địa phương yêu cầu.

Làm du lịch chưa phù hợp

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho biết qua giám sát của ban, trên địa bàn xã Hòa Bắc hiện tồn tại một số mô hình phát triển du lịch sinh thái chưa phù hợp quy định. Các khu du lịch này tự ý dựng lều sạp, trang trí tiểu cảnh trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ việc tổ chức sinh hoạt vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú.

Ông Tiến dẫn chứng một số khu du lịch sinh thái như: A Lăng Như tại thôn Giàn Bí do ông A Lăng Như xây dựng, Heart Organic Farm tại thôn Phù Nam do ông Võ Quang Hùng xây dựng, Làng Coco tại thôn Lộc Mỹ do ông Nguyễn Đức Vinh xây dựng, Làng Mê tại thôn Nam Yên do ông Ngô Quốc Bình xây dựng, Yên Retreat tại thôn Nam Yên do ông Bùi Đức Tuấn xây dựng… đều chưa phù hợp quy định.

Để chấn chỉnh, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hòa Vang xử lý, chấm dứt việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trái phép nêu trên. Bên cạnh đó, theo giám sát của ban, xã Hòa Bắc còn có một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức phát triển du lịch sinh thái tự phát dọc tuyến đường từ Tà Lang, Giàn Bi đến đèo Mũi Trâu... cũng chưa đúng quy định.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, thừa nhận thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn chạy theo mô hình phát triển du lịch sinh thái. Họ tự ý dựng lều sạp bằng tre, trang trí tiểu cảnh trên đất nông nghiệp, tổ chức sinh hoạt vui chơi, thưởng thức các món đặc sản vùng quê cho du khách trải nghiệm. Việc này gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính về đất đai, trật tự xây dựng của UBND xã.

Qua khảo sát của xã Hòa Bắc, các trường hợp kinh doanh du lịch trên đất nông nghiệp đa phần là người địa phương. Theo UBND xã, hiện có 5 trường hợp sử dụng đất nông nghiệp để kinh doanh dịch vụ du lịch. Chủ các khu du lịch cũng cam kết sẽ tự tháo dỡ nếu chính quyền địa phương yêu cầu.

Xin được tồn tại!

Ông Thái Văn Hoài Nam cho hay các mô hình nêu trên manh nha từ trước năm 2020, dùng vật liệu chủ yếu là tre, ván, phía trên lợp lá, không xây dựng kiên cố, song vẫn không đúng quy định. UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo UBND xã Hòa Bắc xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng của các trường hợp này. Đến nay, chính quyền địa phương không cấp phép cho bất kỳ trường hợp nào kinh doanh tương tự.

Tuy nhiên, theo ông Nam, Hòa Bắc là một địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân chủ yếu nhờ vào nông nghiệp với hai cây trồng chủ lực là keo lá tràm và mía. Thời gian gần đây, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến mía không tiêu thụ được, keo thì thường xuyên ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió khiến đời sống người dân hết sức khó khăn.

Tràn lan khu du lịch sinh thái trái phép - Ảnh 1.

Những khu du lịch sinh thái xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng

Ông Nam cho rằng việc kinh doanh dịch vụ ăn uống, làm nơi giải trí cuối tuần trên đất nông nghiệp của người dân cũng đem lại một khoảng thu nhập đáng kể, khá hơn so với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Vì thế, xã Hòa Bắc đã đề nghị UBND huyện Hòa Vang, UBND - HĐND TP Đà Nẵng cho chủ trương để 5 khu du lịch nêu trên tiếp tục được kinh doanh theo hướng dịch vụ ăn uống và giải trí. UBND xã cam kết sẽ thực hiện đúng quy định về pháp luật, không để phát sinh các trường hợp tương tự. Bên cạnh đó, xã Hòa Bắc cho biết sẽ tháo dỡ các lều dựng tạm để không phát sinh việc lưu trú tại các khu này.

Theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, các khu du lịch sinh thái nói trên chỉ dựng lều chứ không xây bằng bê-tông. Về lâu dài, huyện sẽ hỗ trợ người dân phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đã được HĐND TP Đà Nẵng ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương.

Mở điểm du lịch "chui" giữa rừng phòng hộ

Tại Quảng Bình, UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vừa lập tổ công tác kiểm tra thực địa 2 khu du lịch hoạt động trái phép giữa lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh. Đó là Khu Du lịch suối Chà Cùng và Khu Du lịch suối Chà Rào. Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho hay qua kiểm tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện dấu hiệu tàn phá, xâm hại rừng ở đây. Xã Trường Sơn đang phối hợp với các ban ngành liên quan họp bàn, thiết kế một đề án khai thác du lịch tại 2 khu vực này để tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế, du lịch.

Trong khi đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, thời gian gần đây, tại bãi biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, một số khu du lịch sinh thái, quán nhậu tự phát đã mọc lên. Các địa điểm này cũng lắp đặt nhiều hạng mục phục vụ khách du lịch, trong đó có cả hạng mục lưu trú. Sau khi báo phản ánh, UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động kinh doanh tại đây. Tuy nhiên đến nay, các khu du lịch sinh thái và quán nhậu này vẫn còn hoạt động.


Theo H.Phúc - B.Vân

Người lao động

Trở lên trên